Tiếp tục thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm, đồ uống

05:05, 13/05/2017
Công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm (LTTP) và đồ uống là 1 trong 6 ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh ta. Hiện nay, sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến LTTP, đồ uống trong tỉnh ngày càng đa dạng gồm: bia, rượu, thịt, tôm đông lạnh, bánh kẹo, nước mắm…, từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Sản xuất, chế biến LTTP và đồ uống phát triển đã góp phần quan trọng thúc đẩy tiêu thụ nông sản hàng hoá cho nông dân trong tỉnh, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại nhiều địa phương. Theo báo cáo của Sở Công thương, trong năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, các sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp chế biến LTTP và đồ uống của tỉnh ta đều đạt tốc độ tăng trưởng cao, trong đó có một số sản phẩm tiêu biểu là thịt lợn đông lạnh, bánh kẹo, nước mắm, gạo xay xát. 
Chế biến thịt lợn sữa xuất khẩu tại Cty CP Chế biến nông sản xuất khẩu Nam Định.
Chế biến thịt lợn sữa xuất khẩu tại Cty CP Chế biến nông sản xuất khẩu Nam Định.
Để đạt được kết quả trên, ngoài những cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện của Trung ương và của tỉnh, nhiều địa phương trong tỉnh như các huyện: Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Thành phố Nam Định... đã xác định phát triển ngành công nghiệp chế biến LTTP là một trong những hướng phát triển đột phá để thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ chủ trương đó, để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, các huyện đã chủ động định hướng, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở chế biến LTTP, đồ uống đầu tư các thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Hải Hậu chủ trương phát triển ngành công nghiệp chế biến thành ngành trọng điểm, trong đó mũi nhọn là công nghiệp chế biến LTTP như: chế biến thủy hải sản; sản xuất thức ăn chăn nuôi; chế biến rau quả; sản xuất và chế biến muối… Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có 37 doanh nghiệp và 3.145 cơ sở, hộ gia đình hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, phân bố đồng đều tại hầu khắp các xã, thị trấn, tạo việc làm cho gần 11 nghìn lao động nông thôn; đóng góp đến gần 70% giá trị sản xuất CN-TTCN toàn huyện. Nghề chế biến thủy, hải sản, chế biến muối phát triển mạnh ở các địa phương ven biển như: Hải Hòa, Hải Chính và Thị trấn Thịnh Long… Tại Thị trấn Thịnh Long hiện có 3 doanh nghiệp, 6 cơ sở chế biến thủy sản theo phương pháp cổ truyền với các sản phẩm chính là: nước mắm, mắm tôm, sứa... Cty TNHH Thịnh Long đã đầu tư dây chuyền hấp sấy liên hoàn để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất, tiêu thụ từ 250-300 nghìn tấn cá nguyên liệu, phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. Cty TNHH Vạn Hoa mỗi tháng sản xuất trên 20 nghìn lít nước mắm, 3-4 tấn mắm tôm, 4-5 tấn sứa. Sản phẩm của Cty không chỉ được ưa chuộng ở thị trường trong tỉnh mà các sản phẩm sứa ăn liền, nộm sứa mang thương hiệu Vạn Hoa đã được bày bán tại hệ thống siêu thị Metro ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long… Là địa phương có thế mạnh về thâm canh lúa với đặc sản gạo tám xoan Hải Hậu nổi tiếng, Hiệp hội gạo tám xoan Hải Hậu, Cty CP Song Phương (xã Hải Chính) đã đầu tư dây chuyền chế biến lúa gạo khép kín, công suất 20-25 tấn/giờ, 2 máy hút bụi, 1 bộ máy sàng lọc sạn và 3 kho thóc với tổng mức đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng. Nhờ đó, sản phẩm gạo thương phẩm của Cty luôn bảo đảm độ trắng và đồng nhất, tỷ lệ gạo nguyên hạt cao, chất lượng bề mặt hạt gạo tốt, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, doanh thu hằng năm đạt từ 40-50 tỷ đồng, tạo việc làm, thu nhập cho 22 lao động. Cũng là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành công nghiệp chế biến LTTP, từ nhiều năm qua, huyện Nghĩa Hưng cũng chú trọng phát triển các lĩnh vực chế biến nông sản, thủy sản với nhiều mũi nhọn như: chế biến gạo, sản xuất bún, miến, bánh đa từ gạo và bột dong; chế biến thủy sản (sản xuất nước mắm, mắm tôm). Nghề chế biến thủy, hải sản phát triển mạnh ở các xã: Nghĩa Thắng, Nghĩa Hải, Nghĩa Bình và Thị trấn Rạng Đông… Ngoài làng nghề chế biến miến dong, miến gạo ở xóm 13, 14 xã Nghĩa Lâm, toàn huyện còn có gần 30 hộ chuyên sản xuất các loại bún khô, bánh phở khô và hàng chục dây chuyền xay xát, chế biến gạo nằm rải rác ở các xã, thị trấn: Liễu Đề, Nghĩa Sơn.  Cty TNHH Thương mại Đương Báu, xã Nghĩa Sơn có dây chuyền xay xát hiện đại với năng lực sản xuất 20-22 tấn thóc/ngày, hệ thống kho chứa 700 tấn. Sản phẩm gạo thương phẩm của Cty luôn bảo đảm trắng và đồng nhất, tỷ lệ gạo nguyên hạt cao, chất lượng bề mặt hạt gạo tốt, tỷ lệ gạo/thóc đạt 65%, tỷ lệ tấm dưới 3% và 3 đầu xe tải để vận chuyển hàng. Cty đã trở thành đối tác cung cấp nguyên liệu của nhiều doanh nghiệp lớn như Cty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội, Cty CP Bia NaDa… và cung ứng nguyên liệu cho hàng trăm hộ làm miến gạo, bún khô, bánh phở khô trên địa bàn huyện. Ở huyện Giao Thủy, nhiều doanh nghiệp, cơ sở chế biến thực phẩm tại các xã Bạch Long, Giao Hải… đã nỗ lực huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay, xã Bạch Long đã phát triển được 8 doanh nghiệp, hàng chục cơ sở chế biến thực phẩm trong đó có 3 Cty chế biến thủy hải sản, 5 Cty chế biến muối với các sản phẩm chính là muối sạch, bột canh i-ốt, muối công nghiệp… Bên cạnh các doanh nghiệp chế biến LTTP từ nguyên liệu nông, thủy sản, các doanh nghiệp sản xuất đồ uống đã nỗ lực đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, không ngừng nâng cao năng lực quản lý để phát triển sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Với các dòng sản phẩm chính là bia hơi, bia đóng chai, nước uống tinh khiết, các Cty CP Bia NaDa, Cty CP Bia Hà Nội - Nam Định (TP Nam Định), Cty CP Bia ong Xuân Thuỷ (Xuân Trường), Cty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Nam Định (TP Nam Định), Doanh nghiệp tư nhân Tuyết Thanh (KCN Hòa Xá)… đã tạo dựng được thương hiệu, khẳng định vị thế trên thị trường. Cty CP Bia NaDa luôn giữ được thị trường tiêu thụ ổn định nhờ thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm như: đầu tư dây chuyền đóng chai tự động, phát huy các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, chủ động nguồn nguyên liệu, thay đổi mẫu mã, cách thức đóng gói sản phẩm…, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Với khoảng 600 đại lý cấp 1, sản phẩm của Cty đã được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong tỉnh và các tỉnh: Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Hưng Yên, Phú Thọ… Cty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Nam Định đã đầu tư dây chuyền sản xuất nước uống tinh khiết theo công nghệ của Mỹ, công suất 1.000 lít/giờ. Sản phẩm nước uống tinh khiết Thiên Trường của Cty được sản xuất theo phương pháp lọc thẩm thấu ngược, thanh trùng bằng ô-zôn và tia cực tím, được kiểm soát bởi hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 với 3 loại sản phẩm chính: bình dung tích 20 lít, các loại chai dung tích 300ml, 500ml và được Sở Y tế chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP; phù hợp quy chuẩn kỹ thuật QCVN 6-1:2010/BYT (Quy chuẩn quốc gia đối với nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai). 
 
Theo tính toán của chuyên gia kinh tế thì mỗi sản phẩm hàng hóa chế biến từ nguồn nông sản tại chỗ do địa phương sản xuất góp phần ổn định sản xuất và nâng lãi suất lên 300% so với việc bán nguyên liệu thô. Phát triển chế biến nông sản còn là giải pháp hữu hiệu góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, gia tăng giá trị. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành công nghiệp chế biến LTTP, đồ uống của tỉnh ta vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư nguồn vốn lớn, công nghệ sản xuất hiện đại, khép kín để sản xuất ra khối lượng hàng hóa quy mô lớn; ở nhiều địa phương chưa tận dụng tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển ngành công nghiệp chế biến LTTP, đồ uống... Để giữ vững vị thế ngành công nghiệp chủ lực và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và toàn tỉnh, ngoài các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh và các ngành chức năng, các doanh nghiệp ngành chế biến LTTP, đồ uống cần tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực quản lý, lắp đặt thiết bị hiện đại để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp tục phát triển nguồn nguyên liệu tại chỗ theo hướng đa dạng hoá sản phẩm, chú trọng chế biến các sản phẩm xuất khẩu. Đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các cơ sở lớn trong nước và nước ngoài để mở rộng thị trường. Chú trọng áp dụng các tiêu chuẩn ATVSTP trong sản xuất và tiêu thụ gắn với bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững./.
 
Bài và ảnh: Thành Trung


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com