Nghề làm nón lá thôn Rục Kiều

06:07, 28/07/2017

Theo các cụ cao niên kể lại, nghề làm nón lá ở thôn Rục Kiều, xã Nam Hùng (Nam Trực) đã có cách đây hơn 70 năm do cụ Phạm Văn Xảo là người đầu tiên học nghề ở Hà Ðông (Hà Nội) rồi về truyền lại cho người dân quanh vùng. Bà Phạm Thị Răm, 60 tuổi, người đã có 35 năm trong nghề làm nón cho biết: Thời điểm “hoàng kim” của xóm nghề, hầu hết các hộ dân trong làng từ già, trẻ, gái, trai, những lúc nông nhàn đều tham gia làm nón. Nón lá của Rục Kiều lúc đó được đem đi bán khắp mọi miền, từ Nam ra Bắc. Trẻ em lên 6, lên 7 đã được người lớn dạy cho cách phơi lá, khâu nón, lên 8-9 tuổi đã thông thạo trong việc làm nón, giúp bố mẹ kiếm thêm thu nhập.

Người dân thôn Rục Kiều làm nón.
Người dân thôn Rục Kiều làm nón.

Theo bà Răm, để làm nên một chiếc nón, người thợ phải bỏ ra nhiều công sức và thời gian, từ việc chọn mua nguyên vật liệu, phơi lá, là lá, làm vành nón rồi đến khâu nón. Ðể có được nguyên liệu làm nón, các bà, các chị phải thức dậy từ rất sớm, đạp xe xuống tận chợ Ðào Khê (Nghĩa Hưng) cách nhà mấy chục cây số mua khung, lá, mo… về làm nón. Ðể làm ra một chiếc nón không hề đơn giản, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn. Lá nón mua về được các bà, các chị hơ qua trên lửa rồi vuốt cho thật phẳng, sau đó là đo, cắt, vót vành... Nón lá thường có ba lớp: lớp ngoài bằng lá non, loại đẹp và trắng nhất, lớp giữa là lá già và lớp trong cùng cũng bằng lá non nhưng đẹp không bằng lớp ngoài. Nón được khâu bắt đầu từ vành nhỏ nhất, công đoạn này đòi hỏi người thợ phải có sự khéo léo để đường kim, mũi chỉ được chính xác, thẳng và đều theo độ cong của vành nón. Ðường kim mũi chỉ càng mau thì nón càng bền, càng đẹp. Vất vả là thế nhưng người dân Rục Kiều vẫn trân trọng nghề truyền thống của quê hương. Thời điểm nông nhàn là thời gian bà con dành cho công việc làm nón. Người làm nón thường tập trung thành nhóm năm, ba người, vừa ngồi khâu nón vừa trò chuyện rôm rả, tạo không khí vui vẻ, ấm cúng nơi làng quê. Những thời điểm mùa màng thất bát, người dân trong xóm, nhà nào cũng “khâu nón chạy gạo” - nghĩa là khâu nón đi bán rồi đong gạo về thổi cơm... Hiện nay, nhu cầu sử dụng chiếc nón lá không còn nhiều như trước. Số hộ làm nón lá trong xóm cũng đang giảm dần. Vào thời điểm này, chỉ những người lớn tuổi mới bám nghề. Nón lá bán chạy nhất vào những tháng hè, còn vào mùa mưa, tuy nón bán chậm hơn nhưng người dân ở đây quanh năm không khi nào hết việc. Nhiều gia đình nhờ làm nón kết hợp với làm ruộng mà cuộc sống ổn định, có điều kiện nuôi con ăn học thành đạt như gia đình các ông Phạm Văn Lân, Bùi Văn Bì, Phạm Văn Quyền… Nhiều gia đình có truyền thống làm nón lá lâu đời và đã tạo dựng được “thương hiệu” riêng như gia đình các ông bà Phạm Văn Lân, Phạm Văn Vang, Vũ Thị Chanh… Bà Vũ Thị Chanh, 73 tuổi, một thợ lành nghề và nổi tiếng khâu nón đẹp ở xóm, đã hơn 40 năm gắn bó với nghề khâu nón cho biết: Nghề này không nặng nhọc nhưng để có được chiếc nón đẹp đòi hỏi người làm phải khéo tay, tỉ mỉ. Trung bình một ngày, một người chỉ làm được 1-2 chiếc nón. Cũng theo bà Chanh và nhiều người thợ làm nón trong xóm, hiện nay để làm ra một chiếc nón không hề đơn giản. Mặc dù đã có cải tiến ở một số công đoạn để nâng cao năng suất, nhưng thu nhập từ nghề vẫn còn rất thấp. Mỗi chiếc nón bán cho người đến thu mua tận nơi là 45 nghìn đồng, còn nếu người dân đem bán thẳng ra thị trường thì với giá 50-55 nghìn đồng, trừ chi phí nguyên vật liệu khoảng 13-15 nghìn đồng/chiếc, bình quân thu nhập của người khâu nón ở đây chỉ khoảng 30-50 nghìn đồng/ngày. Mức thu nhập này so với giá một ngày công lao động hiện nay thì thấp nhưng công việc này nhẹ nhàng, phù hợp với tất cả mọi đối tượng lúc nông nhàn. Nón lá Rục Kiều được tiêu thụ ở một số chợ quanh vùng như chợ Trừng Nguyên (xã Ðiền Xá), chợ Cống (xã Nam Thắng), chợ Ðồng Phù (xã Hồng Quang), chợ Chùa (Thị trấn Nam Giang)…

Tuy còn gặp khó khăn trong quá trình gìn giữ và phát triển nghề truyền thống, nhưng người dân thôn Rục Kiều luôn tự hào khi thấy những chiếc nón lá - sản phẩm họ làm ra đang có mặt ở nhiều nơi trong tỉnh. Ngoài “chức năng” che nắng, che mưa thì chiếc nón còn như một thứ “trang phục” làm tăng thêm vẻ đẹp, nét duyên dáng của người phụ nữ. Chiếc nón gắn bó với người nông dân chân lấm tay bùn trong cái nắng chói chang trên đồng ruộng. Chiếc nón nghiêng che nụ cười toả nắng trên gương mặt người thôn nữ ẩn sau vành nón làm xao xuyến lòng người… Những lúc khó khăn, những người thợ làm nón lá tự động viên nhau, làm nón lá cũng có nghĩa là đang giữ gìn một nét văn hóa truyền thống của quê hương. Tuy nhiên, để nghề truyền thống phát triển bền vững, rất cần sự quan tâm của cấp ủy Ðảng, chính quyền địa phương trong việc quảng bá, tạo dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com