Khôi phục diện tích trồng hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán

08:01, 02/01/2018

Trên địa bàn tỉnh ta, các làng hoa như Hồng Phong, Hồng Long, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), các làng đào, quất của xã Nam Phong, Nam Vân (TP Nam Định), xã Nam Mỹ, Nam Toàn (Nam Trực), Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng)… được nhiều người biết đến với truyền thống trồng hoa và cây cảnh lâu đời. Mỗi độ Tết đến xuân về, các làng hoa, cây cảnh lại cung cấp một lượng hoa, đào, quất lớn cho thị trường trong tỉnh và một số tỉnh lân cận. Tuy nhiên, cơn bão số 12 hồi trung tuần tháng 10 vừa qua đã khiến những người nông dân trồng hoa nơi đây rơi vào cảnh mất mùa hoa Tết. Hiện nông dân các địa phương đang tranh thủ thời tiết thuận lợi để khôi phục diện tích trồng hoa, cây cảnh khi Tết Nguyên đán Mậu Tuất đang đến gần.

Ông Nguyễn Văn Nguyên, tổ dân phố Nam Phú, Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng) chuẩn bị đào phục vụ Tết Nguyên đán 2018.
Ông Nguyễn Văn Nguyên, tổ dân phố Nam Phú, Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng) chuẩn bị đào phục vụ Tết Nguyên đán 2018.

Đi trên triền đê tả sông Đào, vào đầu làng hoa Mỹ Tiến, Vạn Diệp (xã Nam Phong), chúng tôi đã gặp cảnh người nông dân tất bật cải tạo lại đất để trồng lứa hoa mới trên diện tích đất bị ngập úng trong cơn bão số 12 vừa qua. Trên gương mặt ai cũng thoảng nét buồn bởi năm nay làng hoa mất mùa. Anh Nguyễn Văn Nam, ở thôn Mỹ Tiến 2 chia sẻ: “Vụ hoa Tết năm nay nhà tôi trồng hơn 300 gốc đào và 4 sào hoa, quất cảnh, mọi việc đang trên đà thuận lợi bởi thời tiết năm nay khá thuận, nào ngờ sắp đến ngày “hái quả” lại lâm cảnh trắng tay, bao nhiêu mồ hôi, công sức, vốn liếng đổ ra sông ra biển chỉ trong mấy ngày... Năm nay, nhà tôi coi như mất Tết”. Cũng chung hoàn cảnh, ông Đoàn Văn Xuân, nhà ở cách anh Nam vài trăm mét cũng không khỏi buồn bã: Các anh thấy đấy, hằng năm khoảng thời điểm này, các bãi vườn đã sặc sỡ màu các loài hoa, quất, đào. Tuy nhiên, giờ chỉ là những luống đất trống với màu cỏ úa do bị ngâm nước lâu ngày, những gốc cây héo khô… Với cây đào, cây quất, đặc tính sinh học là chỉ cần gặp mưa nhiều là nó đã tự đùn nhựa bỏ cành bỏ nhánh, có sống được cũng bị mất thế. Vậy mà vừa qua đào, quất bị ngâm trong nước cả chục ngày thì không thể sống được. Đến cánh đồng của xóm Đại Thắng, xã Nam Mỹ (Nam Trực), chúng tôi chứng kiến rất nhiều những gốc đào héo rũ. Nhiều nông dân ngao ngán nhìn cảnh cây đào, quất chết úa mà “cười ra nước mắt”. Nhưng thiệt hại của các xóm vùng cao như Đồng Tâm, Đại Thắng, Đồng Ích cũng “không thấm gì” so với các xóm ở vũng trũng phía nam xã. Các cánh đồng ở xóm Tiền Phong 1, Tiền Phong 2, Tân Dân, Trung Thành nằm ở phía nam con đường trục xã Nam Mỹ, chúng tôi thấy cả một vùng đào, quất rộng bạt ngàn nhưng hầu hết đều bị héo rũ vì mưa lụt trước đó. Theo đồng chí Đào Trường Chinh, Phó Ban Nông nghiệp xã Nam Mỹ cho biết, năm nay nông dân trong xã trồng tổng cộng 97ha đào, quất. Trận mưa lụt kéo dài vừa qua đã khiến 63/97ha đào, quất của xã bị thiệt hại nặng. Những xóm thuộc vùng trũng của xã như Tiền Phong 1, Tiền Phong 2, Tân Dân, Trung Thành..., diện tích đào, quất bị chết lên tới 90%; ở các xóm thuộc chân cao như Đồng Tâm, Đại Thắng, Đồng Ích, diện tích đào, quất bị chết cũng lên tới 40%.

Ngay sau khi nước rút, người dân vùng bị lũ lụt, đặc biệt là ở các làng hoa, đào, quất đã bắt tay vào khôi phục sản xuất nhằm giảm bớt những thiệt hại do thiên tai gây ra. Theo các hộ dân cho biết, ở các vùng đồng cao, các hộ phải huy động máy bơm công suất 500 m3/giờ để bơm tát nên đã cứu được một phần diện tích trồng đào, quất. Từ sáng sớm, ông Nguyễn Văn Nguyên, ở tổ dân phố Nam Phú, Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng) cùng nhiều hộ dân khác đang tranh thủ xới đất, chăm tỉa lại từng cành, nhánh trên diện tích hơn 1 mẫu trồng đào. Vừa nhanh tay bẻ lá cho kịp thời vụ phục vụ Tết Nguyên đán, ông Nguyên chia sẻ: “Diện tích vườn đào nhà tôi thuộc vùng cao nhưng cũng bị ngập nước nhiều ngày trong đợt mưa lụt cuối tháng 10 vừa qua. Để cứu được diện tích trồng đào, tôi đã phải huy động 5 máy nổ để đảm bảo nguồn điện và sử dụng 2 máy bơm (một máy chạy bằng dầu, một máy chạy bằng điện) công suất 500 m3/giờ để thay đổi liên tục mới cứu kịp gần 1.000 gốc đào. Cứ như thời tiết bây giờ thì vườn đào của nhà ông có thể có thu nhập cao hơn so với năm trước vì năm nay chắc chắn đào sẽ tăng giá. Hiện trong vườn nhà ông đang có nhiều gốc đào to, có tuổi đời 8-10 năm, có thể cho thuê chơi Tết hoặc bán hẳn cho những người chơi có điều kiện. Do ảnh hưởng của đợt mưa lụt, nên giá đào năm nay cũng tăng hơn so với trước. Nhiều hộ cứu được diện tích đào, quất cho biết, nếu với giá thị trường hiện nay, những gốc đào loại 1-2 năm tuổi có giá dao động từ 500-900 nghìn đồng/gốc; gốc đào 3 năm tuổi có giá từ 1,2-1,5 triệu đồng... tăng so với năm 2017 từ 200-500 nghìn đồng/gốc. Một số hộ đã có tư thương đến đặt mua. Như gia đình anh Nguyễn Văn Hải, tổ dân phố Nam Phú, Thị trấn Liễu Đề vừa bán 150 gốc, bình quân 620 nghìn đồng/gốc đào loại 1-2 năm tuổi. Anh Vũ Văn Nghĩa cũng có hơn 1 sào với hơn 200 gốc đào, dự kiến sẽ bán được giá cao bù lại phần diện tích bị ngập úng.

Từ xưa đến nay, thiên tai luôn đến bất ngờ và sự tàn phá của nó cũng vô cùng ghê gớm. Với các mùa vụ hoa màu thì tình trạng ngập lụt là kẻ thù không đội trời chung. Năm nay cơn bão số 12 đã tàn nhẫn cướp đi cả một mùa hoa Tết, cướp đi biết bao hy vọng của những người dân trồng hoa. Chia tay những người dân làng hoa, chúng tôi thầm ước rằng, vụ hoa tới sẽ có giá cao hơn để bù vào những gì mà bao công sức vất vả người nông dân nơi đây đã bị thiên tai cướp mất./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com