Nông nghiệp công nghệ cao - Thành công bước khởi đầu

07:02, 15/02/2018

Mấy năm gần đây, những gương mặt tiêu biểu trong phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) ở tỉnh ta lại không phải là những “lão nông tri điền” với bề dày kinh nghiệm truyền thống biết “trông trời, trông đất, trông mây”, có “ruộng sâu, trâu nái”. Hầu hết chủ nhân của những doanh nghiệp, HTX, trang trại thành công trong lĩnh vực này lại là những người trước đó chưa từng một ngày làm nông nghiệp, không được đào tạo từ chuyên ngành nông nghiệp, nhiều người còn rất trẻ và đang thành công trên những lĩnh vực kinh tế khác. Nhưng rồi họ lại sẵn sàng từ bỏ để dấn thân vào lĩnh vực nổi tiếng là nhiều rủi ro, không mấy người dám “mở hầu bao” đầu tư, đó là nông nghiệp.

Sản xuất rau sạch theo công nghệ thủy canh tại Cty TNHH Rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng (Trực Ninh).
Sản xuất rau sạch theo công nghệ thủy canh tại Cty TNHH Rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng (Trực Ninh).

Trong hành trình tìm về với những trang trại NNCNC, ấn tượng chung hết sức sâu sắc đối với chúng tôi là ý chí và nghị lực của những chủ trang trại, doanh nghiệp, HTX với tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm. Điều thú vị là hầu hết những người khởi nghiệp với NNCNC đều không được đào tạo chuyên ngành nông nghiệp, vậy nhưng khi bắt tay vào sản xuất đều bước đầu gặt hái những thành công và hứa hẹn tương lai rộng mở cho sản xuất NNCNC của tỉnh. Hiện tại trên địa bàn tỉnh, đã xuất hiện hơn chục mô hình sản xuất NNCNC với nhiều phương thức khác nhau. Anh Đinh Xuân Mộc, Giám đốc Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc, xã Xuân Tiến (Xuân Trường) đã thành công với nghề cơ khí chế tạo máy truyền thống của quê hương; anh Trần Trọng Việt, Giám đốc Cty Hải Đăng, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) trước đây đã có việc làm ổn định với thu nhập đáng mơ ước trong lĩnh vực tài nguyên môi trường; anh Lâm Văn Lưu, Giám đốc Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng (Trực Ninh) lại thành công với việc kinh doanh thiết bị làm vườn… Cơ duyên đến với NNCNC của các anh đều bắt nguồn từ quá trình công tác, học tập, làm việc cùng với các chuyên gia nông nghiệp, các đối tác kinh doanh hoặc chỉ đơn giản là từ khát khao được sử dụng thực phẩm sạch của bản thân trước ma trận thông tin về thực phẩm bẩn, không an toàn. Anh Trần Trọng Việt, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) tâm sự: Tốt nghiệp Đại học Bách khoa, anh đã làm việc cho một tập đoàn nước ngoài. Qua quá trình làm việc, từ chỗ ngưỡng mộ cách làm nông nghiệp của người Ít-xra-en trong anh nhen nhóm rồi nung nấu ý tưởng làm NNCNC. Sau nhiều năm trăn trở, học hỏi các chuyên gia của Viện Nông nghiệp (Bộ NN và PTNT) và vận dụng kiến thức về khoa học môi trường của mình để tư duy về phát triển NNCNC anh đã quyết tâm đầu tư dẫu biết rằng rất nhiều khó khăn đang ở phía trước. “Tôi đến với NNCNC trong sự băn khoăn lo lắng của gia đình, vợ con. Gia đình 4 người của tôi đang sớm tối có nhau trong căn nhà nhỏ ở Hà Nội nay chia thành 3 ngả, cháu nhỏ ở cùng vợ tôi cho tiện công tác và chăm sóc; cháu lớn theo bố về gửi ông bà nội chăm sóc, còn tôi một mình “cắm chốt” giữa khu đất chuyển đổi ven sông sớm ngày chia sẻ buồn, vui, trăn trở với cây cỏ, tỷ lệ phân gio, ngày ra hạt, ngày lên giàn cho cây…”. Sau 4 năm nỗ lực hoàn thiện công nghệ trồng cấy, tìm kiếm thị trường, đến nay, sản phẩm đặc trưng của Cty Hải Đăng là các loại hoa, rau quả giống ngoại nhập có chất lượng cao đã được thị trường trong nước chấp nhận. “Quyết định dấn thân vào NNCNC của tôi đã được gia đình, anh em bạn bè cũng như chính quyền địa phương từng bước hiểu, chia sẻ khiến tôi thêm phấn chấn, tiếp tục nỗ lực cho con đường mình đã chọn”, anh Việt bộc bạch.

Anh Đinh Xuân Mộc, Giám đốc Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc, xã Xuân Kiên (Xuân Trường) tuy đã rất thành công trong lĩnh vực cơ khí sản xuất máy nông nghiệp nhưng rất tâm huyết với nghiệp trồng cấy của nhà nông. Anh cho biết, sẵn có nghề chế tạo máy móc nên từ nhiều năm trước vợ chồng đã nuôi ý tưởng gây dựng mô hình nông nghiệp sản xuất hàng hóa đưa cơ giới hóa vào các khâu sản xuất, chế biến để nâng cao chất lượng nông sản và giảm lao động thủ công nặng nhọc. Khi Nhà nước khuyến khích đầu tư tích tụ ruộng đất để sản xuất cánh đồng mẫu lớn anh chị nhận thấy thời cơ để hiện thực hóa mơ ước. Nhờ có máy móc nên anh rất thuận lợi khi tiến hành kiến thiết chỉnh trang đồng ruộng, đắp bờ vùng, bờ thửa để chủ động cho công tác tưới tiêu nước và các khâu phục vụ sản xuất. Điểm đột phá trong việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất là Cty đã sáng chế ra thiết bị cầu đập nước, trạm bơm đa năng. Thiết bị này được cải tiến gắn máy bơm nước đa năng trên thuyền sắt không đáy đặt cố định tại cửa sông, tạo thành đập ngăn nước. Thiết bị hoạt động hai chiều đảm bảo cả lấy nước vào và tháo nước ra, khi không cần thiết có thể nâng phai cống lên làm cầu đi lại để nước tự chảy. Thiết bị đa năng này giải quyết cơ bản nguy cơ ngập úng và hạn hán trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong điều kiện biến đổi khí hậu, mưa nắng thất thường.

Kỹ sư xây dựng Trần Chung, xã Giao Lạc (Giao Thủy) cũng lao tâm khổ tứ, dốc cả tâm sức, tiền bạc cho sự nghiệp cấy trồng ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao. Từng là học sinh Trường chuyên Lê Hồng Phong (TP Nam Định) vừa giỏi chuyên môn, có năng khiếu thơ, ca, nhạc, họa; đang tương đối thành công với nhiều công trình lớn ở cả trong và ngoài nước, vậy mà anh quyết định “từ bỏ” gia đình, công việc ổn định ở Hà Nội để về quê hương bắt đầu sự nghiệp mới từ nghề nông. Lại cũng không chọn vùng đất màu mỡ nơi quê nhà Xuân Trung để khởi nghiệp, anh quyết định tìm về vùng đất nhiễm mặn ven biển xã Giao Lạc mà anh cho rằng có điều kiện tự nhiên thuận lợi nhất để anh thực hiện ý tưởng của mình. Anh Chung có thuận lợi là có những người bạn đồng chí hướng sát cánh cùng thực hiện mơ ước. Họ quyết định thành lập HTXNN Trường Xuân để thuận lợi cho việc giao dịch kinh doanh. Chỉ riêng việc cải tạo đất của HTX đã rất tỉ mỉ, công phu và cho thấy sự khác biệt bởi hàm lượng khoa học cao. Thông thường, với đặc thù của vùng đất nhiễm mặn ven biển nếu muốn trồng cấy được phải cải tạo ít nhất 2 năm bằng các phương pháp phổ biến như bơm, tháo nước ngọt liên tục vào để rửa mặn và chọn được các giống cây phù hợp để canh tác. Nhưng các anh đã kết hợp đồng bộ cả 3 phương pháp cải tạo đất thau chua, rửa mặn bằng thủy lợi, nông học, sinh học và hóa học phù hợp với từng thời điểm. Trong đó, ngoài việc “dẫn thủy nhập điền” để thau chua, rửa mặn, anh còn sử dụng phân bò, phân thỏ và trồng cỏ, khoai lang cùng một số loại cây họ đậu, nhưng trồng không để thu hoạch ngay mà chỉ để cày lên rồi lại vùi xuống nhằm tăng cường chất hữu cơ tạo mùn, cải tạo đất. Trong quá trình trồng cây họ đậu để cải tạo đất, anh Chung đã tìm ra cách kích thích tăng số lượng những nốt sần trên bộ rễ cây bằng cách cho các vi sinh vật trong nốt sần “ăn” những món ăn mà chúng ưa thích như (giá đỗ, thịt bò…) để chúng nhanh phát triển cung cấp dưỡng chất cho đất đai màu mỡ. Rồi anh lại học cách làm phân hữu cơ từ nguyên liệu cá, ốc để chăm sóc cây và cải tạo đất… Nhờ cách làm này đã biến phần đất hoang hóa, chua mặn ở vùng ven biển xã Giao Lạc thành “bờ xôi ruộng mật”, xanh mướt những loại cây đặc sản trong và ngoài nước. Hiện tại trang trại của anh đã  thuần hóa và hoàn thiện quy trình sinh trưởng, phát triển những loài cây quả quý như cà chua bạch tuộc, lạc đen có nguồn gốc từ Nam Phi; khoai lang, rau dền Nhật Bản; rau muống “tiến vua”, gà Mông, gà Quý phi, chim trĩ… Tất cả những sản phẩm này đều được nuôi trồng hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ nên được thị trường đón nhận tích cực. Ngay trong những ngày đầu năm mới này anh Chung đã liên kết với các nhà khoa học ứng dụng công nghệ nano để cung cấp dưỡng chất cho cây trồng. Một phương pháp canh tác có thể tạo nên sự khác biệt về năng suất, chất lượng cây trồng, đặc biệt là cải thiện đáng kể môi trường và người nông dân tiết kiệm tối đa chi phí cũng như sức lao động.

Phát triển NNCNC là mục tiêu và xu hướng tất yếu mà tỉnh đang hướng tới nhằm tạo ra bước phát triển đột phá trong sản xuất, làm cơ sở chuyển nhanh nền nông nghiệp theo hướng CNH-HĐH, phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Đầu tư vào nông nghiệp, nhất là trồng trọt, mỗi nhà đầu tư đều xác định phải chấp nhận rủi ro cao bởi phụ thuộc thời tiết, giá cả thị trường... Nhưng niềm đam mê, ý chí quyết tâm và sự giúp đỡ kịp thời bằng cơ chế chính sách của chính quyền và ngành chức năng sẽ tạo điểm tựa vững vàng và động lực mạnh mẽ cho các nhà đầu tư hiện thực hóa mục tiêu làm giàu cho nông dân từ NNCNC. Xuân 2018, thêm một mùa hy vọng mới cho phát triển NNCNC của tỉnh nhà với những nhà đầu tư tâm huyết và những chương trình hành động chiến lược của tỉnh đang được triển khai quyết liệt, chủ động./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com