Làng nghề sơn mài Cát Đằng

05:01, 12/01/2018

Làng nghề sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến (Ý Yên) tương truyền có lịch sử trên 600 năm. Qua các giai đoạn tồn tại và phát triển, đến nay những nghệ nhân nghề làng nghề sơn mài Cát Đằng vẫn tiếp tục duy trì nghề truyền thống là sản xuất các sản phẩm sơn mài trên gỗ, chủ yếu là các loại ngai, ỷ, kiệu, tượng, tranh... phục vụ sinh hoạt tôn giáo; đồng thời phát triển nhiều mẫu mã sản phẩm tiêu dùng, sinh hoạt phù hợp với nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ông Đinh Khắc Tuyến, xóm Hùng Vương, thôn Cát Đằng, xã Yên Tiến với sản phẩm sơn mài.
Ông Đinh Khắc Tuyến, xóm Hùng Vương, thôn Cát Đằng, xã Yên Tiến với sản phẩm sơn mài.

Ông Đinh Khắc Tuyến, năm nay 64 tuổi, ở xóm Hùng Vương, thôn Cát Đằng, người có chừng 45 năm liên tục gắn bó với nghề sơn mài truyền thống cho biết: nghề này gồm hai nghề rõ ràng là nghề sơn và mài. Sơn mài có thể thực hiện được trên nhiều chất liệu khác nhau như: gỗ mỡ (vàng tâm, dổi, de, mít....), gỗ dán, giấy nện... Sản phẩm có hai nhánh là sơn mài truyền thống và sơn dầu (sơn quang dầu). Nguyên liệu sơn chính là nhựa cây sơn (sơn ta), được trồng nhiều trên những triền đồi vùng trung du Bắc Bộ; vàng quỳ, bạc quỳ là những lá vàng, bạc được dát thật mỏng để thếp vào sản phẩm; bột màu, son và các loại: đất sét, vải, giấy, dầu trẩu, nhựa thông... Nhưng dù là nhánh nào thì công đoạn pha chế sơn cũng có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự thành bại của các sản phẩm. Vì thế, khâu chế biến sơn thường được giao cho các thợ cả, thợ chính hoặc người già có nhiều kinh nghiệm, nắm giữ được những bí quyết tinh hoa của nghề. Và khâu nào cũng đòi hỏi người thợ phải kiên nhẫn, tỉ mỉ để từ thùng sơn sống chế biến thành các loại sơn khác nhau phục vụ từng công đoạn khác nhau như: sơn sống, sơn hom (sơn bọc), sơn thí (sơn lót), sơn cánh gián. Ngoài pha chế sơn, người thợ sơn mài phải thao tác qua hàng chục công đoạn khác trong khoảng thời gian gần một tháng. Đầu tiên là khâu cắt mộc (gỗ cây, gỗ dán) để tạo hình sản phẩm các loại như tranh, bình phong, hộp, khay, đĩa, lọ, bàn cờ… Khác với nghề mộc thông thường, đồ mộc để sơn mài lại khác hẳn, tuyệt đối không được đóng đinh mà chỉ dùng mộng mạng gắn bằng sơn ta trộn với mùn cưa. Do vậy, yêu cầu kỹ thuật phải chính xác đến từng milimet, cho vừa khớp với các bộ phận khác. Sau đó bào nạo, đánh giấy ráp nhẵn nhụi chuyển sang bộ phận làm “vóc”. Công đoạn đầu tiên là dùng “thét tóc” (loại chổi tết bằng tóc) quét sơn sống lên bề mặt sản phẩm, sau đó dùng vải màn thưa phủ lên rồi lại dùng sơn sống quét một lớp nữa; sau đó lấy mùn cưa “rây” đều lên trên lớp sơn mới, dùng lá mít “lài” (xoa) nhẹ, đều cho phẳng bề mặt rồi để khô (khoảng 3 ngày). Khi sản phẩm đã khô lại dùng sơn sống trộn đất sét đã phơi khô, tán nhỏ quét đều, rắc mùn cưa để khô rồi dùng đá mài với nước. Đá mài là loại đá cuội lấy ở dưới suối, người làm nghề thường gọi là “đá màu”. Khi đã mài nhẵn với nước lại dùng “mo” (cưa từ sừng trâu) phủ lên bề mặt sản phẩm lớp sơn sống trộn đất sét, để khô rồi lại quét sao cho sản phẩm được phủ từ 2-3 lớp rồi để khô hẳn, đem mài với nước bằng đá cho thật nhẵn. Mài xong mới dùng sơn thí quét đều, để khô khoảng 2-3 lớp rồi lại mài tiếp cho nhẵn. Đến đây công đoạn làm vóc mới hoàn thành và người thợ bắt đầu vẽ (bằng hỗn hợp màu pha với sơn) các chi tiết. Vẽ xong mới đến công đoạn khảm/gắn lên sản phẩm các loại vật liệu trang trí như: vỏ trai, vỏ trứng, thếp bạc..., để khô sơn rồi dùng sơn cánh gián phủ lên bề mặt bức tranh một lớp nữa. Lúc này toàn bộ bề mặt sản phẩm chỉ có màu đen, phải hong thật khô (khoảng 3 ngày) rồi lại đem mài với nước. Càng mài, những chi tiết, đường nét của sản phẩm mới dần dần lộ ra và nổi lên với đặc trưng màu trầm nhưng sâu. Trước đây, tất cả các công đoạn của nghề đều phải làm thủ công, chất lượng của sản phẩm hoàn toàn phụ thuộc vào kỹ thuật, kinh nghiệm kết hợp với tài hoa từ bàn tay, khối óc, thẩm mỹ của người thợ. Nghề sơn mài truyền thống nhiều công đoạn kỳ công và đòi hỏi độ chính xác, tinh xảo trong tất cả mọi khâu phải tiệm cận đến mức hoàn hảo nên để hoàn thành một sản phẩm, người thợ phải mất ròng rã hàng tháng, thậm chí vài tháng mới hoàn thành. Vì thế, số lượng sản phẩm hàng hóa làm ra ít, giá thành cao nhưng bù lại các sản phẩm sơn mài truyền thống thường có độ bền và giá trị sử dụng đến hàng trăm năm.

Từ nghề sơn mài truyền thống, hiện nay ở xã Yên Tiến đã hình thành và phát triển song song ba chủng loại sản phẩm là: sơn mài truyền thống (sản phẩm chủ yếu là tranh, ảnh, đồ lưu niệm); sơn dầu (các loại đồ thờ) và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa chắp. Khác với sơn mài, các sản phẩm sơn dầu không phải qua các công đoạn hom, bó, bọc tỉ mỉ và đặc biệt là không phải mài đi mài lại nhiều lần. Còn sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa chắp thì thường sử dụng các loại sơn công nghiệp. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu chính nữa là sơn cũng đa dạng như: sơn hạt điều, sơn Nhật, sơn PU...; lại nhờ sự hỗ trợ của các loại máy móc nên rất nhiều công đoạn thủ công trước đây đã được thực hiện bằng máy giúp làng nghề có thể sản xuất ra khối lượng hàng hóa lớn, giá thành hạ mà chất lượng vẫn được đảm bảo, thu hút được nhiều khách hàng và chủ yếu để xuất khẩu. Những sản phẩm ấy tiếp tục được chuyển đến tay các nghệ nhân trang trí thêm đủ kiểu hoa văn cách điệu, pha màu rồi phun sơn thật đều lên sản phẩm. Hiện tại xã có 30 doanh nghiệp với quy mô từ 50-60 lao động tập trung trở lên; có 3.000/3.587 hộ tham gia sản xuất các sản phẩm thuộc nhiều ngành nghề như: sơn mài - tre, nứa chắp; mộc mỹ nghệ, hộ ít thì có từ 1-2 lao động thường xuyên; hộ nhiều thì có từ 3-5 người nhận sản phẩm gia công tại nhà cho các doanh nghiệp trong xã. Ước tính, mỗi ngày người dân Yên Tiến sử dụng từ 150 tấn nguyên liệu tre, nứa và hàng chục khối gỗ các loại để phục vụ sản xuất. Nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu thị trường, vài năm trở lại đây, ngoài những sản phẩm truyền thống là bát, âu, khay, lọ…, những thợ làng nghề Yên Tiến còn mạnh dạn thử nghiệm một số các sản phẩm mới như thìa, dĩa với chất liệu từ gỗ; các loại sản phẩm: lộc bình sơn khảm vỏ trứng, vẽ hoa văn trên các sản phẩm gốm, thay đổi kiểu sơn cho các sản phẩm sơn mài truyền thống… Các doanh nghiệp tạo việc làm cho nhiều lao động có doanh thu cao, ổn định là: Cty CP Tập đoàn Hoàng Mai, Cty Trường Giang, Cty Nam Tuyến, Cty TNHH Nam Hải, Doanh nghiệp Tư nhân Thanh Hòa… Năm 2017, ước tính tổng thu từ CN-TTCN trên địa bàn xã đạt trên 200 tỷ đồng; giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt trên 140 tỷ đồng. Với sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp, các hộ sản xuất trong làng nghề đã góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 30 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 5,3% (theo tiêu chí chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều); tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm chiếm 95%...

Để làng nghề truyền thống sơn mài Cát Đằng phát triển bền vững, UBND xã Yên Tiến đã xây dựng quy hoạch khu sản xuất làng nghề đến năm 2020. Trong đó chủ trương dành một khu đất (cách xa khu dân cư) để tập trung các cơ sở sản xuất, quy hoạch các khu vực ngâm nứa, tre để tránh gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Bên cạnh đó, UBND xã tạo điều kiện thuận lợi để các hộ gia đình, Cty, cơ sở sản xuất vay vốn kinh doanh. Ngoài ra để quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị nghề Sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến cần tăng cường quảng bá giới thiệu sản phẩm làng nghề, mở rộng thị trường tiêu thụ, đảm bảo sự gắn kết và phát triển bền vững. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở các lớp truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ, đặc biệt là những kỹ năng, kỹ thuật mang tính bí quyết của làng nghề. Quan tâm và có những chính sách đãi ngộ với lớp nghệ nhân cao tuổi đang nắm giữ các bí quyết nghề để gìn giữ và tiếp tục phát huy giá trị của nghề sơn mài truyền thống./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com