Tập trung xử lý vi phạm về môi trường ở các cụm công nghiệp

09:10, 16/10/2017

Đến nay tỉnh đã cho phép đầu tư xây dựng 20 CCN, toàn tỉnh có 19 CCN đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, qua theo dõi, kiểm tra của các đơn vị chức năng cho thấy: công tác quản lý, xử lý việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) tại các CCN còn nhiều yếu kém, bất cập cần được quan tâm xử lý khắc phục.

Tổ chức bộ máy, năng lực quản lý Nhà nước về BVMT trong các CCN hiện chưa được quan tâm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Trung tâm phát triển CCN cấp huyện chỉ có cán bộ kiêm nhiệm làm công tác quản lý về môi trường. Phòng TN và MT các huyện cũng chỉ bố trí 1 cán bộ tham mưu về lĩnh vực quản lý môi trường. Có CCN hiện nay vẫn do UBND cấp xã quản lý vừa không đúng quy định pháp luật vừa không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ quản lý CCN nói chung và quản lý về lĩnh vực BVMT nói riêng. Các điều kiện về trang thiết bị phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về BVMT còn thiếu, đặc biệt là những trang thiết bị xác định ô nhiễm môi trường về bụi, khí thải, tiếng ồn, độ rung... nên gặp khó trong việc thực hiện nhiệm vụ. Phần lớn các CCN trước đây đều do Nhà nước làm chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nên kinh phí hạn chế đầu tư dàn trải hoặc chỉ đáp ứng được các điều kiện BVMT tại thời điểm đầu tư xây dựng. Trong quá trình hoạt động, chủ đầu tư CCN mới chỉ quan tâm tới việc khai thác hạ tầng thu hút nhà đầu tư thứ cấp, chưa thực sự quan tâm việc đầu tư xây dựng và vận hành các công trình BVMT nên phần lớn các CCN trên địa bàn tỉnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật về BVMT chưa đảm bảo theo quy định. Nhiều CCN trên địa bàn chưa hoàn thiện thủ tục về môi trường, có 11/19 CCN chưa lập, trình duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và đề án BVMT chi tiết, 18 CCN chưa lập thủ tục về hoàn thành các công trình biện pháp BVMT, cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước, chưa đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, chưa lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ theo quy định. Trạm xử lý nước thải tại CCN Yên Xá (Ý Yên) đã xây dựng xong nhưng không hoạt động. Một số CCN có hồ sinh học thu gom nước thải tập trung của các cơ sở sản xuất nhưng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không thực hiện nghiêm việc đấu nối hệ thống xả vào hồ thu gom. Chất lượng nước thải của một số CCN được quan trắc đều chưa bảo đảm theo quy định tại QCVN 40:2011/BTNMT (B) quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp. Việc chấp hành các quy định pháp luật về BVMT của các cơ sở sản xuất, kinh doanh còn nhiều hạn chế như: chưa tiến hành quan trắc, giám sát môi trường định kỳ theo quy định, chưa báo cáo quản lý chất thải nguy hại, chưa thu gom, lưu giữ và thuê đơn vị có đủ chức năng xử lý chất thải nguy hại theo quy định. Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các CCN chưa có thủ tục về môi trường còn cao (57%). Ở một số CCN còn tình trạng doanh nghiệp có ngành nghề sản xuất xung đột về môi trường đan xen với nhau. Có hiện tượng một số cơ sở sản xuất xả thải bừa bãi chất thải rắn, chất thải nguy hại ra ngoài môi trường xung quanh; khí bụi, khí thải của nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ được xử lý sơ bộ, thậm chí thải trực tiếp ra môi trường.

Thực hiện quy trình xử lý nước thải tại Trạm xử lý nước thải CCN An Xá (TP Nam Định).
Thực hiện quy trình xử lý nước thải tại Trạm xử lý nước thải
CCN An Xá (TP Nam Định).

Việc phát triển các CCN là yêu cầu tất yếu. Tuy nhiên nếu các CCN không thực hiện nghiêm quy định về BVMT sẽ là mối nguy cho sự phát triển bền vững của các địa phương. Để chấn chỉnh công tác BVMT trong các CCN, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan tập trung nghiên cứu cơ chế, chính sách để xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đối với các CCN đã đi vào hoạt động nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Đẩy mạnh khuyến khích xã hội hóa trong đầu tư xây dựng hạ tầng và hệ thống BVMT trong các CCN. Thống nhất ban hành chung đối với các CCN phải có quy hoạch chi tiết nhóm ngành nghề theo từng khu vực và tuân thủ quy hoạch khi lựa chọn dự án đầu tư, không bố trí các ngành nghề có xung đột về môi trường đan xen nhau. Đối với các CCN đã lấp đầy, khi phê duyệt chuyển đổi ngành nghề hoặc thay đổi đầu tư của nhà đầu tư thứ cấp cũng phải tính đến yếu tố BVMT và yếu tố chịu tải của hạ tầng sẵn có, nhất là hệ thống nước thải tập trung. Không tiếp nhận các dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, không đáp ứng các quy định của pháp luật. UBND tỉnh còn chỉ đạo các huyện sử dụng tập trung kinh phí sự nghiệp môi trường bảo đảm hiệu quả, đúng quy định; tập trung nguồn kinh phí hỗ trợ tuyên truyền phổ biến pháp luật, đào tạo nhân lực quản lý, tăng cường quan trắc, giám sát chất lượng môi trường; thanh tra, kiểm tra... hỗ trợ xây dựng các công trình xử lý môi trường tập trung tại các CCN. Bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hằng năm của địa phương để hỗ trợ công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm vi phạm pháp luật về môi trường. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện nay các huyện, thành phố đang tập trung nghiên cứu để thống nhất đầu mối đơn vị quản lý đối với các CCN chưa bàn giao cho UBND cấp huyện quản lý và quy định rõ cơ chế trách nhiệm khi phối hợp, quản lý, tránh để các tồn tại trong công tác BVMT kéo dài, phát sinh thêm mà không có biện pháp giải quyết. Theo dõi, chỉ đạo công tác vận hành thường xuyên các công trình BVMT theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án xây dựng CCN. Đối với các CCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, cần tập trung nguồn vốn từ ngân sách hoặc xã hội hóa để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, vận hành hiệu quả hệ thống xử lý nước thải. Trên cơ sở quy hoạch CCN đã được phê duyệt, chủ động tìm kiếm nhà đầu tư có năng lực để đầu tư hạ tầng. Thời gian tới, các huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật BVMT tại các CCN, xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật về BVMT./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com