Mô hình chăn nuôi lợn sạch ở Trực Thái

08:06, 10/06/2017

Đến xóm 4, xã Trực Thái (Trực Ninh), hỏi về mô hình chăn nuôi lợn sạch, không ai là không biết đến anh Nguyễn Văn Thục. Chịu khó, dám nghĩ, dám làm và sáng tạo trong sản xuất đã mang lại cho gia đình anh thu nhập cao và ổn định. Anh là một điển hình trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương.

Mô hình chăn nuôi lợn sạch của gia đình anh Nguyễn Văn Thục, xóm 4, xã Trực Thái.
Mô hình chăn nuôi lợn sạch của gia đình anh Nguyễn Văn Thục,
xóm 4, xã Trực Thái.

Anh Thục sinh ra trong gia đình làm nông nghiệp. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 1992, anh trở về quê hương nhưng lúc đó, vốn liếng không có, cuộc sống khó khăn, anh phải lăn lộn với đủ thứ nghề để kiếm sống nhưng thu nhập chẳng được là bao. Năm 1995, sau nhiều lần 2 vợ chồng bàn bạc, anh nhận thấy hướng chăn nuôi lợn sạch với quy mô lớn theo phương pháp hữu cơ, vừa đảm bảo chất lượng, vừa an toàn vệ sinh thực phẩm là phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của gia đình. Được UBND xã và các tổ chức đoàn thể hỗ trợ, tạo điều kiện, anh được thuê gần 4.000m2 khu đất công đã để hoang nhiều năm. Thời gian đầu, vốn liếng 2 vợ chồng tích cóp được bao nhiêu đều đổ dồn vào xây dựng trang trại VAC. Ngoài ra, anh vay mượn thêm được anh em, gia đình, bạn bè để đầu tư. Nhưng vốn ít nên mới đầu, anh chỉ nuôi 40-50 con lợn, dần dần phát triển, đầu tư gối sóng, mở rộng quy mô chăn nuôi. Anh quy hoạch trang trại theo hướng đa dạng cây trồng, vật nuôi. Trong đó vừa đào 3 sào ao nuôi cá truyền thống, xây dựng gần 600m2 chuồng trại và vườn trồng hoa phong lan, trồng cây ăn quả (như: bưởi Diễn, chanh tứ thời) và cây dược liệu (đinh lăng, kim ngân…). Anh miệt mài đi khắp các nơi trong vùng để học hỏi kỹ thuật chăn nuôi và tìm hiểu, tham quan những mô hình, cách làm hay để áp dụng vào mô hình của gia đình. Trời không phụ lòng người, trang trại của gia đình anh ngày càng phát triển. Quy mô chăn nuôi mở rộng dần, số lượng đàn lợn tăng từ 50 đến 100 rồi 200-300 con. Từ năm 2010 đến nay, đàn lợn anh luôn duy trì với tổng đàn 400-500 con với thức ăn chủ yếu là cám gạo, cám ngô và bỗng rượu. Để mục đích giúp cơ thể của lợn tăng chất đề kháng, giúp lợn miễn dịch với các loại dịch bệnh, đảm bảo sản phẩm “lợn sạch” cung cấp đến người tiêu dùng, năm 2015, qua nghiên cứu tài liệu, sách báo, anh bắt đầu đưa thêm thảo dược vào khâu chế biến thức ăn. Anh đã đầu tư máy chế biến thức ăn chăn nuôi. Nguyên liệu chế biến chủ yếu gồm: ngô, cám gạo, cá khô, đậu tương và thảo dược (gồm: kim ngân, khổ sâm, hoa hồi, quế chi, hoàn ngọc). Theo anh Thục, khi đưa thêm thảo dược vào thức ăn, thảo dược có tác dụng phòng chống bệnh tật và giải độc, kháng khuẩn cho lợn. Thảo dược giải phóng được các kim loại nặng (sắt, đồng, kẽm) và thay cho kháng sinh. Bởi nếu quá trình tiêu thụ, tồn dư kim loại nặng trong lợn chưa giải phóng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Bình thường, giá bán thịt lợn sạch của gia đình anh chỉ cao hơn so với thịt lợn thường từ 8-10 nghìn đồng/kg. Mỗi con lợn bán ra trừ hết các chi phí, anh thu lãi khoảng 1-1,5 triệu đồng. Quá trình chăn nuôi anh đưa thêm men vi sinh trộn vào thức ăn được lấy men gốc chủng EM của Trường Đại học Nông nghiệp I (Hà Nội). Thức ăn dùng đến đâu chế biến đến đó nên giá thành giảm so với thị trường khoảng 1.000 đồng/kg trở lên mà giá bán lợn thịt vẫn cao hơn so với giá thị trường. Chẳng hạn như thời điểm hiện tại, giá lợn thịt trên thị trường đang có giá từ 20.000-22.500 đồng/kg lợn hơi nhưng lợn của trang trại gia đình anh vẫn xuất bán được với giá 35 nghìn đồng/kg trở lên.

Hiện tại, anh Thục đã xây dựng mô hình chăn nuôi lợn khép kín, quy mô diện tích gần 600m2, số lượng ổn định 400 con lợn với phương pháp chăn nuôi hữu cơ kết hợp thảo dược đã mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình. Thị trường cung cấp lợn sạch của gia đình anh chủ yếu ở Hà Nam, Hà Nội. Mỗi năm, tính riêng tiền bán lợn thịt, gia đình anh cũng có thu nhập từ 700-800 triệu đồng. Đặc biệt, trong năm 2015, mô hình nuôi lợn an toàn thực phẩm của anh Thục được tham gia dự án phát triển chăn nuôi lợn nạc theo hướng VietGAHP. Đây là một trong 5 mô hình trên toàn quốc được đưa vào thử nghiệm của Viện Nghiên cứu thủy lợi (Bộ NN và PTNT) về xử lý nước thải sau bi-ô-ga. Qua đánh giá của Viện cho thấy đã có kết quả tốt, nước thải từ hầm bi-ô-ga trong, nồng độ com-po-fom đạt ngưỡng cho phép. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh trực thuộc Sở NN và PTNT cũng đã 2 lần về kiểm định và kết luận thịt lợn của gia đình anh đạt tiêu chuẩn sạch, không có chất gây độc hại cho người tiêu dùng.

Chia sẻ về những dự định của mình, anh Thục cho biết: “Sắp tới gia đình tôi sẽ mở rộng thêm quy mô chăn nuôi lợn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, sẽ tích cực tuyên truyền cho bà con nông dân ở địa phương nhân rộng mô hình nuôi lợn kết hợp thảo dược nhằm cung cấp sản phẩm nông sản sạch đến tay người tiêu dùng”. Không giữ bí quyết làm giàu cho riêng mình, anh Thục còn chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn cho các thành viên tổ hợp tác của xã, từ cách chọn con giống đến cách chăm sóc, cách phòng bệnh. Bước đầu số lượng các hộ đầu tư chăn nuôi theo mô hình này ngày càng tăng, các thành viên trong tổ hợp tác đều có nguồn thu nhập ổn định. Không dừng lại ở đó, anh còn cải tạo ao hồ để đầu tư thả cá và cải tạo vườn tạp thành vườn cây lưu niên, tận dụng thức ăn thừa làm nguồn thức ăn cho cá, xử lý phân chăn nuôi làm nguồn phân bón cho các loại cây ăn quả trên vườn. Với một hệ thống giàn phun nước tiêu tự động, giảm bớt sức lao động vào trong sản xuất, hằng năm cây ăn quả đặc sản đã cho thu nhập kinh tế cao.

Có thể nói đây là một mô hình điển hình trong sản xuất nông nghiệp sạch theo chuỗi cần được nhân rộng, qua đó giúp người chăn nuôi an tâm mở rộng sản xuất đồng thời góp phần cho ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển bền vững./.

Bài và ảnh: Thanh Tuấn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com