Thành công từ xây dựng thương hiệu nước mắm Ngọc Lâm

03:08, 05/08/2017

Xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng) có nghề truyền thống khai thác, đánh bắt chế biến thủy, hải sản, tập trung chủ yếu ở làng Ngọc Lâm. Từ đó, nhiều hộ dân trong làng đã phát triển nghề chế biến và sản xuất mắm tôm, nước mắm các loại. Làng Ngọc Lâm hiện có khoảng hơn 40 cơ sở sản xuất nước mắm, mắm tôm, chủ yếu theo hình thức hộ gia đình và hoàn toàn làm bằng phương pháp thủ công truyền thống sử dụng nguyên liệu từ nguồn cá cơm, cá nục… dồi dào khai thác từ biển. Cá tươi được trộn đều với muối theo tỷ lệ nhất định rồi cho vào thùng ủ thành chượp ròng rã suốt 12 tháng để làm nên loại nước mắm thơm ngon. Hiện nay, mặc dù các sản phẩm nước mắm công nghiệp tràn lan song nước mắm truyền thống với hương vị đậm đà vẫn được nhiều người lựa chọn.

Sơ chế mắm tôm ở cơ sở sản xuất của gia đình anh Lại Văn Quang, thôn Ngọc Lâm, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng).
Sơ chế mắm tôm ở cơ sở sản xuất của gia đình anh Lại Văn Quang, thôn Ngọc Lâm, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng).

Cũng như các hộ khác trong làng Ngọc Lâm, ông Lại Văn Quang là đời thứ tư theo nghề làm mắm tôm của các cụ truyền lại. Những năm trước, toàn bộ diện tích vườn nhà là bề chứa, khuấy, đảo, phơi… dành cho sản xuất mắm tôm. Do diện tích chỉ ngót 1,4 sào nên sản xuất nhỏ, mỗi năm chỉ tiêu thụ khoảng 50 tấn nguyên liệu, chủ yếu là moi. Hơn 5 năm nay, ông được chính quyền tạo điều kiện cho thầu gần 2,2ha đất bãi ven sông Đáy để xây dựng cơ sở sản xuất. Ông đã đầu tư trên 300 triệu đồng để xây dựng 130 bể và nhà kho, nhà xưởng, mỗi năm gia đình ông sản xuất trên 200 tấn mắm tôm và tận dụng nguồn cá trích, cá cơm… làm chượp sản xuất nước mắm chắt. Nói chuyện với chúng tôi, ông Quang cho biết: “Gia đình tôi đã thừa kế nghề truyền thống của bố mẹ, từ năm 2000 bắt đầu xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến thủy, hải sản tại nhà. Những năm đầu sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn như: vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm còn hạn chế, đầu tư thấp nên cơ sở vật chất còn thô sơ, chất lượng sản phẩm sản xuất chưa được người dân tin dùng do vậy chưa tạo được chỗ đứng trên thị trường”. Xác định để giữ gìn và phát huy nghề truyền thống, ông Quang đã tìm hiểu các chính sách, chủ trương để xây dựng bằng được thương hiệu nước mắm Ngọc Lâm nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Quang đã từng bước học hỏi, tham khảo kinh nghiệm của bạn bè trong lĩnh vực sản xuất và chế biến thủy sản, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm chi phí đầu vào tiến tới xây dựng những sản phẩm chất lượng cao đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ đó sản phẩm từng bước đã có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Đến nay cơ sở đã mở rộng quy mô sản xuất đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước, đồng thời làm đầu mối tiêu thụ cho trên 30 hộ gia đình cùng ngành nghề. Sản phẩm đã được đăng ký thương hiệu và được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản (Sở NN và PTNT) chứng nhận là sản phẩm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Từ năm 2015, thị trường được mở rộng, sản phẩm của cơ sở bán ra ngày một nhiều ở các tỉnh miền Trung, vùng Tây nguyên... Mỗi năm trung bình cơ sở đã xuất bán ra ngoài thị trường trên 500 tấn mắm tôm và trên 50 nghìn lít nước mắm các loại. Ngoài ra ông Quang còn hỗ trợ vốn, kinh nghiệm sản xuất cho gần 40 hộ cùng tham gia sản xuất theo chuỗi, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động có thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Từ đó nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Điển hình như hộ các ông Nguyễn Văn Doanh, Trần Văn Bích, Nguyễn Văn Thuân, Vũ Văn Ích, Phạm Văn Khải… Nhiều người qua quá trình làm việc tại cơ sở, tiếp thu được những kỹ thuật về sản xuất, chế biến đã tách ra làm một cơ sở chế biến nhỏ. Từ những kết quả sản xuất, kinh doanh, trong 5 năm qua, ông Lại Văn Quang được bình bầu là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ông là một trong 5 hộ nông dân được HND tỉnh lựa chọn đi dự Hội nghị biểu dương các điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc năm 2017.

Để nghề sản xuất nước mắm, mắm tôm ở Ngọc Lâm có chỗ đứng vững trên thị trường, thời gian tới, xã Nghĩa Hải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền giúp các hộ sản xuất hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm của mình trong nền kinh tế thị trường; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chế biến, phổ biến các quy định, quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân; tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân vay vốn để phát huy truyền thống của làng nghề, tăng thu nhập cho bà con, góp phần gìn giữ tinh hoa ẩm thực của cha ông./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com