Nhìn lại 5 năm công tác dạy nghề cho hội viên nông dân

08:06, 06/06/2017

Trong những năm qua, dưới sự quan tâm lãnh đạo của các cấp, các ngành, công tác dạy nghề cho hội viên nông dân đã từng bước đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực kỹ thuật cho thị trường lao động trong thời kỳ CNH-HĐH. Đặc biệt là từ sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1956) với mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Tỉnh ta là 1 trong 10 tỉnh trong cả nước được chọn làm thí điểm về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Với vai trò trung tâm và nòng cốt trong việc hỗ trợ nông dân, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh (HND tỉnh) được giao nhiệm vụ đào tạo nghề và tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân, giúp nông dân có kiến thức, kỹ năng, vốn, vật tư... để phát triển sản xuất. Nhằm đáp ứng yêu cầu về công tác đào tạo nghề, cơ sở vật chất của Trung tâm đã từng bước được đầu tư xây mới và đưa vào sử dụng phục vụ nhu cầu dạy và học của giáo viên và học viên. Trung tâm dạy nghề có cơ sở vật chất đồng bộ và khang trang, có khu học lý thuyết, thực hành với trang thiết bị dạy đạt chuẩn và khu ký túc xá cho học viên. Đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng của Trung tâm được tăng cường, có kinh nghiệm thực tiễn. Bên cạnh đó, Trung tâm có mạng lưới cán bộ tới cơ sở thường xuyên làm tốt công tác tư vấn, tuyển sinh, hỗ trợ cho người học sau học nghề. Kết quả, 5 năm qua, các cấp HND trong tỉnh đã phối hợp đào tạo nghề cho trên 10.573 hội viên nông dân và có trên 87% học viên sau đào tạo làm đúng nghề đã học. Trung tâm trực tiếp đào tạo trình độ sơ cấp nghề cho 6 nghề với 3.041 học viên. Bình quân hằng năm đào tạo được 600 lao động.

Nhờ tham gia lớp học nghề, gia đình ông Trần Văn Minh, hội viên nông dân xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) có điều kiện bổ sung kiến thức nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả.
Nhờ tham gia lớp học nghề, gia đình ông Trần Văn Minh, hội viên nông dân xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) có điều kiện bổ sung kiến thức nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả.

Quá trình thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã xuất hiện một số mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm hiệu quả và có thể nhân rộng trong toàn tỉnh như: nuôi trồng thủy sản; chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng rau sạch, nấm rơm, nấm Linh Chi; may công nghiệp; dạy nghề chăm sóc, uốn tỉa cây cảnh… Thông qua việc thực hiện đề án cho thấy công tác dạy nghề đã được quan tâm toàn diện hơn, từ công tác khảo sát nhu cầu người học đến đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở dạy nghề, từ công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên đến tạo điều kiện cho người học nghề theo học các lớp dạy nghề. Lao động nông thôn theo học các lớp dạy nghề trình độ sơ cấp không phải đóng học phí; đối với lao động thuộc diện hộ nghèo và thuộc diện chính sách được hỗ trợ tiền sinh hoạt, đi lại… Qua đó đã góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm sau đào tạo nghề. Cụ thể như trong lĩnh vực phi nông nghiệp có trên 80% lao động sau tốt nghiệp tìm được việc làm, riêng nghề may công nghiệp có trên 85% lao động sau tốt nghiệp đã tìm được việc làm tại các doanh nghiệp. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, trên 80% lao động sau khi học xong đã mạnh dạn áp dụng những kiến thức, kỹ năng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, tăng thu nhập. Hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn do HND đảm nhận đã góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng NTM của tỉnh; đến 2016, toàn tỉnh đã có 156 xã đạt chuẩn NTM, chiếm trên 71% số xã toàn tỉnh.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai công tác dạy nghề cho nông dân cũng còn gặp các khó khăn, vướng mắc. Đồng chí Tô Xuân Hiệp, Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết, học viên của Trung tâm đều là hội viên nông dân, trình độ người học nghề không đồng đều. Bên cạnh đó, một số lao động mặc dù sau khi được đào tạo vào làm việc trong các doanh nghiệp, thu nhập thấp đã ảnh hưởng đến tâm lý và định hướng nghề nghiệp cho hội viên nông dân; sản xuất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro bởi thiên tai, dịch bệnh, giá cả bấp bênh, không ổn định nên một bộ phận nông dân muốn chuyển nghề và có nhu cầu đào tạo để chuyển nghề khác. Trong khi quy định mỗi lao động chỉ được học nghề một lần nên việc đào tạo chuyển nghề cho nông dân không thực hiện được. Một khó khăn nữa là sau khi học nghề, một số hộ nông dân không có vốn để đầu tư phát triển sản xuất, gián tiếp tác động tiêu cực đến hiệu quả công tác dạy nghề.

Để công tác đào tạo nghề cho hội viên nông dân phát huy hiệu quả, thời gian tới Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh tiếp tục phối hợp với HND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác đào tạo nghề; các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho người học nghề tới cán bộ, hội viên nông dân nhằm nâng cao nhận thức về vai trò ý nghĩa của công tác đào tạo nghề đối với phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo. Phối hợp chặt chẽ làm tốt công tác tuyển sinh, chuẩn bị các điều kiện phục vụ tốt cho các lớp đào tạo nghề. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho hội viên nông dân sau khi học nghề được vay vốn thông qua các nguồn vốn do HND quản lý như: Quỹ Hỗ trợ nông dân, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm (vốn 120), vốn vay từ Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH… Cùng với đó, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nông dân, thường xuyên cung cấp thông tin thị trường cho nông dân, đồng thời là nơi kết nối cung cầu, là địa chỉ tin cậy để giới thiệu quảng bá những sản phẩm nông sản an toàn để tiêu thụ nông sản cho nông dân. Đổi mới phương pháp dạy, học sát với đặc thù của lao động nông thôn, với yêu cầu thực tiễn của cuộc sống, giúp nông dân tiếp cận với những công nghệ mới phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com