Thực hiện quy hoạch, xây dựng công trình xử lý rác thải liên vùng

08:11, 21/11/2017

 

Thực hiện chương trình xây dựng NTM, các địa phương trong toàn tỉnh đang phấn đấu làm tốt việc thu gom, xử lý rác thải. Hiện 3 phương pháp chủ yếu xử lý rác thải gồm chôn lấp, lò đốt và sử dụng máy nghiền rác kết hợp chôn lấp ở nhiều địa phương chưa thực hiện đúng quy trình, bảo đảm kỹ thuật nên vẫn gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, do thực hiện đơn lẻ nên vị trí xây dựng công trình xử lý rác thải ở không ít xã, thị trấn bị người dân các địa phương lân cận phản đối vì cho rằng không hợp lý, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt nếu công trình đi vào hoạt động. Thực trạng trên cho thấy, việc đầu tư các công trình xử lý rác thải riêng lẻ ở từng xã, thị trấn tuy đảm bảo tính chủ động đầu tư nhưng có hạn chế là gây lãng phí về đất đai, không tập trung được vốn lớn để đầu tư công nghệ xử lý tiên tiến, gây nguy cơ xảy ra xung đột trong cộng đồng. Để khắc phục tình trạng này những năm gần đây, tỉnh ta đã chỉ đạo các địa phương cần chủ động phối hợp quy hoạch, xây dựng công trình xử lý rác thải liên vùng.

Vận hành lò đốt rác thải tại xã Nghĩa Hùng (Nghĩa Hưng).
Vận hành lò đốt rác thải tại xã Nghĩa Hùng (Nghĩa Hưng).

 

Bám sát tinh thần chỉ đạo của tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã thực hiện điều chỉnh quy hoạch, bố trí quỹ đất và kêu gọi đầu tư xây dựng các công trình xử lý rác thải liên vùng. Trong đó, chủ động nghiên cứu, đánh giá, dự báo nhu cầu đầu tư các công trình xử lý rác thải liên vùng trên địa bàn; trong đó chú trọng đầu tư khu xử lý chất thải rắn liên vùng cho các địa phương có thế mạnh về phát triển khu, CCN, làng nghề theo quy hoạch xử lý chất thải rắn của tỉnh. Bên cạnh đó, tăng cường áp dụng các cơ chế khuyến khích, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp có khả năng tham gia đầu tư, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ xử lý rác thải của doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn; chú trọng phát triển doanh nghiệp dịch vụ môi trường thông qua hình thức đấu thầu, cơ chế hợp tác công - tư. Lồng ghép kế hoạch phát triển mạng lưới doanh nghiệp dịch vụ môi trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời tăng cường tiếp cận, huy động tối đa các nguồn kinh phí, triển khai các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp dịch vụ môi trường như: hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư các công trình xử lý rác thải liên vùng. Bám sát chủ trương của tỉnh, hiện nay Thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc đã phối hợp thực hiện dự án mở rộng mặt bằng bãi chôn lấp rác thải thành phố tại khu vực rộng 9,98ha ở thôn Dị Sử, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) nhằm bảo đảm tốt công tác vệ sinh môi trường đô thị, xử lý rác thải của Thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc. Thời gian tới, các địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng các công trình xử lý rác thải liên vùng theo Quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng tỉnh Nam Định đến năm 2030. Cụ thể, sẽ xây dựng khu xử lý chất thải rắn công nghiệp nguy hại toàn tỉnh và chất thải rắn thông thường cho thành phố tại xã Lộc Hòa (TP Nam Định) diện tích 35,5ha. Tại các địa phương sẽ xây dựng 13 khu xử lý chất thải rắn vùng huyện, liên huyện: Nam Toàn, Mỹ Thắng (TP Nam Định mở rộng), Yên Minh (Ý Yên), Việt Hùng - Liêm Hải (Trực Ninh), Giao Châu (Giao Thủy), Nghĩa Thái, Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng), Minh Tân, Thành Lợi, Liên Bảo (Vụ Bản), Nam Dương (Nam Trực). Ngay trong giai đoạn 2016-2020, trên toàn tỉnh sẽ bố trí xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn phân tán cho một số thị trấn, trung tâm cụm xã gồm các bãi rác và lò đốt đã được đầu tư, thiết kế hợp vệ sinh. Đặc biệt, để giảm ô nhiễm môi trường cho một số thị trấn, trung tâm cụm xã đối với các bãi rác và lò đốt phân tán đã được đầu tư thiết kế hợp vệ sinh, từ nay đến năm 2020 các địa phương tập trung áp dụng đúng quy chuẩn tất cả các khâu chôn lấp và đốt giảm thể tích chất thải rắn. Đồng thời, sẽ căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương để áp dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp, ưu tiên áp dụng công nghệ trong nước đạt tiêu chuẩn, các công nghệ nước ngoài phù hợp với điều kiện kinh tế, có hiệu quả tốt, an toàn đối với môi trường. Tỉnh tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách quản lý chất thải theo hướng xã hội hóa, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải. Tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân, doanh nghiệp về công tác quản lý chất thải và giữ vệ sinh môi trường; vận động sự tham gia của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp trong thực hiện phân loại chất thải từ nguồn (từ các hộ gia đình, từ các cơ quan, xí nghiệp...), thí điểm thực hiện phân loại tại nguồn. Tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp dịch vụ môi trường đô thị trên địa bàn tỉnh, mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải; tổ chức, sắp xếp, tăng cường năng lực các xí nghiệp hoặc tổ, đội vệ sinh môi trường./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com