Tăng cường quản lý nuôi thủy sản theo quy hoạch

07:08, 29/08/2017

Nuôi thủy sản là nghề mang lại giá trị kinh tế cao, là một trong những lĩnh vực mũi nhọn trong phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần không nhỏ vào việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân… Để việc nuôi thủy sản ngày càng phát triển bền vững, có sự quản lý, kiểm soát của các cơ quan chức năng, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh, các yếu tố xấu tác động đến chất lượng các đối tượng nuôi, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành có liên quan và các địa phương tăng cường quản lý nuôi thủy sản theo quy hoạch.

Vùng nuôi thủy sản của xã Hải Triều (Hải Hậu) được quy hoạch tập trung, tạo điều kiện cho nhân dân đầu tư sản xuất.
Vùng nuôi thủy sản của xã Hải Triều (Hải Hậu) được quy hoạch tập trung, tạo điều kiện cho nhân dân đầu tư sản xuất.

Theo kế hoạch phát triển năm 2017, tổng diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh phấn đấu đạt 16.090ha và sản lượng nuôi đạt 87,480 nghìn tấn. Để thực hiện và hoàn thành mục tiêu đó, các cơ quan chức năng tập trung hướng dẫn, chỉ đạo nuôi thủy sản theo quy hoạch đã được phê duyệt, hỗ trợ và hướng dẫn các hộ nuôi tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng… Ở một số vùng nuôi thủy sản tập trung tại các xã thuộc các huyện ven biển như: Nam Điền, Thị trấn Rạng Đông, Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng), Hải Lý, Hải Chính, Hải Triều (Hải Hậu), Giao Phong, Giao Thiện, Giao Lạc (Giao Thủy)… đến các xã có vùng nuôi thủy sản nội đồng tập trung như Mỹ Hà, Mỹ Thắng, Mỹ Trung, Mỹ Hưng (Mỹ Lộc)… Qua nhìn nhận thực tế có thể dễ dàng nhận thấy hiệu quả từ việc sản xuất trong vùng quy hoạch. Nhờ sản xuất trong vùng được quy hoạch nên người dân đều được tạo điều kiện thuận lợi, yên tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống trang thiết bị và đặc biệt là ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển vùng nuôi theo hướng bền vững. Xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) có diện tích 291ha nuôi thủy sản, trong đó có 126,7ha được chuyển đổi từ những diện tích trồng lúa kém hiệu quả. Từ khi chuyển đổi sản xuất sang nuôi thủy sản đạt hiệu quả gấp 5 đến 7 lần so với trồng lúa. Chính vì vậy, Đảng ủy, chính quyền địa phương vẫn đang tiếp tục vận động người dân chuyển đổi, mở rộng diện tích nuôi thủy sản trong những vùng quy hoạch đã được phê duyệt. Ông Phạm Văn Dinh, xóm 3, xã Nam Điền cho biết: “Từ khi hình thành các vùng nuôi tập trung, người nuôi thủy sản như chúng tôi yên tâm hơn rất nhiều trong việc phát triển nghề. Mọi người cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về xử lý nguồn nước, cách phòng trị bệnh cho các đối tượng nuôi, cách chăm sóc để đạt hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thuận tiện hơn trong việc hỗ trợ lẫn nhau trong công tác trông coi, bảo vệ an ninh trật tự ở vùng nuôi”. Tại xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) có 4 vùng nuôi cá nước ngọt tập trung tại các thôn Lang Xá, La Đồng, La Chợ, Nguyễn Huệ. Để việc nuôi thủy sản phát triển tập trung đúng theo quy hoạch, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền để người dân hiểu rõ được tầm quan trọng của việc phát triển sản xuất theo quy hoạch; tạo điều kiện cho người dân vay vốn đầu tư xây dựng vùng nuôi đồng bộ, quản lý các vùng nuôi chặt chẽ, không để người dân vì lợi nhuận trước mắt mà tự phát chuyển đổi vùng nuôi thủy sản phá vỡ quy hoạch. Những trường hợp cố tình vi phạm xây nhà kiên cố trên diện tích vùng nuôi thủy sản đều bị xử lý kiên quyết chấm dứt hợp đồng.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều vùng nuôi thủy sản chưa được quy hoạch chi tiết khiến tình hình dịch bệnh trên thủy sản nuôi rất phức tạp, công tác quản lý vẫn còn gặp nhiều khó khăn… Vấn đề xảy ra dịch bệnh đối với các đối tượng thủy sản nuôi có liên quan đến nhiều yếu tố như chất lượng giống, diễn biến phức tạp của thời tiết, ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là nhiều vùng nuôi chưa được quy hoạch bài bản, nhiều người dân nuôi thủy sản nhỏ lẻ, manh mún, thiếu quy hoạch nên thiếu kỹ thuật, thậm chí có những người sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất bừa bãi mà không làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất, mua những loại hóa chất trôi nổi trên thị trường, giá rẻ, không đảm bảo chất lượng… Để khắc phục những khó khăn đó, Sở NN và PTNT đã chủ trì, phối hợp với UBND các huyện khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh, giám sát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sang nuôi thủy sản, kiên quyết quản lý nuôi theo quy hoạch, tránh hiện tượng nuôi tràn lan, nhỏ lẻ, tự phát phá vỡ quy hoạch; tiếp tục chỉ đạo chuyển đổi diện tích ruộng trũng trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, thực hiện tốt việc quy hoạch nhằm khai thác lợi thế về đất đai; đẩy mạnh công tác khuyến ngư, tăng cường các hoạt động tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nuôi giúp người nuôi thủy sản thành thạo các kỹ thuật, chủ động sản xuất có hiệu quả, hạn chế rủi ro. Đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản theo hướng trang trại, gia trại. Tập trung phát triển các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu. Tìm kiếm thị trường tiêu thụ, xây dựng và thực hiện các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế thủy sản. Từng bước xây dựng thương hiệu thủy sản của các địa phương trong tỉnh. Đặc biệt phải có các giải pháp xử lý đối với các cơ sở nuôi thủy sản không theo quy hoạch. Bên cạnh đó, UBND các huyện cũng triển khai xây dựng kế hoạch, lộ trình khắc phục các vấn đề môi trường còn tồn tại, nhất là về bảo vệ môi trường trong nuôi thủy sản; tăng cường kiểm tra các khu nuôi thủy sản trên địa bàn quản lý, yêu cầu các hộ nuôi thủy sản xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong sử dụng đất không đúng mục đích để nuôi thủy sản./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com