Một năm sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn

07:12, 28/12/2017

Năm 2017 là một năm sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Chưa bao giờ, giá sản phẩm chăn nuôi, nhất là giá thịt lợn xuống thấp và kéo dài như thế. Thiên tai, mưa lũ diễn biến phức tạp, bất thường gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp. Dịch hại bùng phát trên diện rộng trên lúa… Mặc dù ngành NN và PTNT đã chủ động, kịp thời khắc phục khó khăn do diễn biến bất lợi của thời tiết, dịch bệnh. Tuy nhiên, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản (theo giá so sánh 2010) năm 2017 ước chỉ đạt 18.075 tỷ đồng, giảm 0,8% so với năm 2016.

Năm 2017 được nhận định là năm “đại khủng hoảng” đối với người chăn nuôi lợn khi giá lợn hơi liên tục giảm và được bán thấp hơn giá thành từ cuối năm 2016 cho đến cuối năm nay, có lúc giảm kỷ lục chỉ còn 15 nghìn đồng/kg. Điều này đã khiến nhiều hộ chăn nuôi lợn trong tỉnh khốn đốn, lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần. Nhiều trang trại, đàn lợn nái đến kỳ đẻ cũng bị người nuôi bỏ mặc không chăm sóc. Nhiều người nuôi phải bán tống, bán tháo lợn nhằm thu hồi vốn; thải loại đàn nái, giảm đàn; nhiều hộ “treo” chuồng… Là một trong những trang trại chăn nuôi lợn lớn nhất tỉnh, trang trại của ông Đinh Văn Thiểm, xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng) thường xuyên duy trì 200 con lợn nái và 400 con lợn thịt cũng đang lao đao khi giá lợn xuống thấp trong thời gian dài. Ông Thiểm cho biết: Mấy chục năm trong nghề chăn nuôi, đây là đợt lợn xuống giá “kinh khủng” nhất đối với chúng tôi. Có thời điểm, giá lợn siêu nạc chỉ ở mức 18-20 nghìn đồng/kg. Với giá đó, mỗi con lợn tạ gia đình tôi lỗ 1,8 triệu đồng. Chăn nuôi khó khăn, người chăn nuôi không tái đàn nên lợn giống cũng bị bán chậm. Nếu như trước kia, mỗi năm ông xuất bán 4.000 con lợn giống với giá 1,6-1,7 triệu đồng/con thì năm nay giá lợn giống giảm xuống chỉ còn 500-600 nghìn đồng/con mà cũng rất ít người mua. Cả năm nay gia đình ông bán được 100 con, còn lại để nuôi. Hiện ông đã giảm đàn lợn nái xuống còn 100 con. Năm nay, gia đình ông lỗ 2 tỷ đồng về nuôi lợn. Đến thời điểm này, giá thịt lợn đã nhích lên 30-35 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, theo tính toán của nhiều hộ chăn nuôi thì giá trên mới chỉ đủ vốn. Không chỉ giá thịt lợn hơi giảm, năm 2017, các loại trứng gà, trứng vịt, thịt gà hơi và cả con giống gà, lợn đều giảm giá và biến động không lường được. Thực trạng này cho thấy vấn đề liên kết trong sản xuất nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng càng có ý nghĩa quan trọng. Hiện chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Để phát triển chăn nuôi lâu dài, bền vững cần phải phát triển theo quy hoạch, có định hướng; tổ chức các chuỗi liên kết khép kín, trong đó tập trung đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo các chuỗi giá trị “từ trang trại đến bàn ăn”. Điểm sáng trong chăn nuôi năm qua có chăng là việc tỉnh đã khống chế thành công dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; thực hiện tốt việc quản lý thức ăn chăn nuôi, không sử dụng chất cấm, thuốc thú y, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trang trại nuôi lợn giống của ông Đinh Văn Thiểm, xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng).
Trang trại nuôi lợn giống của ông Đinh Văn Thiểm, xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng).

Cùng với chăn nuôi, sản xuất vụ mùa 2017 của tỉnh cũng gặp rất nhiều khó khăn. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 và bão số 4 đúng thời điểm tập trung gieo cấy vụ mùa, kết hợp với các hồ thủy điện xả lũ nên việc tiêu úng của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn đã làm 186,6ha diện tích mạ và gần 17 nghìn ha lúa mùa bị thiệt hại ngay từ đầu vụ. Ngành NN và PTNT cùng các địa phương đã chỉ đạo, động viên các hộ nông dân gieo cấy và khắc phục xong toàn bộ diện tích lúa mùa từ đầu tháng 8. Tuy nhiên, trận mưa lớn kéo dài từ ngày 2 đến 11-10 vượt 1,4 lần mức thiết kế của hệ thống thủy nông Bắc Nam Hà lại làm gần 51 nghìn ha lúa bị ngập úng. Do bị ngâm lâu trong nước nên nhiều diện tích lúa bị thối bông, hạt mọc mầm, không thể bán được sản phẩm mà chỉ để làm thức ăn chăn nuôi. Không chỉ gặp khó khăn về thời tiết, trong vụ mùa năm nay, bệnh lùn sọc đen (hiện chưa có thuốc đặc trị) đã xuất hiện trở lại sau 8 năm và bùng phát trên diện rộng. Toàn tỉnh có 21.147ha lúa mùa bị nhiễm bệnh; trong đó trên 7.000ha nhiễm bệnh nặng, thiệt hại năng suất từ 70-100% (mất trắng). UBND tỉnh đã phải công bố dịch lùn sọc đen hại lúa mùa 2017 tại các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường và Trực Ninh. Ngoài nguyên nhân khách quan do tình hình thiên tai, thời tiết, dịch bệnh có diễn biến phức tạp, khó lường, còn có nguyên nhân chủ quan trong lãnh đạo điều hành phòng chống dịch bệnh lùn sọc đen vụ mùa vừa qua. Theo ước tính của ngành Nông nghiệp, tổng thiệt hại về lúa mùa do mưa bão và sâu bệnh là 154.549 tấn thóc, giá trị thiệt hại 1.070 tỷ 785 triệu đồng. Trong đó, lúa lai 22.124 tấn thóc, giá trị 143 tỷ 805 triệu đồng; lúa thuần 132.425 tấn thóc, giá trị 926 tỷ 980 triệu đồng. Ngoài thiệt hại về lúa mùa, mưa lũ trong tháng 9 và 10-2017 còn gây thiệt hại 3.377ha hoa màu, 6.079ha nuôi trồng thủy sản; nhiều tuyến đê sông, đê biển bị sập, sạt, tràn…

Điểm sáng nhất trong sản xuất nông nghiệp năm nay là năng suất lúa vụ xuân 2017 đạt 69,4 tạ/ha, là vụ có năng suất cao nhất trong 10 năm trở lại đây; tổng sản lượng đạt trên 517 nghìn tấn, giá trị sản lượng ước đạt 3.515,7 tỷ đồng, bình quân 47,17 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã tạo được chuyển biến rõ nét trong lựa chọn cây, con chủ lực để tập trung đầu tư phát triển; tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến, tiêu thụ với quy mô lớn hơn; đã chú trọng quy hoạch và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tỷ lệ và tốc độ cơ giới hóa sản xuất đã tăng nhanh, giảm được khá nhiều tổn thất và chi phí. Hệ thống thủy lợi, đê điều tiếp tục được đầu tư, phát triển theo hướng đa mục tiêu và tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp tiếp tục được nâng cấp và hiện đại hóa. Công tác quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nông sản đã được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt đã phối hợp tốt với các cơ quan công an, quản lý thị trường để ngăn chặn việc sử dụng chất cấm, chất độc hại trong sản xuất. Hoạt động hợp tác quốc tế được tăng cường; tích cực tham gia và tổ chức thực hiện các Hiệp định thương mại, tháo gỡ rào cản, phát triển thị trường. Chương trình xây dựng NTM tiếp tục được đẩy mạnh làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nhiều vùng nông thôn, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống dân cư nông thôn

Năm 2018, ngành NN và PTNT tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Nam Định nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững dựa trên đổi mới quan hệ sản xuất, đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp qua HTX; tổ chức các chuỗi khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ nông sản; ứng dụng KHCN; phát triển công nghiệp chế biến; đẩy mạnh quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản; liên kết với các địa phương để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; chuyên môn hóa các khâu sản xuất của nông dân, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân nông thôn; bảo vệ môi trường sinh thái. Tiếp tục phát huy cao các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông nghiệp, nông thôn, chủ động PCLB, giảm nhẹ thiên tai./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com