Vụ đông 2017 - Cây ưa lạnh được mùa

08:01, 19/01/2018

Vụ đông 2017 triển khai trong điều kiện thời tiết mưa lớn, mưa nhiều tập trung đầu vụ đã gây ảnh hưởng và thiệt hại trên các cây vụ đông sớm, các loại cây ưa nhiệt. Tuy nhiên, với các cây trồng ưa lạnh, đây là một vụ được mùa lớn, nhất là cây khoai tây.

Nông dân Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) chăm sóc cây khoai tây vụ đông.
Nông dân Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) chăm sóc cây khoai tây vụ đông.

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN và PTNT và các huyện, thành phố đã tập trung triển khai nhiều giải pháp tích cực phát triển sản xuất vụ đông; thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn; tổ chức nhiều buổi tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn quy trình gieo trồng các cây vụ đông ngay từ đầu vụ; phân công cán bộ kỹ thuật xuống địa bàn để hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ cây trồng; tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật thâm canh cây vụ đông. Các địa phương tiếp tục quán triệt quan điểm không làm vụ đông theo phong trào, chỉ đạo tập trung mở rộng diện tích sản xuất một số loại cây thực sự có hiệu quả kinh tế và thị trường tiêu thụ trên đất 2 lúa; thực hiện đa dạng hóa cây trồng hàng hóa và đa thời vụ. Ưu tiên phát triển mạnh các loại cây trồng như: bí xanh, khoai tây, cà chua và các loại rau quả truyền thống có thị trường tiêu thụ ổn định. Tiếp tục phát triển các mô hình sản xuất “cánh đồng liên kết theo chuỗi giá trị” và các mô hình sản xuất nông sản sạch, an toàn gắn với nhãn hiệu hàng hóa. Đến ngày 9-10-2017, toàn tỉnh đã gieo trồng và vào bầu được 3.867ha cây vụ đông, trong đó: ngô 1.160ha, cà chua 290ha, bí các loại 402ha, khoai lang 52ha, đậu tương 32ha và rau các loại 1.888ha. Những diện tích này tập trung ở các huyện: Hải Hậu 907ha, Nghĩa Hưng 650ha, Trực Ninh 500ha, Vụ Bản 450ha… Tuy nhiên, từ ngày 2 đến ngày 15-10-2017, trên địa bàn tỉnh có những trận mưa lớn làm chậm tiến độ gieo trồng cây vụ đông và làm 3.377ha cây rau màu đã trồng bị đổ rạp, dập nát, ngập úng. Để hạn chế thiệt hại, ngay sau mưa lớn, ngành Nông nghiệp và các địa phương chỉ đạo nông dân tập trung xới phá váng, chăm sóc, bổ sung dưỡng chất cho những diện tích rau màu có khả năng phục hồi và gieo trồng thay thế các cây rau màu khác trên những diện tích bị mất trắng. Tập trung tăng diện tích rau ngắn ngày trên những vùng đất cao và mở rộng diện tích trồng khoai tây trong những vùng có điều kiện khi các cây trồng vụ đông ưa ấm đã hết thời vụ. Kết quả, trong vụ đông năm 2017, toàn tỉnh gieo trồng 10.770ha, đạt 88% kế hoạch. Không chỉ giảm diện tích gieo trồng do tác động tiêu cực của thời tiết, đánh giá tổng thể của ngành Nông nghiệp cho thấy: diện tích gieo trồng vụ đông năm nay thấp hơn so với mọi năm, do các địa phương giảm nhiều diện tích vụ đông trên đất màu, trong đó diện tích trồng trên đất 2 lúa chỉ đạt 1.055ha (trong khi chỉ tiêu kế hoạch là trên 4.000ha). Diện tích sản xuất vụ đông của các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng giảm rõ rệt so với mọi năm. Nguyên nhân một phần do một số địa phương chưa quyết tâm cao, chưa chỉ đạo quyết liệt nên có diện tích lúa mùa thu hoạch sớm nhưng không phát triển được sản xuất vụ đông trên đất 2 lúa. Thu nhập từ sản xuất vụ đông nhìn chung còn thấp hơn với các công việc khác nên một bộ phận người dân không quan tâm, gắn bó với đồng ruộng. Tại một số xã của huyện Vụ Bản, diện tích vụ đông giảm do thiếu hụt lao động khi nhiều nông dân chuyển sang làm tại các KCN, các Cty, doanh nghiệp… có thu nhập cao hơn nên không thiết tha làm vụ đông. Do bị ảnh hưởng nặng nề của đợt mưa lớn đầu vụ nên các loại cây ưa nhiệt, cây vụ đông sớm phát triển chậm, còi cọc, chăm sóc khó. Nếu như những năm qua, năng suất bình quân của ngô thường đạt 42 tạ/ha, cà chua trên 270 tạ/ha, bí xanh 186 tạ/ha… thì năm nay, năng suất của các cây trồng này cũng như các loại cây ưa nhiệt khác giảm từ 10-30%. Không những năng suất giảm, theo phản ánh của các hộ nông dân tại vùng đồng màu thì giá bán các loại cây trên chỉ cao thời điểm đầu vụ ngay sau các đợt mưa lớn khan hiếm rau trên diện rộng. Còn đến thời điểm hiện tại, giá chỉ tương đương như những năm trước nên hiệu quả sản xuất cây vụ đông sớm, các loại cây ưa nhiệt năm nay không cao. Bên cạnh đó các vùng sản xuất vụ đông mặc dù đã được quy hoạch nhưng không được gieo trồng tập trung nên việc tạo nguồn tưới nước cho cây trồng gặp nhiều khó khăn. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất vụ đông hàng hóa ở một số nơi chưa thực hiện tốt; một số mô hình còn triển khai tùy tiện, không đúng kỹ thuật nên hiệu quả sản xuất chưa cao. Mặc dù các ngành Nông nghiệp và Công thương đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến thương mại tuy nhiên số lượng các doanh nghiệp, HTXDVNN hoặc các tổ hợp tác tham gia tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông còn quá ít. Chưa có nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng. Toàn tỉnh chỉ có một số mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi như: Cty TNHH Minh Dương liên kết với xã Liên Bảo (Vụ Bản), Yên Cường (Ý Yên) sản xuất ngô nếp; Cty TNHH Hòa Hưng (Bắc Ninh) ký hợp đồng sản xuất khoai tây với một số xã của huyện Nam Trực; Trung tâm Ứng dụng KHCN (Sở KH và CN) liên kết sản xuất khoai tây giống với xã Yên Cường (Ý Yên) và HTX Quyết Thắng, xã Đại Thắng (Vụ Bản)… Tổng diện tích liên kết theo chuỗi của các mô hình chưa được 100ha.

Điểm sáng trong vụ đông năm 2017 là một số huyện xây dựng được mô hình trồng rau hữu cơ áp dụng công nghệ Nhật Bản. Mô hình đã khẳng định một số ưu điểm như: kỹ thuật dễ thực hiện, sản phẩm thu hoạch đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, không gây ô nhiễm môi trường, độ phì của đất được duy trì, hiệu quả và năng suất cây trồng cao hơn so với phương pháp truyền thống. Bên cạnh đó, mô hình còn góp phần tạo chuyển biến về nhận thức của nông dân, giúp họ hiểu được vấn đề chất lượng sản phẩm là điều tiên quyết và sống còn để duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, các cây trồng ưa lạnh năng suất dự kiến sẽ cao hơn so với mọi năm, nhất là đối với cây khoai tây. Ông Đoàn Văn Điêng, thôn Cổ Ra, xã Nam Hùng (Nam Trực) cho biết: Mặc dù vụ đông năm nay mưa nhiều ở đầu vụ nhưng chúng tôi trồng khoai tây từ tháng 11 nên không bị ảnh hưởng, thời tiết hanh khô rất thuận lợi cho cây khoai tây vốn là cây ưa lạnh sinh trưởng, phát triển tốt. Sâu bệnh hại như bệnh mốc sương, héo xanh cũng xuất hiện ít hơn mọi năm. Hiện những diện tích khoai tây gieo trồng sớm đã chuẩn bị cho thu hoạch. Nếu thời tiết cuối vụ thuận lợi, năng suất khoai tây của gia đình tôi có thể đạt từ 7-9 tạ/sào, cao hơn từ 3-4 tạ/sào so với năm trước.

Đến thời điểm này, bà con nông dân trong tỉnh đã thu hoạch được 8.240ha cây vụ đông, đạt 77% diện tích, tập trung chủ yếu là các cây: ngô, cà chua, dưa chuột, bí các loại, rau các loại. Các địa phương tiếp tục chỉ đạo nông dân khẩn trương thu hoạch nốt các diện tích cây vụ đông ưa ấm. Vụ đông năm 2017 tiếp tục là vụ đông khó khăn và để lại nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển sản xuất vụ đông hàng hoá tập trung, bền vững của ngành Nông nghiệp và các địa phương nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân trong những vụ tiếp theo./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com