Trực Phú phát triển công nghiệp, dịch vụ

03:08, 05/08/2017
Nằm bên bờ sông Ninh Cơ, xã Trực Phú (Trực Ninh) thuận lợi cả giao thông đường thủy (giáp đê tả sông Ninh Cơ với chiều dài 1.400m; có khoảng 20ha đất bãi), đường bộ (có 1,5km Quốc lộ 37B chạy ngang qua địa bàn) và có nhiều công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giao thương hàng hóa như: chợ Ninh Cường, bến xe khách, tuyến xe buýt, số người trong độ tuổi lao động là 6.192 người… Đó là những tiền đề để xã triển khai thực hiện những kế hoạch chủ trương tạo đột phá về kinh tế - xã hội đã tập trung tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ cá thể đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN, đa dạng ngành nghề nông thôn, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Các nghề may công nghiệp; mộc dân dụng, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng theo công nghệ lò tuy-nen; chế biến lương thực - thực phẩm phát triển nhanh chóng, sôi động, tạo khí thế mới cho đời sống kinh tế địa phương.
Sản phẩm gạch sản xuất theo công nghệ lò tuy-nen tại Cty CP Vật liệu xây dựng Ninh Cường, xã Trực Phú (Trực Ninh).
Sản phẩm gạch sản xuất theo công nghệ lò tuy-nen tại Cty CP Vật liệu xây dựng Ninh Cường, xã Trực Phú (Trực Ninh).
Để thực hiện được mục tiêu đó, xã đã tích cực triển khai  thực hiện và hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) theo kế hoạch chỉ đạo của tỉnh và huyện, hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế và động viên khuyến khích người dân phát triển kinh tế hộ theo hướng đa ngành nghề; diện tích đất công được quy hoạch gọn vùng để tạo mặt bằng rộng đáp ứng yêu cầu phát triển điểm công nghiệp nông thôn tập trung. Bên cạnh đó, tranh thủ nguồn đầu tư của tỉnh, huyện, xã đã vận động nhân dân khẩn trương giải tỏa mặt bằng để nhanh chóng thi công hoàn thành công trình Quốc lộ 37B… Các nhu cầu về nguồn vốn để phát triển sản xuất, thủ tục hành chính, mặt bằng… đều được xã tạo điều kiện hỗ trợ tối đa; phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện tổ chức các lớp dạy nghề may công nghiệp, mộc dân dụng, cơ khí… cho hàng trăm lượt lao động tham gia. Từ chủ trương đó, cơ cấu kinh tế của xã đã có thay đổi tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt từ 10-11%; giá trị sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn năm 2016 của xã đã đạt trên 436 tỷ đồng. Hiện tại, trên địa bàn xã có 13 doanh nghiệp đầu tư sản xuất may mặc, chế biến gỗ - sản xuất hàng mộc mỹ nghệ, vật liệu xây dựng, cơ khí… tạo việc làm ổn định cho trên 2.000 lao động. Tiêu biểu như Nhà máy May Ninh Cường (Cty CP May 9 - Nhà Bè); Cty TNHH May Tân Trạch; Cty CP Vật liệu xây dựng Ninh Cường... Được sự tạo điều kiện của xã, năm 2012 Cty CP May 9 - Nhà Bè đã triển khai xây dựng nhà xưởng trên diện tích 2,9ha tại khu vực phía trong đê thuộc xóm Tân Ninh với tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng. Trong quá trình xây dựng nhà xưởng, Cty đã được UBND xã cho mượn nhà văn hóa để đào tạo nghề tại chỗ cho lao động. Tháng 11-2013, dự án đã chính thức hoạt động với quy mô 2 xưởng may gồm 20 chuyền may, các hạng mục phụ trợ như: nhà điều hành, nhà ăn, kho, khuôn viên... tạo việc làm cho 1.700 lao động trong xã và các xã xung quanh. Nhờ áp dụng phương thức quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế LEAN (quản lý sản xuất tinh gọn), hoạt động của Nhà máy nhanh chóng ổn định và đạt hiệu quả tích cực. Bình quân mỗi tháng Nhà máy sản xuất được khoảng 150 nghìn sản phẩm áo giắc-két quy chuẩn xuất khẩu sang các thị trường các nước trong khối EU, Mỹ, Hàn Quốc..., mức thu nhập bình quân của người lao động đạt từ 4,5-4,7 triệu đồng/người/tháng. Thành lập năm 2004, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng theo công nghệ lò tuy-nen với công suất thiết kế 10 triệu viên/năm, Cty CP Vật liệu xây dựng Ninh Cường hiện thu hút gần 100 lao động thường xuyên với mức lương bình quân từ 4 triệu đồng/người/tháng trở lên. Lợi thế ven sông đã được khai thác từ lâu để phát triển nghề vận tải thủy. Đội tàu vận tải của xã có 16 chiếc tải trọng từ 500-2.000 tấn; 54 phương tiện có tải trọng dưới 500 tấn. Năm 2016, tổng lượng hàng hóa các phương tiện của xã vận tải được đạt 615 nghìn tấn. Một số nghề truyền thống được mở rộng như: sản xuất kẹo vừng lạc, chế biến lương thực làm các loại bánh chưng, bánh gai, bánh đa, bánh tráng… mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân. Nhiều đặc sản của Trực Phú đã được xây dựng thương hiệu như kẹo lạc, kẹo vừng Vũ Thịnh; bánh chưng ngọt. Trong đó riêng làm bánh chưng có khoảng 40 hộ làm nghề. Ngoài ra, toàn xã còn trên 600 hộ đăng ký kinh doanh thương mại dịch vụ dọc theo trục Quốc lộ 37B. Bến xe khách Ninh Cường hoạt động ổn định với trên 50 đầu xe các loại. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có 12 ô tô tải, 25 xe taxi tham gia vận chuyển hàng hóa và hành khách. 
 
Tập trung phát triển sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn, cơ cấu kinh tế của xã Trực Phú đã có sự chuyển dịch tích cực. Năm 2016, tổng thu ngân sách của xã đạt gần 12,5 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người được nâng lên xấp xỉ 37 triệu đồng, tăng gần 15% so với năm 2015. Thời gian tới, xã Trực Phú tiếp tục khuyến khích các hộ đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển sản xuất CN-TTCN theo hướng đa ngành - đa nghề, thu hút nghề mới để tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương để củng cố các tiêu chí xây dựng NTM bền vững./.
 
Bài và ảnh: Thành Trung


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com