Giao Lạc tập trung phát triển ngành nghề nông thôn

05:11, 24/11/2017

 

Xã Giao Lạc nằm ở phía đông nam huyện Giao Thủy, là một trong 5 xã vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Thủy với hơn 2,7km bờ biển. Toàn xã có 22 xóm với trên 11 nghìn nhân khẩu, trong đó có trên 8.000 lao động trong độ tuổi. Dân số đông, lực lượng lao động dồi dào nhưng do vị trí địa lý nằm xa các tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh, huyện nên nhiều năm liền kinh tế chủ đạo của xã vẫn là sản xuất nông nghiệp và kinh tế biển (nuôi ngao vạng và khai thác thủy sản). Trước tình hình đó, xã tập trung phát triển ngành nghề nông thôn, nhằm đưa kinh tế của xã từng bước phát triển.

Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế... tại cơ sở của ông Đinh Văn Huynh, xóm 17, xã Giao Lạc.
Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế... tại cơ sở của ông Đinh Văn Huynh, xóm 17, xã Giao Lạc.

 

Để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, Đảng uỷ, UBND xã Giao Lạc đã tận dụng tối đa các nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và huyện để vận động nhân dân khẩn trương giải tỏa mặt bằng, hỗ trợ đơn vị thi công nhanh chóng hoàn thành các công trình giao thông quan trọng như: đường Thiện - Hải đoạn qua xã dài 3km, mặt đường rộng 5,5km; đường trục ra đê Trung ương (dài 2,7km, đã hoàn thành 2km; đoạn còn lại dự kiến hoàn thành trong tháng 12-2017); đường trục xã nối với xã Bình Hòa dài 1,5km; củng cố, mở rộng các cầu: An Lạc, Biều, cầu nối với các xã Bình Hòa, Giao Xuân... Đồng thời phối hợp với ngành điện đầu tư cải tạo, nâng cấp mạng lưới điện với tổng số 6 trạm biến áp nâng tổng công suất đạt 3.000kVA đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Cùng với hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, xã đã tập trung lãnh đạo đề ra nhiều biện pháp phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển đa dạng ngành nghề sản xuất CN-TTCN để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân… Xã tạo điều kiện thuận lợi để người dân có thể tiếp cận và khai thác các nguồn vốn tín dụng phát triển sản xuất. Xã còn phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện tổ chức hàng chục lớp dạy các nghề: may công nghiệp, mộc dân dụng, cơ khí… cho hàng trăm lượt lao động địa phương. Ngoài ra, UBND xã còn chủ động tạo điều kiện về mặt bằng, thủ tục pháp lý để thu hút các doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng, phát triển sản xuất, tạo việc làm, thu nhập cho người dân. Nhờ đó kinh tế xã Giao Lạc đã từng bước có sự chuyển biến tích cực theo hướng phát triển sản xuất CN-TTCN, đa dạng ngành nghề nông thôn, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Hiện nay, ngoài sản xuất nông nghiệp, lĩnh vực kinh tế biển của xã có 30 tàu đánh bắt thủy hải sản (công suất dưới 20CV/tàu); 179 hộ nuôi ngao vạng tại 3 bãi là: Cồn Nổi, Cồn Ron và Cồn Bảy Mẫu. Ngoài ra, các ngành nghề may công nghiệp; mộc dân dụng, cơ khí, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, chế biến thủy hải sản, dịch vụ... cũng phát triển khá. Toàn xã hiện có khoảng 40 xe taxi. Xóm 4 có khoảng chục hộ chuyên chế biến tôm, cá (do các phương tiện khai thác ngoài biển) sản xuất các loại nước mắm, mắm tôm. Nghề mộc cũng phát triển với 4-5 cơ sở lớn (quy mô từ 5-7 lao động/cơ sở) tiêu biểu như cơ sở của các ông: Đinh Văn Huynh, xóm 17; Hoàng Văn Lực, xóm 19; Nguyễn Văn Tiến, xóm 5... và hàng chục cơ sở nhỏ nằm rải rác trong các xóm. Với mức thu nhập từ 200-220 nghìn đồng/ngày đối với thợ chính, thợ phụ từ 100-120 nghìn đồng/ngày, ước tính nghề mộc đã tạo việc làm cho khoảng 100 lao động trong xã. Ngoài ra, khoảng chục năm trở lại đây, nghề may công nghiệp ở xã Giao Lạc phát triển mạnh với sản phẩm là các loại trang phục cao cấp như: áo dài, véc-tông và áo cưới. Theo thống kê mới đây của UBND xã, toàn xã có 99 cơ sở may công nghiệp với quy mô từ 5 lao động/cơ sở trở lên. Một số cơ sở lớn có quy mô từ 20-50 lao động thường xuyên như các ông: Trần Văn Thượng, Trần Văn Vinh đều ở xóm 2; Đinh Văn Quy, xóm 17... Ước tính, nghề may công nghiệp của xã tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 1.000 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Anh Đinh Văn Hạnh, xóm 1, người đã gắn bó với nghề may áo cưới 15 năm nay cho biết:

Bắt đầu từ năm 2002, nắm bắt được nhu cầu của thị trường, anh đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy móc để phát triển nghề may áo cưới. Hiện tại, cơ sở của anh mỗi tháng sản xuất được từ 80-100 bộ áo cưới các loại, tạo việc làm cho 8-10 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng. Phần lớn sản phẩm được xuất bán đi các tỉnh phía Nam. 

Tập trung phát triển sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn, cơ cấu kinh tế của xã Giao Lạc đã có sự chuyển dịch tích cực, tỷ trọng sản xuất nông nghiệp giảm xuống còn 45%, sản xuất CN-TTCN và thương mại - dịch vụ tăng lên 55%; thu nhập bình quân đầu người được nâng lên 39 triệu đồng/năm. Thời gian tới, xã Giao Lạc tiếp tục khuyến khích các hộ đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển sản xuất CN-TTCN theo hướng đa ngành, đa nghề, thu hút nghề mới để tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương, củng cố các tiêu chí xây dựng NTM bền vững./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com