Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở Xuân Trường

08:09, 05/09/2017

Tám tháng năm 2017, giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện Xuân Trường đã đạt 2.308 tỷ đồng, tăng 11,77% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, khối doanh nghiệp hỗn hợp đạt giá trị sản xuất trên 1.055 tỷ đồng; khối doanh nghiệp tư nhân đạt 665 tỷ đồng; khối tổ hợp sản xuất và hộ cá thể đạt 579,2 tỷ đồng. Ngành CN-TTCN của huyện đã cơ bản thực hiện đúng quy hoạch phát triển đã được duyệt. Các loại hình doanh nghiệp tăng cả về số lượng, quy mô và năng lực sản xuất; máy móc, thiết bị, nhà xưởng, công nghệ mới và nguồn nhân lực chất lượng cao được quan tâm đầu tư. Các ngành chủ lực như: dệt may, cơ khí chế tạo máy phát triển ổn định, công nghiệp đóng tàu từng bước được phục hồi và phát triển. Các CCN khai thác có hiệu quả đã được lấp đầy, các làng nghề truyền thống được duy trì và phát triển: cơ khí, chế biến lương thực, thực phẩm ở xã Xuân Tiến; chế biến gỗ ở các xã Xuân Bắc, Xuân Phương; thêu ren truyền thống ở các xã: Xuân Phương, Xuân Ngọc; dệt chiếu cói ở xã Xuân Ninh…

Sản xuất máy nông nghiệp tại Cty TNHH Tân Việt, CCN Xuân Tiến.
Sản xuất máy nông nghiệp tại Cty TNHH Tân Việt, CCN Xuân Tiến.

Để đạt được kết quả trên, ngay từ đầu năm 2017, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp, hướng dẫn các xã, thị trấn tập trung thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển sản xuất CN-TTCN theo nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh phát triển sản xuất CN-TTCN giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu của nghị quyết là đến năm 2020, phấn đấu giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 5.060 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010) chiếm 45% trong tổng giá trị sản xuất của huyện; 60-80% số xã, thị trấn có ít nhất 1 nghề CN-TTCN hoặc điểm, CCN. Giải quyết việc làm cho khoảng 29 nghìn lao động có việc thường xuyên, cơ cấu lao động công nghiệp chiếm khoảng 30% tổng số lao động trong độ tuổi. Để thực hiện và hoàn thành mục tiêu phát triển sản xuất CN-TTCN, huyện Xuân Trường xác định lấy công nghiệp cơ khí làm trọng tâm, đồng thời khuyến khích phát triển các nghề: mây, tre đan, đồ sơn mài gia dụng, dệt may, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ theo hướng đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển công nghiệp phụ trợ theo chuỗi gắn với các huyện xung quanh Giao Thủy, Hải Hậu, Trực Ninh. Các xã chưa có nghề chủ động tìm kiếm đưa các nghề mới phù hợp với khả năng, thế mạnh phát triển của địa phương. Phòng Công thương huyện phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện sử dụng linh hoạt nguồn vốn từ Quỹ khuyến công quốc gia kết hợp với nguồn vốn từ Đề án 1956 tập trung đào tạo ngắn hạn các nghề: may công nghiệp, sửa chữa cơ khí, sản xuất mây, tre đan... để vừa tiết kiệm thời gian, vừa liên tục bổ túc kỹ thuật mới cho công nhân. 6 tháng đầu năm 2017, các CCN tập trung trên địa bàn huyện với tổng số 54 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã đạt giá trị sản xuất khả quan, tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2016 như: CCN Thị trấn Xuân Trường đạt 604,5 tỷ đồng (tăng trên 400 tỷ đồng); CCN Xuân Tiến đạt trên 89,6 tỷ đồng (tăng 27,6 tỷ đồng); CCN đóng tàu Thị trấn Xuân Trường đạt trên 62,4 tỷ đồng; CCN Xuân Bắc đạt trên 16 tỷ đồng. Với sự tạo điều kiện tối đa của huyện, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong các CCN trên địa bàn huyện đã nỗ lực phát triển mạnh sản xuất, kinh doanh, cơ bản hoàn thành và vượt mức kế hoạch năm 2017 ngay trong 6 tháng đầu năm. Tại CCN Xuân Tiến có 2 đơn vị là các Cty: TNHH Nhật Tân đạt doanh thu trên 9,15 tỷ đồng, vượt kế hoạch cả năm 2,85 tỷ đồng; CP Thanh Bằng đạt 12,9 tỷ đồng, vượt 2,3 tỷ đồng. CCN Thị trấn Xuân Trường có các chi nhánh của các Cty: CP May Nam Định đạt 23,250 tỷ đồng, vượt 50 triệu đồng; CP May Sông Hồng đạt 540 tỷ đồng (kế hoạch năm 2017 đạt 620 tỷ đồng); CP Hồng Việt đạt 24 tỷ đồng (kế hoạch năm 2017 là 33,6 tỷ đồng). Cty CP Hoàng Vinh (CCN Đóng tàu Thị trấn Xuân Trường) đạt doanh thu 50,5 tỷ đồng (kế hoạch năm 2017 là 65,5 tỷ đồng). Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các CCN hoạt động hiệu quả đã tạo việc làm cho 4.731 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân đạt từ 3,3-3,5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh các ngành công nghiệp chủ yếu, các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện như: cơ khí (Xuân Tiến, Xuân Kiên); chế biến lương thực - thực phẩm (xóm 6, 7 xã Xuân Tiến); dệt chiếu (Xuân Ninh); thêu xuất khẩu và chế biến gỗ (Phú Nhai; Trà Đông - Trà Đoài của xã Xuân Phương)… đều hoạt động ổn định; thu hút hàng nghìn lao động địa phương tham gia với mức thu nhập bình quân từ 3-4 triệu đồng/người/tháng.

Sản xuất CN-TTCN những quý đầu năm tăng trưởng ổn định, bền vững là tiền đề quan trọng để huyện Xuân Trường phấn đấu hoàn thành mục tiêu cả năm 2017 đạt 3.518 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), giá trị hàng hóa xuất khẩu quy đổi đạt trên 33 triệu USD. Thời gian tới, huyện Xuân Trường tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở đẩy mạnh sản xuất đa dạng các sản phẩm phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu; tăng cường thu hút, tạo điều kiện cho các dự án đầu tư mới; triển khai tốt công tác đào tạo nghề, truyền nghề để tăng số lao động qua đào tạo tham gia sản xuất trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; đôn đốc công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án mở rộng CCN Xuân Tiến giai đoạn 2…

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com