Chuyển đổi ở vùng chiêm trũng Yên Phương

06:06, 17/06/2017
Xã Yên Phương (Ý Yên) nằm giáp sông Đáy, sản xuất nông nghiệp trước đây không được thuận lợi do đây là vùng đất trũng, quanh năm ngập úng nên đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, xã đã tích cực thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, đồng thời tìm biện pháp khắc phục những bất lợi do thiên tai trong sản xuất nên kinh tế nông nghiệp của xã có bước phát triển mạnh mẽ, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo và nâng cao thu nhập cho nông dân ở địa phương.
 
Theo chân đồng chí cán bộ Hội Nông dân (HND) xã, chúng tôi đã đi thăm vùng đất bãi và vùng chuyển đổi của Yên Phương. Đến đâu cũng thấy màu xanh bạt ngàn của rau màu các loại. Để khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, bám sát chỉ đạo của Đảng ủy, kế hoạch sản xuất của Ban Nông nghiệp xã, HND xã đã tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên nông dân đẩy mạnh chuyển dịch mùa vụ, cơ cấu giống, đưa các giống: BT7 kháng bạc lá, Nếp 97, D.ưu, Nhị ưu 838… có năng suất, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu sâu bệnh khá vào sản xuất và có quỹ đất mở rộng diện tích sản xuất trồng màu trên đất 2 lúa, tập trung vào những loại cây có giá trị kinh tế cao như: khoai tây, cà chua, bí xanh, rau màu các loại… Trong đó, ở vùng diện tích đất nông nghiệp nằm ngoài đê bối, sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào mực nước lên xuống của sông Đáy, không chủ động được tưới tiêu, nông dân nơi đây tận dụng, chủ động lựa chọn gieo trồng sớm các cây rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày, có năng suất và giá trị kinh tế cao, đảm bảo thu hoạch trước mùa mưa bão nhằm tăng thêm thu nhập. Các công thức luân canh, xen canh, gối vụ ngô, lạc, hành, tỏi… từ nhiều năm nay luôn cho người nông dân vùng đất bãi thu nhập bình quân từ 40-50 triệu đồng/ha. Cùng với hàng trăm hộ dân khác trong xã, gia đình chị Nguyễn Thị Hợp, thôn Cổ Đam, xã Yên Phương cũng đang thu hoạch hơn 2 sào rau màu. Chị Hợp phấn khởi cho biết: vụ rau năm nay không chỉ được mùa mà còn được giá, do sản xuất sớm nên rau của gia đình bán được giá cao, bình quân mỗi sào thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng. Theo lãnh đạo xã Yên Phương, năm nay, toàn xã đang sản xuất 30ha rau màu các loại, riêng vùng đất bãi có trên 3ha. Đây chính là diện tích UBND xã đã vận động bà con chuyển đổi từ các vùng sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu. Đồng chí Đinh Văn Thuấn, Chủ tịch HND xã cho biết, sắp tới, xã sẽ tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi một số diện tích nữa sang trồng rau màu, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ nông dân. 
Chị Nguyễn Thị Hợp, thôn Cổ Đam, xã Yên Phương với mô hình trồng rau màu cho thu nhập 3-4 triệu đồng/sào.
Chị Nguyễn Thị Hợp, thôn Cổ Đam, xã Yên Phương với mô hình trồng rau màu cho thu nhập 3-4 triệu đồng/sào.
Bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp của Yên Phương là việc xã quy hoạch, chuyển đổi thành công hơn 60ha diện tích vùng cấy lúa kém hiệu quả và những diện tích thùng đào, thùng đấu ven đê để phát triển các mô hình trang trại, gia trại tổng hợp. Để phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm của người nông dân, xã khuyến khích các hộ nông dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nuôi thủy sản, cải tạo vườn tạp trồng màu, mở rộng mô hình lúa - cá theo quy mô trang trại, gia trại tập trung… Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho nông dân vay vốn của Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH. Bên cạnh đó, HND xã thường xuyên phối hợp với các Trung tâm dạy nghề của tỉnh, của huyện tổ chức các lớp đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản, giới thiệu giống cây, con mới năng suất, chất lượng cao cho bà con nông dân. Hiện các khu vực chuyển đổi tập trung ở Yên Phương đã hình thành hàng chục trang trại có hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhiều hộ nông dân. Điển hình như trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm của gia đình anh Phạm Văn Dục, hội viên nông dân Chi hội thôn Phù Cầu là một trong những trang trại có quy mô lớn của xã. Anh Dục cho biết, được xã tạo điều kiện cho chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang phát triển kinh tế trang trại, gia đình anh đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng nuôi gà siêu trứng. Toàn bộ đàn gà của trang trại đều là giống gà Ai Cập, tỷ lệ đẻ trứng bình quân đạt 60% trở lên. Để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gà, anh luôn thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin. Công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng bên trong và ngoài chuồng trại được thực hiện định kỳ. Mỗi ngày gia đình anh xuất bán từ 1.500-1.800 quả trứng, doanh thu bình quân khoảng 10-12 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, tận dụng vùng đất bãi rộng lớn, thuận lợi cho chăn thả nên chăn nuôi trâu, bò đang trở thành “mũi nhọn” trong phát triển kinh tế của Yên Phương. Diện tích mặt nước trên địa bàn cũng được khai thác triệt để phát triển nuôi thủy sản theo mô hình trang trại, gia trại tổng hợp. Ngoài các loại cá truyền thống, các hộ nông dân đã nuôi rộng rãi các loại cá trắm cỏ, cá rô phi… cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Nguyễn Văn Hải, thôn Cổ Hương là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi canh tác ở địa phương. Ông Hải chia sẻ, gia đình có 1ha ruộng nằm hoàn toàn trong vùng trũng. Trước đây, diện tích sản xuất này cấy 2 vụ lúa nhưng cho thu nhập bấp bênh. Năm 2006, ông quyết định chuyển đổi sang mô hình đa canh cấy 1 vụ lúa xen canh với thả cá truyền thống và chăn nuôi gia cầm. Toàn bộ diện tích 1ha được cải tạo quy củ thành nhiều ô, thửa. Phần trên bờ, ông quây gọn để nuôi 500 con vịt. Hằng năm, tổng doanh thu từ nuôi cá, trồng lúa và nuôi vịt của gia đình đạt trên 200 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế của mô hình mang lại cao gấp hàng chục lần so với cấy lúa trước đây. 
 
Với chủ trương đúng đắn, bước đi phù hợp trong đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, một thời gian không xa nữa, xã vùng trũng Yên Phương sẽ cán đích xây dựng NTM. Đây là hướng đi đúng có thể áp dụng rộng rãi cho các xã vùng trũng của Ý Yên. Kết quả này mở ra triển vọng mới cho những vùng đất trũng giải quyết được hai tiêu chí khó nhất trong xây dựng NTM đó là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đa canh và tăng thu nhập cho người dân… góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giúp người dân làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương./.
 
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com