Đẩy mạnh nuôi thủy sản những tháng cuối năm

09:11, 14/11/2017

Từ đầu năm đến nay, nuôi thủy sản của tỉnh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là điều kiện thời tiết diễn biến hết sức phức tạp làm ảnh hưởng đến hiệu quả vụ nuôi. Cơn bão số 10 vào tháng 9, kết hợp thủy triều dâng cao, mưa lớn kéo dài đã gây thiệt hại cho 4.458ha nuôi thủy sản. Trong đó có 775,8ha nuôi cá truyền thống, 1.659ha nuôi quảng canh tôm sú và cá biển; 157,5ha nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng; 1.885,7ha nuôi ngao. Vì thế những tháng cuối năm người nuôi thủy sản trong tỉnh tranh thủ mọi điều kiện để tập trung củng cố ao đầm, bảo vệ và phát triển đàn vật nuôi bù đắp thiệt hại.

Người dân khu 6, xã Bạch Long (Giao Thủy) thu hoạch cá kèo.
Người dân khu 6, xã Bạch Long (Giao Thủy) thu hoạch cá kèo.

Nuôi thủy sản 9 tháng đầu năm phát triển đều trên các lĩnh vực nuôi thương phẩm và sản xuất giống. Tổng sản lượng con giống đến hết tháng 9 năm 2017 ước đạt 11.097 triệu con. Trong đó, lượng con giống nước ngọt ước đạt 1.515 triệu con, con giống nước mặn lợ ước đạt 9.582 triệu con. Về nuôi thủy sản, trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh thu hoạch được khoảng 66.600 tấn, đạt 76,16% kế hoạch, bằng 119,39% cùng kỳ 2016. Trong đó, nuôi nước ngọt đạt 32.740 tấn. Các đối tượng nuôi thả chủ yếu vẫn là các loại cá truyền thống, ngoài ra còn một số đối tượng như cá trắm đen, cá diêu hồng, cá lóc bông cũng được nhiều người nuôi tiếp tục thả giống. Đến nay, các đối tượng được cơ quan chức năng đánh giá là sinh trưởng phát triển tốt, an toàn dịch bệnh. Nuôi nước mặn lợ đạt 33.883 tấn. Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao, cá bống bớp cơ bản đã thả giống ngay từ những ngày đầu tháng 4 đến tháng 5 năm 2017. Sản lượng tôm sú đến hết tháng 9 là 750 tấn; sản lượng tôm thẻ là 3.250 tấn. Các loại cá truyền thống đang được thu tỉa, thả bù. Ngoài ra, ngao và 1 số đối tượng nuôi quảng canh đạt kích cỡ thương phẩm liên tục được người nuôi tiến hành thu hoạch. Những ao nuôi tôm thẻ chân trắng vụ 1 đã thu thương phẩm với cỡ tôm 70-100 con/kg, đạt năng suất 5-7 tấn/ha, một ao đạt sản lượng trung bình từ 30-40 tấn; nhiều ao nuôi tôm thẻ chân trắng vụ 2 cũng bắt đầu cho thu hoạch.

9 tháng đầu năm, nuôi thủy sản đã ghi nhận được những kết quả đáng kể, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế đang làm ảnh hưởng đến tính bền vững trong nuôi thủy sản như vùng nuôi nước ngọt chưa có nhiều đối tượng có giá trị kinh tế cao, tình hình thời tiết biến đổi khôn lường, khó nắm bắt, cơ sở hạ tầng nhiều vùng nuôi chưa được đảm bảo… Chính bởi vậy, để đạt mục tiêu của ngành trong năm 2017 là sản xuất 11 triệu con giống các loại; sản lượng thủy sản nuôi là 86.480 tấn, ngành thủy sản cần tiếp tục nỗ lực. Thời điểm này, Sở NN và PTNT vẫn đang tập trung chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại do cơn bão số 10 và những trận mưa lớn kéo dài gây ra, nhanh chóng ổn định sản xuất. Chỉ đạo hướng dẫn các cơ sở sản xuất giống căn cứ thực tiễn sản xuất để hoàn thành các hồ sơ công bố chất lượng cơ sở. Những cơ sở đã hoàn thành sản xuất vụ 1 nhanh chóng thực hiện vệ sinh, sửa chữa, chuẩn bị cơ sở vật chất cho vụ sản xuất sau. Giám sát chặt chẽ các vùng nuôi, nắm bắt tình hình sinh trưởng, phát triển các đối tượng thủy sản, đặc biệt là đối với tôm thẻ chân trắng, ngao. Nắm bắt tình hình thu hoạch các đối tượng nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm; thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh ở các vùng nuôi thủy sản, đặc biệt là các vùng nuôi của 3 huyện ven biển Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, sớm phát hiện dịch bệnh và các biến đổi bất thường của môi trường, kết hợp với các đơn vị trong xử lý dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan. Anh Bùi Văn Dân, xã Bạch Long (Giao Thủy), người nuôi cá kèo cho biết: “Thời điểm mưa lớn kéo dài, nhiều ao nuôi tôm, cá thất thoát lớn. Tuy nhiên, do thường xuyên theo dõi tình hình, diễn biến môi trường nước và điều kiện thời tiết nên tôi đã sớm có những biện pháp phòng ngừa, bảo vệ. Bởi vậy nên đàn cá của tôi thất thoát không đáng kể. Đến nay, thực hiện khuyến cáo, chỉ đạo của các cơ quan chức năng, tôi vẫn chú trọng theo dõi, kiểm tra thường xuyên yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ mặn, độ trong của nước… để có những điều chỉnh trong kỹ thuật chăm sóc phù hợp, giúp đàn cá phát triển khỏe mạnh và đồng đều”. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT cũng phối hợp với các đơn vị để tuyên truyền, hướng dẫn tăng cường các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, quản lý tốt sức khỏe các đối tượng nuôi. Tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng trong ngành tăng cường quản lý các cơ sở, đại lý kinh doanh thức ăn, chế phẩm sinh học, các loại hóa chất, kháng sinh dùng trong nuôi thủy sản.

Từ những kết quả thực tế, nhiều cán bộ thủy sản đã nhận định năm 2017, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng nuôi thủy sản vẫn sẽ có tăng trưởng nhẹ so với năm 2016. Đây là tín hiệu vui cho ngành kinh tế thủy sản nói chung và của nghề nuôi thủy sản nói riêng, tạo động lực để người dân tiếp tục đầu tư sản xuất có hiệu quả hơn./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com