Giải quyết dứt điểm tình trạng chậm trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

07:10, 04/10/2017

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nhằm đạt 2 mục tiêu chính là: để các chủ sử dụng đất có đủ cơ sở pháp lý, điều kiện thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình (như cho thuê, thừa kế, thế chấp, chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định…); đồng thời đây là công cụ quan trọng để Nhà nước quản lý có hệ thống, chặt chẽ và hiệu quả tài nguyên đất. Do đó tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện kịp thời việc cấp GCNQSDĐ cho chủ sử dụng. Tuy nhiên ở tỉnh ta, đến nay, thống kê sơ bộ ngoài huyện Hải Hậu không có trường hợp tồn đọng, còn lại các huyện và Thành phố Nam Định đều có tình trạng tồn đọng GCNQSDĐ đã ký nhưng chưa được trao cho chủ sử dụng đất.

Nhân viên Phòng TN và MT huyện Nam Trực rà soát quy các điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Nhân viên Phòng TN và MT huyện Nam Trực rà soát quy các điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tại huyện Ý Yên còn tồn 708 giấy chưa được trao; trong đó có 228 hộ nợ nghĩa vụ tài chính. Đáng chú ý là với nhiều hộ cấp lần đầu tại thời điểm thông báo cho các hộ nhận giấy thì nghĩa vụ tài chính còn thấp nhưng các hộ không nộp tiền để làm. Nhưng đến nay, do có quy định điều chỉnh tăng về nghĩa vụ tài chính, huyện phải xây dựng lại phương án theo giá quy định mới thì mức nộp nghĩa vụ tài chính tăng lên khiến các hộ thêm khó khăn không hoàn thành nộp tiền để làm giấy. Còn lại 21 trường hợp khác ở xã Yên Phong diện tích cấp vào phần hành lang ATGT; 19 trường hợp vắng chủ; 75 trường hợp cấp sai thông tin, địa bàn thôn nọ sang thôn kia; 13 trường hợp có thắc mắc hoặc đang tranh chấp; 10 trường hợp chủ hộ đã chết; 282 trường hợp cấp đổi nhưng không thu được giấy chứng nhận cũ do đang thế chấp tại ngân hàng; 4 trường hợp đang còn có ý kiến khác. 566 trường hợp đang đọng ở Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, còn 142 trường hợp đọng lại các xã, thị trấn. Tại huyện Nam Trực, số liệu tổng hợp đến tháng 10-2016, toàn huyện còn 702 giấy đã chuyển về các xã, thị trấn nhưng chưa trao cho người dân. Đến hết 31-7-2017, đã trả được 85 giấy, còn 617 giấy. Trong đó 34 giấy do người dân tiếp tục vi phạm lấn chiếm làm phát sinh sai khác về diện tích so với giấy đã cấp, vì vậy địa phương phải để lại chờ xử lý vi phạm, chưa cấp; 156 giấy chưa trả do chủ cũ đã mất, chủ đi làm ăn xa chưa về, sai khác về diện tích sở hữu; 83 giấy theo diện 115 (các trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp), xã đã thông báo tới lần thứ 3 nhưng chủ sở hữu chưa đến lấy; 14 giấy có sai sót về tờ thửa, họ tên…; 68 trường hợp vắng chủ; 45 trường hợp chủ sở hữu bị tâm thần, mất năng lực hành vi dân sự nên không đến lấy, chính chủ đã mất, đang tranh chấp quyền thừa kế; 14 giấy đã cho tặng, thừa kế nhưng không làm thủ tục. Huyện Mỹ Lộc còn 257 giấy chứng nhận còn tồn đọng ở các xã, thị trấn. Những xã còn tồn lớn như Mỹ Thắng 103 giấy, Mỹ Tân 46 giấy, Mỹ Hưng 54 giấy… Trong đó, sai tên thửa 18 giấy, sai họ tên 19 giấy, sai diện tích 30 giấy, chủ đã mất 4 giấy, đất sau khi cấp xảy ra tranh chấp là 3 giấy, người dân không lên nhận 75 giấy và có 86 trường hợp vi phạm, không chịu nộp tiền xử lý nghĩa vụ tài chính trong quá trình thực hiện cấp giấy, các trường hợp khác 24 giấy. Tại huyện Trực Ninh, còn tồn 28 giấy ở UBND các xã, thị trấn. Trong đó, 5 trường hợp chủ hộ chết không nhận, 9 trường hợp vắng, 2 trường hợp từ đường, 9 trường hợp sai sót và 3 trường hợp chủ hộ không nhận giấy… Theo đồng chí Bùi Công Mậu, Phó Giám đốc Sở TN và MT: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này song chủ yếu là do sự vào cuộc thiếu quyết liệt của chính quyền một số địa phương và cán bộ làm công tác chuyên môn ở cơ sở. Cá biệt, tại một số địa phương còn để xảy ra tình trạng các cán bộ liên quan đến công tác cấp GCNQSDĐ cố ý giữ lại, không trả cho người dân để trục lợi bất chính. Cụ thể như ở huyện Nam Trực, hầu hết GCNQSDĐ này được cấp từ năm 2007 trở về trước, trong đó những giấy cấp vào giai đoạn 2002-2004, lực lượng cán bộ địa chính xã cố tình giữ lại để đòi chi phí “bôi trơn” của người có nhu cầu lấy. Sai phạm này đã được làm rõ và huyện đã tiến hành xử lý kỷ luật khai trừ khỏi Đảng một cán bộ địa chính xã Hồng Quang và đang tiếp tục xem xét, kỷ luật một số cán bộ có liên quan đến sai phạm này.

Trước thực trạng kể trên, hiện các địa phương đã chủ động xây dựng phương án giải quyết tồn đọng trong công tác cấp GCNQSDĐ đã ký nhưng chưa được trao cho người sử dụng đất. Tại Thành phố Nam Định, đối với các trường hợp diện tích sai khác so với bản đồ địa chính giao Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai phối hợp cùng UBND các phường, xã khảo sát hiện trạng sử dụng đất để có phương án điều chỉnh. Đối với các trường hợp người dân không đến nhận giấy chứng nhận thì giao cho UBND các phường, xã lập biên bản từng trường hợp và báo cáo rõ nguyên nhân, đề xuất phương án giải quyết cụ thể. Đối với những trường hợp chủ sử dụng đất đã chết, giao UBND các phường, xã hướng dẫn người có quyền thừa kế thực hiện các thủ tục tư pháp để nhận GCNQSDĐ. Đối với các trường hợp đã mất giấy tờ gốc thì giao UBND các phường, xã hướng dẫn người được cấp GCNQSDĐ cam kết và thông báo, niêm yết công khai việc mất giấy tờ theo quy định. Đối với những trường hợp không công nhận diện tích hoặc diện tích sai lệch so với GCNQSDĐ yêu cầu UBND các phường, xã hướng dẫn người dân có đơn đề nghị xem xét lại diện tích ranh giới sử dụng đất của gia đình mình và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra lại hồ sơ, nếu có căn cứ thì sẽ điều chỉnh GCNQSDĐ. Huyện Trực Ninh chỉ đạo đối với các trường hợp chủ sử dụng đất đã chết thì giao UBND các xã, thị trấn bàn giao về Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai và hướng dẫn gia đình họp, làm văn bản thống nhất, làm thủ tục phân chia quyền sử dụng đất theo quy định. Trường hợp các hộ đi làm ăn xa hoặc chuyển đi nơi khác sinh sống thì UBND xã, thị trấn thông báo cho chủ hộ sử dụng đất biết để đến nhận GCNQSDĐ. Đối với trường hợp đất từ đường do cộng đồng dân cư sử dụng, các xã, thị trấn thông báo cho người được dòng họ ủy quyền hoàn tất các thủ tục hợp pháp và đến nhận GCNQSDĐ. Đối với các giấy chứng nhận có sai sót, UBND các xã, thị trấn hướng dẫn các hộ làm thủ tục đính chính hoặc cấp đổi. Đối với GCNQSDĐ mà chủ hộ không nhất trí với loại đất, diện tích đất đã cấp giao UBND các xã, thị trấn điều tra xác minh nguồn gốc, diễn biến quá trình sử dụng đất và các tài liệu liên quan để giải quyết.

Để đảm bảo quyền của người sử dụng đất hợp pháp, đồng thời giải quyết dứt điểm tình trạng này, mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp kiểm điểm sai phạm và thống nhất quan điểm giải quyết tồn đọng. UBND tỉnh đã giao UBND các huyện, thành phố khẩn trương rà soát chính xác số lượng GCNQSDĐ thổ cư đã ký nhưng chưa trao cho các chủ sử dụng trên địa bàn quản lý. Các GCNQSDĐ thổ cư đã ký nhưng chưa trao cho chủ sử dụng đất hiện đang lưu giữ ở cơ quan nào, ai quản lý và làm rõ nguyên nhân chưa trao. Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch xử lý tồn đọng chậm trả GCNQSDĐ thổ cư đã ký theo từng nguyên nhân, kèm theo mốc thời gian. Trong thời gian chưa trao GCNQSDĐ thổ cư đã ký, yêu cầu các tổ chức, cá nhân đang trực tiếp quản lý giấy chứng nhận phải có văn bản cam kết và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra thất thoát hoặc sử dụng vào mục đích khác. Giao Sở TN và MT hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ khi có đề nghị của UBND các huyện, thành phố; đồng thời tổng hợp báo cáo, kế hoạch xử lý tồn đọng của việc chưa trao GCNQSDĐ thổ cư đã ký của các huyện, thành phố; kiểm tra đôn đốc và báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện kế hoạch xử lý tồn đọng của việc chưa trao GCNQSDĐ thổ cư đã ký của các huyện, thành phố trong tháng 11-2017./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com