Rực rỡ sắc hoa hồng cổ

05:01, 05/01/2018

Theo chân đồng chí lãnh đạo Hội Nông dân xã Hải Minh (Hải Hậu), chúng tôi có dịp ghé thăm vườn hoa hồng cổ vào diện “độc nhất vô nhị” ở địa phương. Chủ vườn hồng là anh Phạm Văn Trọng, xóm 9, Tân Tiến, làng Tân Bồi. Mô hình trồng hoa hồng cổ của gia đình anh đang mang lại nguồn thu nhập cao và mở ra một hướng phát triển kinh tế hiệu quả cho người dân nơi đây.

Là người đi đầu của huyện Hải Hậu trong phong trào trồng hoa hồng cổ, anh Trọng cho biết: Từ năm 2012, gia đình anh đã đưa các giống hồng cổ Sapa, hồng leo Sơn La, hồng Hải Phòng, hồng bạch Nam Định, hồng điều… về trồng tại vườn. Qua thực nghiệm anh nhận thấy, trồng hoa hồng cổ là hướng làm kinh tế hiệu quả, bền vững, gia đình anh đã đầu tư sản xuất, mở rộng diện tích trồng hồng cổ tới 4 mẫu gồm 2 mẫu vườn ươm và 2 mẫu hồng trồng theo chậu. Theo anh Trọng, với chi phí khoảng 200 triệu đồng/mẫu/năm, năm 2017 này, vườn hoa hồng cổ của gia đình anh đạt doanh thu bình quân 4 tỷ đồng, trừ chi phí cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng. Có vốn, anh lại quay vòng, đầu tư tìm mua giống hồng mới để bổ sung cho bộ sưu tập hoa hồng cổ. Hiện trong vườn nhà anh đang có 200 loài hoa hồng cổ có nguồn gốc từ châu Âu hay Thái Lan và cả Việt Nam.

Vườn hoa hồng cổ của gia đình anh Phạm Văn Trọng, xã Hải Minh (Hải Hậu).
Vườn hoa hồng cổ của gia đình anh Phạm Văn Trọng, xã Hải Minh (Hải Hậu).

Để có vườn hoa hồng nhiều màu sắc như vậy là cả một quá trình tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm. Nói chuyện với chúng tôi, anh Trọng cho biết, năm 2000, anh bôn ba vào tận Thành phố Hồ Chí Minh để học nghề, làm đủ việc từ bốc vác, khoan giếng… Năm 2002, anh vào làm việc ở một vườn lan thuộc huyện Hoóc Môn (TP Hồ Chí Minh), đây chính là cơ duyên đưa anh đến với nghiệp trồng hoa, cây cảnh…, vừa làm, anh vừa tranh thủ học nghề. Đến năm 2005, anh quyết định trở về quê để đầu tư trồng hoa, cây cảnh. Khi đó, cây cảnh đang là mốt và giá thị trường đang ở mức cao, anh đầu tư trồng và mua đi, bán lại những cây có giá trị và thu về một khoản kha khá. Có vốn anh lại đầu từ vào trồng hoa, cây cảnh, trồng hoa ly để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Năm 2011, thị trường cây cảnh bão hòa, trầm lắng. Với sức trẻ, dám nghĩ, dám làm, anh quyết định chuyển hướng sang chuyên trồng hoa để phục vụ nhu cầu chơi Tết của người dân. Năm 2012, trong một lần lên Đà Lạt để tìm mua giống hoa ly, anh thấy nhiều nhà trồng hoa hồng cổ và anh đã quyết định chuyển hướng hẳn sang trồng hoa hồng cổ. Anh mua về 40 gốc hoa hồng cổ các loại như: hồng tỷ muội, hồng bạch, hồng Juliet, Manosa... Đặc biệt là các loại hoa hồng cổ hiếm có của Việt Nam như hồng điều, hồng vân khôi, hồng leo cổ gốc Hải Phòng, hồng leo ngỗng tuyết của Đà Lạt, hồng leo phấn hồng, hồng cổ của Huế… Thị trường hoa phát triển, nhiều người chơi hoa hồng cổ đã tìm đến vườn hoa hồng của anh để tìm mua. Hiện anh xuất bán từ 1.000-1.500 chậu hoa hồng cổ/tháng. Vào những tháng cao điểm như tháng 11 âm lịch này, anh đã xuất bán gần 5.000 chậu hoa hồng cổ các loại với giá dao động từ 200 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/chậu (tùy loại hoa, loại chậu).

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng hoa hồng, anh Trọng cho biết: Việc trồng, chăm sóc hồng cổ không cầu kỳ. Khi mầm cây ươm cao từ 20-25 cm thì bấm ngọn, để lại 4 đến 5 cành tạo dáng cây, bón phân định kỳ 1 lần/tháng, phun thuốc trị bệnh nhện đỏ và bệnh đốm lá khi cây bị bệnh. Hoa hồng cần trồng ở nơi thoát nước tốt, tránh ánh nắng mạnh, thoáng gió, có nắng phân bố đều. Nhờ chăm sóc đúng cách, vườn hoa hồng nhà anh có ưu điểm hoa to, hương thơm dịu nhẹ dễ chịu, màu phớt hồng được nhiều người ưa thích. Ngoài ra, anh Trọng còn trồng và ươm nhiều giống hồng ngoại như hoa hồng Anh quốc, hoa hồng Pháp, hoa hồng Thái Lan, hoa hồng Đà Lạt… để đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo anh Trọng, đặc tính của loài hoa hồng cổ là cần đất tơi xốp, độ ẩm vừa phải và phải đảm bảo độ thoát nước. Những giá thể trồng hoa hồng cần bổ sung chất mùn, trấu hun trộn lẫn phân chuồng để hoại mục, xỉ than… Mỗi năm, người trồng hoa cần phải bổ sung một lớp đất ải để thay đổi chất đất cho cây hoa hồng. Trong quá trình trồng, người trồng hoa hồng cổ phải chú ý thời điểm chăm sóc hợp lý như dọn vệ sinh lá già, cắt tỉa cành cằn cỗi, tỉa lá để giúp cây quang hợp và nâng cao sức đề kháng. Bên cạnh đó, phải thường xuyên bổ sung phân hữu cơ, phân gà hoại mục để giúp cây có độ sinh trưởng tốt, phát triển bộ rễ khỏe mạnh. Đặc biệt là hạn chế dùng phân hóa học, nếu dùng quá thì cây hoa hồng dễ bội thực thối rễ, thối gốc, dễ nhiễm sâu bệnh. Mùa mát thì nên tưới nước ngày 1 lần; thời tiết nắng nóng cao điểm thì tưới từ 2-3 lần/ngày. Anh Trọng chia sẻ, để có độ ẩm hợp lý, anh đã đầu tư dàn tưới nước tự động vừa giảm công lao động, vừa kiểm soát được độ ẩm của cây. Bên cạnh đó, để cây phát triển tốt, cần chú ý diệt trừ một số loại sâu bệnh trên cây hoa hồng theo mùa vụ. Chẳng hạn vụ xuân này, người trồng hoa cần phòng bệnh phấn trắng, gỉ sắt; mùa lạnh thì phải phòng nhện đỏ, rệp xanh; mùa nóng thì phải kiểm tra thường xuyên và phòng bệnh bọ trĩ; mùa mưa thì phòng bệnh đốm lá, đen thân. Trong đó, 2 loại thường gây bệnh, dễ làm cây hoa hồng kiệt thân cần chú ý nhất là bệnh từ con nhện đỏ và bệnh đốm lá. Hiện nay, trên thị trường, giá một gốc hoa hồng cổ tương đối cao, khoảng 200 nghìn đồng/chậu đối với cây hoa hồng 1-2 năm tuổi; 300-500 nghìn đồng/chậu có 2-3 năm tuổi. Cá biệt có gốc hoa hồng cổ có giá tới vài triệu đến vài chục triệu đồng. Khi chúng tôi đến thăm vườn, anh cũng vừa xuất bán 2 cây hoa hồng cổ là hoa hồng điều và hoa hồng bạch có giá 28 và 45 triệu đồng. Vào dịp Tết, nhu cầu thị trường cây cảnh tăng cao, vườn hoa hồng của nhà anh tấp nập người đến tìm mua. Nhu cầu chơi hoa hồng cổ hiện nay tương đối lớn, nhất là những gia đình có điều kiện xây nhà vườn, biệt thự, bán biệt thự. Bởi hoa hồng chơi được quanh năm, hương thơm dịu nhẹ, dễ chịu. Đặc biệt, vẻ đẹp của hoa hồng được coi là “nữ hoàng của các loài hoa” nên một vài khóm hoa hồng là không thể thiếu trong mỗi gia đình.

Chia sẻ thêm với chúng tôi về hướng đi trong thời gian tới, anh Trọng cho biết, để đảm bảo cho hoa hồng cổ phát triển, điều kiện tốt nhất là trồng trong nhà kính. Tới đây, anh đang tập trung vốn để đầu tư xây dựng làm nhà kính ni-lon, vừa để đảm bảo nhiệt độ, vừa giữ được độ ẩm, tránh được nắng mưa thất thường và khí hậu thời tiết khắc nghiệt của miền Bắc. Bên cạnh đó, sẽ phát triển việc tiêu thụ và quảng bá sản phẩm ra các thị trường khác để mở rộng đầu ra cho cây hoa hồng cổ.

Một mùa xuân nữa lại về, vườn hoa hồng của gia đình anh Trọng đang mở rộng cửa đón khách đến để mua về chơi Tết. Hương sắc của hoa hồng cổ càng làm tăng thêm vẻ đẹp rực rỡ cho mỗi ngôi nhà./.

Bài và ảnh: Thanh Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com