Hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển sản xuất ở Nam Trực

08:12, 26/12/2017

Ứng dụng KHCN vào sản xuất ở cả 2 lĩnh vực mũi nhọn là nông nghiệp - công nghiệp và TTCN đang là định hướng phát triển kinh tế mang tính chiến lược của huyện Nam Trực. Sau nhiều năm kiên trì thực hiện định hướng, huyện Nam Trực đã tạo được bước đột phá trong các mặt đời sống xã hội, đặc biệt là phát triển sản xuất. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của huyện trong nhiều năm trở lại đây luôn giữ ổn định ở mức gần 3,2%/năm. Sản xuất công nghiệp - TTCN có bước phát triển vượt bậc với nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống có chất lượng cao tương đương hàng ngoại nhập.

Sản xuất thép hình ứng dụng công nghệ cao tại Cty TNHH Minh Ngọc, CCN Đồng Côi (Nam Trực).
Sản xuất thép hình ứng dụng công nghệ cao tại Cty TNHH Minh Ngọc, CCN Đồng Côi (Nam Trực).

Với lợi thế đất đai màu mỡ, có nhiều làng nghề truyền thống, người dân lại cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất là điều kiện thuận lợi cho Nam Trực đẩy mạnh phát triển khoa học ứng dụng vào sản xuất. Để triển khai hiệu quả định hướng phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng XHCN, UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc triển khai ứng dụng KHCN trong tất cả các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giáo dục, y tế…, thúc đẩy công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong toàn thể cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức. Huyện cũng chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả, mục đích ứng dụng KHCN trong nhân dân thông qua hoạt động của các tổ chức, đoàn thể và hệ thống đài truyền thanh cơ sở. Đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ vốn, kỹ thuật, cây con giống để cho người dân xây dựng thành công mô hình ứng dụng điểm trước khi nhân rộng ra sản xuất đại trà. Trong đó, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đạt được nhiều thành tựu rõ nét với điểm nhấn ứng dụng KHCN đưa giống khoai tây mới có năng suất, chất lượng cao thay thế giống khoai cũ đã thoái hoá qua dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống khoai tây Solara sạch bệnh tại huyện Nam Trực” do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN (Sở KH và CN) triển khai. Đây là điều kiện để nâng cao năng suất, chất lượng khoai tây thương phẩm của huyện, tạo ra sản phẩm hàng hóa, đáp ứng yêu cầu chế biến khoai tây quy mô công nghiệp. Bên cạnh việc đổi mới cơ cấu cây trồng vụ đông, huyện Nam Trực còn tập trung thực hiện cấy khảo nghiệm, trình diễn một số giống lúa có tiềm năng năng suất cao và thực hiện quy trình phục tráng những giống lúa đặc sản của địa phương như giống lúa Dự hương của xã Nam Mỹ. Ngoài ra để nâng cao trình độ thâm canh cho bà con nông dân, huyện Nam Trực phối hợp với các vụ, viện Trung ương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức cho bà con nông dân tham gia chương trình thực hiện “5 đúng” trong canh tác nông nghiệp đó là: Sử dụng đúng loại đất, đúng kỳ sinh trưởng, đúng giống cây, đúng phương pháp canh tác và đúng loại phân bón. Người dân tham gia chương trình được phổ biến quy trình đúng trong canh tác cây trồng để có được hiệu quả cao nhất cả về năng suất, chất lượng nông sản ở cả phương diện nông hóa thổ nhưỡng, trồng trọt, bảo vệ thực vật và dinh dưỡng cây trồng. Những kiến thức khoa học cơ bản giúp nông dân tự tin khi quyết định chọn cấy thử nghiệm các giống cây trồng mới phù hợp với nhu cầu thị trường tiêu dùng. Từ những kiến thức cơ bản này, người nông dân Nam Trực có thể chủ động sáng tạo, tự tìm tòi, nghiên cứu đưa về đồng đất của quê hương nhiều cây trồng mới có giá trị kinh tế cao như: một số loại cây thuốc nam ngưu tất, bạch truật, hà thủ ô; nhóm các cây lá màu, cây cảnh, cỏ trang trí; cây cảnh, bonsai… Trong sản xuất CN-TTCN, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trong làng nghề đã tích cực đầu tư đổi mới thiết bị để đảm bảo ứng dụng KHCN phát triển sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Trong đó, Cty TNHH Minh Thành Công, CCN Đồng Côi đã thành công với việc ứng dụng công nghệ cải tiến quy trình thụ động hóa đồng thau trong công nghệ mạ sản phẩm sen vòi, thiết bị ngành nước. Qua nghiên cứu thị trường, các sản phẩm sen vòi mạ niken hay mạ vàng có nhược điểm là chi phí sản xuất cao, thời gian sử dụng chỉ khoảng 5 năm sản phẩm sẽ bị rỗ, mất dần sự sáng bóng do bề mặt lớp mạ không bền. Để khắc phục điểm này và nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm, Cty đã nghiên cứu cải tiến công nghệ mạ thay bằng công nghệ thụ động hóa đồng thau giúp sản phẩm chống được sự xâm thực của môi trường và hóa chất, không làm hỏng bề mặt sản phẩm. Theo đó, quy trình mạ mới không để sản phẩm phải trải qua quá nhiều khâu làm sạch, rửa nước, sấy khô mà sử dụng công nghệ đảm bảo đưa lớp đồng ngấm sâu vào sản phẩm và hình thành lớp màng bảo vệ vững chắc, có màu sắc giống như mạ vàng giúp cho sản phẩm bóng đẹp mãi theo thời gian. Với cách làm này, lớp phủ bề mặt sản phẩm có màu sắc đẹp, độ sáng bóng cao và có khả năng chịu nhiệt độ cao cũng như lưu giữ trên sản phẩm lên tới 10-15 năm. Ngoài ra, quy trình công nghệ mới còn giảm đi 2/3 công đoạn so với mạ thông thường, giảm chi phí nhân công, hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Giải pháp này đã giúp sản phẩm của Cty được tín nhiệm với năng lực sản xuất khoảng trên 4.000 sản phẩm/tháng. Cty xây dựng được hệ thống tiêu thụ trên 16 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Ngoài Cty TNHH Minh Thành Công, các doanh nghiệp khác trong làng nghề như: Cty CP Xuất nhập khẩu Huyền Trang; Cty TNHH Vinh Thực, Cty TNHH Quang Báo; Cty TNHH Nhôm Đức Thắng… cũng nỗ lực đầu tư ứng dụng KHCN vào sản xuất nhằm tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, hạn chế gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất...

Để tiếp tục thúc đẩy ứng dụng KHCN vào sản xuất và nâng cao hiệu quả đầu tư cho KHCN, huyện Nam Trực đang nỗ lực khuyến khích các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị trên địa bàn đưa mục tiêu phát triển KHCN trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong các chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Định hướng cho các địa phương, đơn vị đẩy mạnh ứng dụng KHCN theo hướng tập trung đưa cây, con giống mới vào sản xuất; đưa KHCN vào việc khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, nhân cấy nghề mới theo hướng dịch vụ và ứng dụng trong bảo vệ môi trường. Với những định hướng rõ ràng, sát thực, hiệu quả của việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào mọi mặt đời sống, xã hội của huyện Nam Trực chắc chắn sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com