Ý Yên phát triển nuôi thủy sản nội đồng

08:06, 21/06/2017
Huyện Ý Yên có vị trí địa lý giáp với sông Đào và sông Đáy, là điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nuôi thủy sản nước ngọt. Đến nay, diện tích nuôi thủy sản toàn huyện đạt 1.176ha; sản lượng trung bình hằng năm đạt 4.500 tấn với các đối tượng nuôi chính là các loài cá truyền thống như trắm, chép, trôi, mè và một số đối tượng nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao như cá diêu hồng, trắm đen, rô đồng… 
Mô hình nuôi cá luồn lúa ở xã Yên Hồng.  Bài và ảnh: Thanh Hoa
Mô hình nuôi cá luồn lúa ở xã Yên Hồng. 

Để đạt được những hiệu quả trên, Phòng NN và PTNT huyện đã kết hợp với các xã tổ chức nhiều cuộc họp bàn, tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm từ các mô hình nuôi thủy sản trong và ngoài huyện; mời cán bộ chuyên môn về hướng dẫn, giúp đỡ các hộ nuôi thủy sản quy hoạch ao nuôi theo tiêu chuẩn, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi thả và phòng bệnh cho cá. Huyện đã quan tâm quản lý chặt chẽ quá trình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá nước ngọt, bảo đảm mở rộng diện tích theo đúng định hướng, tránh việc người dân nuôi tự phát, tràn lan, nhỏ lẻ, phá vỡ quy hoạch. Khuyến khích người dân hình thành những vùng nuôi thủy sản nước ngọt tập trung theo hướng bền vững, xa khu dân cư, không ảnh hưởng đến môi trường sống. Yên Chính là xã có vùng nuôi thủy sản ven đê đạt hiệu quả kinh tế cao. Nuôi thủy sản là một trong những nghề chính để người dân trong xã phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả, chất lượng cuộc sống. Toàn xã hiện có trên 100 hộ nuôi thủy sản nội đồng. Gia đình anh Tạ Văn Hoàn, xóm Tự Do là hộ nuôi thủy sản nội đồng lâu năm của xã. Anh Hoàn nuôi cá truyền thống đã được gần 20 năm, hiện nay anh Hoàn có diện tích nuôi thủy sản 5 mẫu. Mỗi năm trung bình gia đình anh thu hoạch được khoảng 8 tấn cá. Thị trường đầu ra khá ổn định, chủ yếu các thương lái trực tiếp đến thu mua. Anh Hoàn cho biết: “Nuôi thủy sản nội đồng dễ nuôi, ít bị dịch bệnh. Hơn nữa, nuôi cá tại các vùng nuôi tập trung chúng tôi cũng yên tâm hơn để phát triển nghề. Các hộ dân thuận lợi hơn trong việc chia sẻ kinh nghiệm về xử lý nguồn nước, cách phòng trị bệnh cho cá, cách chăm sóc đàn cá hiệu quả và hỗ trợ nhau trông coi, bảo vệ an ninh trật tự khu vực nuôi”. Ngoài diện tích nuôi thủy sản nội đồng tập trung ở vùng ven đê thuộc các xã Yên Hưng, Yên Thành, Yên Chính,… những năm gần đây, phương pháp nuôi cá - lúa cũng phát triển mạnh ở các xã Yên Hồng, Yên Quang… Phương pháp nuôi cá kết hợp với trồng lúa đang là một hướng đi mang tính bền vững của các hộ nuôi thủy sản vùng đồng trũng. Để thực hiện thành công, Phòng NN và PTNT huyện, Ban Nông nghiệp các xã, các đoàn thể thường xuyên hướng dẫn nông dân kỹ thuật chọn giống, thời điểm thả cá giống, chọn lúa thích hợp, kỹ thuật nuôi để đảm bảo chất lượng năng suất lúa và cá. Theo những hộ thực hiện phương pháp nuôi cá kết hợp trồng lúa, hiệu quả kinh tế của mô hình gấp 10 lần so với độc canh lúa do không tốn nhiều chi phí thức ăn, công chăm sóc cá và lúa. Tại xã Yên Hồng, địa phương thuộc vùng trũng của huyện, có nhiều diện tích chỉ cấy lúa được một mùa. Sau dồn điền đổi thửa, xã đã quy hoạch chuyển đổi 43,2ha ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển diện tích cá luồn lúa, cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Nguyễn Văn Nam, đội 6, xã Yên Hồng là một trong những người đầu tiên của xã thực hiện phương pháp cá luồn lúa. Trên 10 năm nuôi cá luồn lúa, mỗi năm trung bình ông Nam thu lãi được hơn 90 triệu đồng từ nuôi cá và hơn 6 triệu đồng từ lúa. Hơn nữa nuôi cá luồn lúa còn giúp hạn chế được côn trùng hại lúa, cỏ dại, ốc bươu vàng và các bệnh trên cây lúa do cá sử dụng nguồn thức ăn sẵn có trên đồng ruộng. Mặt khác, do yêu cầu nuôi cá nên việc sử dụng hóa chất chăm sóc và diệt sâu bệnh trên lúa cũng phải hạn chế để bảo đảm môi trường an toàn cho cá sống. Vì vậy sản phẩm lúa sạch, an toàn. Bên cạnh đó, mô hình nuôi cá lồng trên sông cũng đang là hướng đi mới, có khả năng nhân rộng và phát triển phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện. Hiện toàn huyện có hơn 30 lồng cá trên địa bàn xã Yên Phúc. Các hộ nuôi đều được cấp phép, hoạt động nuôi thả được sự quan tâm quản lý chặt chẽ bảo đảm sản xuất hiệu quả cũng như an toàn giao thông đường thủy, không vi phạm vào luồng tàu chạy cũng như hệ thống luồng tuyến cứu hộ. Vì nguồn vốn đầu tư nuôi cá lồng trên sông không nhỏ nên để giúp người nuôi mạnh dạn thực hiện mô hình này, ngoài những chính sách hỗ trợ trực tiếp, chính quyền địa phương còn tạo điều kiện cho người dân vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất. Với đa dạng các hình thức nuôi cá nước ngọt, những năm qua nghề nuôi thủy sản nội đồng của huyện Ý Yên không ngừng phát triển, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Trong thời gian tới, huyện Ý Yên sẽ chú trọng nghiên cứu sâu đặc điểm thực tiễn của từng xã để tiếp tục chỉ đạo mở rộng diện tích nuôi thủy sản nội đồng, đặc biệt tạo điều kiện để người dân đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng phát triển mô hình lúa cá, mô hình nuôi cá lồng trên sông, phát triển nuôi các loại cá truyền thống được thị trường ưa chuộng và các giống cá mới có hiệu quả kinh tế cao. Khuyến khích các hộ nuôi thủy sản áp dụng kỹ thuật nuôi theo hướng bán thâm canh và thâm canh để đạt năng suất cao./.
 
Bài và ảnh: Thanh Hoa

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com