Làng chài Tân Minh ngày mới

04:09, 01/09/2017

"Thuyền dập dềnh đong đưa câu hát, làng chài xa dần bâng khuâng nỗi nhớ. Nhanh tay nhanh tay kéo lưới từng đàn tôm cá lấp lánh biển trời” (Làng chài)… Những câu hát vang lên từ chiếc đài đã cũ của ông nội làm tôi háo hức muốn một lần đặt chân về thăm thú một làng chài nào đó, để được hít cho căng đầy lồng ngực cái hương vị mặn mòi đượm trong gió và để “nghe chất muối” của biển cả, để được chứng kiến những ngư dân với “làn da ngăm rám nắng” đang tất bật đôi bàn tay đan, vá lưới hay căng buồm vươn khơi. Vậy nên đúng ngày cuối tuần, chúng tôi rủ nhau về làng chài Tân Minh, xã Hải Triều (Hải Hậu).

Người dân xóm Tân Minh, xã Hải Triều đan lưới.
Người dân xóm Tân Minh, xã Hải Triều đan lưới.

Người dân xã ven biển Hải Triều chủ yếu sống bằng nghề làm muối, khai thác và nuôi thủy sản. Toàn xã hiện có trên 60 tàu khai thác xa bờ, trong đó riêng xóm Tân Minh có hơn 40 tàu. Con đường làng rợp bóng cây xanh về làng chài Tân Minh lúc tàu chưa về khá yên ả, thanh bình. Tân Minh có 247 hộ dân gồm 930 nhân khẩu, trong đó có 520 lao động sống chủ yếu bằng nghề khai thác thủy sản và nghề làm lưới phục vụ cho việc khai thác. Cả làng này đều làm nghề chài lưới, đời này truyền đời kia không biết đã bao nhiêu thế hệ. Trước kia, Tân Minh còn là một làng chài nghèo, đơn sơ. Theo lời kể của ông Đỗ Thanh Yên, trưởng xóm Tân Minh: “Ngày tôi còn nhỏ đã được chứng kiến bố cùng các chú, các bác cặm cụi vá lưới, sửa chài trong ánh sáng lờ mờ của những bóng đèn dầu nhỏ trong đêm, đường đi lối lại thì nhỏ hẹp… Người dân chưa có điều kiện để đầu tư tàu lớn vươn khơi xa nên chủ yếu chỉ đánh bắt thủ công, phương tiện thô sơ, đơn giản. Khai thác ven bờ nên tôm cá chả được là bao, đời sống của người dân vì vậy cũng khó khăn”. Ông chia sẻ thêm, trước kia, con trai khi mới 15, 16 tuổi đã phải theo cha, anh ra khơi mưu sinh. Con gái độ tuổi ấy thì ở nhà học nghề làm lưới, chẳng mấy người được cắp sách tới trường, đời sống vật chất thiếu thốn. Từ khi đất nước được tự do, độc lập, hòa bình, nhất là sau 3 thập kỷ thực hiện sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của xóm chài nghèo xưa đã đổi thay mạnh mẽ. Xã Hải Triều nói chung và xóm Tân Minh nói riêng từ một địa phương nghèo vùng chân sóng đã ngày càng đổi mới, hiện đại hơn, văn minh hơn. Xóm chài xưa giờ đã có rất nhiều nhà cao tầng khang trang, đẹp đẽ nằm san sát nhau dọc theo trục đường thôn đã được bê tông hóa, không còn nhà tranh… Thực hiện các chương trình phát triển kinh tế của huyện, của xã, kết hợp phát huy tính cần cù, sáng tạo trong lao động, người dân Tân Minh đã năng động cải tiến ngành nghề, phát triển kinh tế gia đình ngày càng đi lên. Xóm Tân Minh có nghề đan lưới chấp là nghề truyền thống thu hút nhiều lao động, sản phẩm có uy tín, đã trở thành thương hiệu được nhiều người biết đến. Ngoài người đi biển, người ở nhà ai cũng có việc để làm nghề. Trong nhà, ngoài sân, dưới những tán cây rợp bóng mát, đến chỗ nào cũng gặp cảnh rộn rã tiếng nói cười của người dân trong lúc thoăn thoắt tay đan, vá lưới. Lưới chấp của xóm Tân Minh so với trước kia đã có sự cải tiến đáng kể để phù hợp với điều kiện đánh bắt xa bờ. Từ những tấm lưới nhỏ, chỉ có thể đánh bắt tôm, cá nhỏ, sản lượng thấp, ngư dân làng Tân Minh đã nghiên cứu, cải tiến những tấm lưới với hàng chục tay lưới, có thể thu hoạch được cả chục tấn cá có giá trị kinh tế cao như cá thu, cá giậm… Để có những bộ lưới chấp tốt ngoài việc phải chọn sợi lưới chuẩn, các tay đan cần phải nắm vững kỹ thuật, nhanh tay khéo kéo khâu. Phải 3 tháng làm việc liên tục và khẩn trương với 15 nhân công mới có thể làm xong một “vàng” lưới. Không chỉ nổi tiếng với nghề đan, vá lưới, người dân xóm Tân Minh còn đạt hiệu quả kinh tế cao từ nghề đi biển. Anh Trần Phương Dương hiện là chủ của 6 tàu cá đánh bắt xa bờ, trong đó tàu có công suất lớn nhất là 825CV. Bên cạnh đó, gia đình anh Dương còn có nghề làm lưới chấp, tạo công ăn việc làm cho 10-15 nhân công. Anh đi biển và làm lưới đã gần 20 năm. Anh Dương chia sẻ: “Biển gắn bó với chúng tôi từ những ngày còn bé. Hương vị biển đã ngấm vào máu thịt của những ngư dân chúng tôi quả là không sai. Đi biển không những là nghề đem lại kinh tế cao mà còn là tinh thần, là niềm vui và cũng là cơ hội để chúng tôi được góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”. Anh cho biết thêm, trước kia đội tàu, thuyền của ngư dân trong xóm đơn sơ lắm, không có tàu lớn như bây giờ, cũng chẳng có những thiết bị hiện đại như la bàn, bộ đàm… nên đi biển vừa vất vả mà thu nhập cũng không cao. Bây giờ, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương tạo điều kiện cho người dân vay vốn ưu đãi để đóng tàu mới, trang bị lại máy công suất lớn, thiết bị công nghệ hiện đại, ngư dân có thể yên tâm vươn khơi, cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá hơn. Có tàu vỏ thép ngư dân như được tiếp thêm động lực và tình yêu với nghề đi biển. Trung bình mỗi năm đi biển thu nhập của ngư dân xóm Tân Minh đạt được từ 350-400 triệu đồng/người.

Làng chài Tân Minh đã có những đổi thay về mọi mặt, đời sống kinh tế phát triển, đời sống tinh thần lành mạnh phong phú. Quan trọng hơn cả là có sự đồng thuận trong nhân dân và chính quyền địa phương. Kết thúc một ngày cuối tuần, tách khỏi sự ồn ào, đông đúc của thành thị, được trải nghiệm không gian sống, tinh thần lao động say sưa của ngư dân làng chài Tân Minh, chúng tôi mỗi người một cảm nhận nhưng những chia sẻ trên đường về đều thấy cảm xúc cũng tươi mới hơn, có thêm hứng khởi làm việc và học tập với những hoài bão về xây dựng quê hương giàu đẹp./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com