Phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Hướng đi tất yếu

05:05, 13/05/2017
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang trở thành một xu hướng tất yếu tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Đây là một trong những thành tựu của khoa học công nghệ phục vụ đời sống, đồng thời là giải pháp tích cực bảo vệ môi trường, giảm diện tích sản xuất nông nghiệp, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, chuyển dịch lao động nông nghiệp sang phục vụ các lĩnh vực khác… Trên địa bàn tỉnh, hiện nay đã xuất hiện những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với các phương thức sản xuất khác nhau.
 
Mới đây, chúng tôi có dịp đến thăm mô hình trồng rau hữu cơ tại xã Yên Cường (Ý Yên), đây là mô hình đầu tiên trên địa bàn tỉnh do HTXNN đứng ra thuê lại ruộng đất của nông dân, ký kết hợp tác với doanh nghiệp tổ chức sản xuất và thu mua lại toàn bộ sản phẩm. Mô hình bắt đầu từ vụ xuân năm 2017 do 2 HTXDVNN Nam Cường và Bắc Cường thực hiện với tổng diện tích 7ha, trong đó diện tích trồng rau cải bó xôi là 3ha, diện tích trồng hành hoa là 4ha. Cty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) là đơn vị bao tiêu toàn bộ sản phẩm, cung ứng giống, hướng dẫn quy trình canh tác. Mô hình được tổ chức sản xuất theo quy trình sản xuất rau an toàn, trong đó sử dụng hoàn toàn phân chuồng hoai mục (phân hữu cơ) nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đất được xử lý kỹ trước khi trồng, rau thương phẩm không còn tồn dư các thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép theo chương trình hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa tỉnh Mi-a-gia-ki (Nhật Bản) với tỉnh Nam Định. Hiện nay, các sản phẩm đã cho thu hoạch, đạt năng suất và chất lượng tốt, đảm bảo mẫu mã. Giá trị sản xuất ước tính cao gấp 3 lần trồng lúa, rau màu thông thường. Sản phẩm chủ yếu được Cty Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Đây là mô hình điểm để các địa phương học tập. Từ đầu năm 2016, tỉnh đã hỗ trợ Cty VinEco thuộc Tập đoàn Vingroup tích tụ gần 140ha đất bãi Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) để triển khai dự án đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay, Cty đã hoàn thành cơ bản việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật như: đường giao thông, nhà kính, nhà lưới… Cty trồng 116ha rau củ, trong đó có 5ha nhà lưới trồng các loại rau ăn lá; 2ha nhà màng trồng một số loại rau như: bắp cải, cà chua; 109ha ngoài trời sản xuất rau ăn lá, rau ăn quả các loại theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Dự án áp dụng các công nghệ nhà màng, nhà lưới của Nhật Bản, Ít-xra-en; công nghệ tưới tiêu tự động của Ít-xra-en, trong đó 50ha áp dụng hệ thống tưới phun mưa, 40ha tưới nhỏ giọt; công nghệ cơ giới hóa, tự động hóa của Nhật Bản, Hàn Quốc, Ít-xra-en. Đồng thời sử dụng hệ thống giám sát môi trường, đất, nước, không khí và sinh trưởng cây trồng của Nhật Bản, Hàn Quốc, Ít-xra-en. Mỗi ngày, sản lượng rau, củ, quả đạt 7-10 tấn phục vụ cho chuỗi hệ thống siêu thị VinMart, VinMart+ của Tập đoàn Vingroup, mang lại thu nhập ổn định từ 3,5-6 triệu đồng/tháng tùy theo vị trí việc làm cho gần 300 công nhân. Năm 2017, ngoài việc duy trì diện tích đang sản xuất, Cty có kế hoạch xây dựng thêm 1ha nhà màng theo công nghệ Việt Nam; 2ha nhà màng áp dụng các công nghệ
hiện đại của Pháp; 1ha nhà vòm chống bão để đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ vụ đông năm 2015, Cty CP Dược phẩm Hoa Thiên Phú đã liên kết với các xã Hoàng Nam, Nghĩa Minh, Nghĩa Phong, Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng) thực hiện mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ cây dược liệu với quy mô 23ha. Mô hình đầu tư áp dụng theo tiêu chí GACP-WHO “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, đảm bảo tiêu chuẩn có chất lượng tốt, an toàn và hiệu quả. Theo Cty, sau hơn 1 năm triển khai, mô hình đã góp phần phát triển vùng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO, đồng thời mang lại thu nhập cao gấp 2-3 lần so với cấy lúa và ổn định cho người nông dân.
tham quan dự án đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại vùng đất bãi xã Xuân Hồng (Xuân Trường) của Cty VinEco thuộc tập đoàn Vingroup.
Tham quan dự án đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại vùng đất bãi xã Xuân Hồng (Xuân Trường) của Cty VinEco thuộc Tập đoàn Vingroup.
Ngoài các mô hình kể trên, hiện trên địa bàn tỉnh còn một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao khác như: mô hình trồng rau công nghệ cao của Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng (Trực Ninh) với 4ha trồng rau hữu cơ thủy canh, 1ha nhà màng công nghệ Thái Lan, áp dụng công nghệ tưới phun sương, nhỏ giọt của Ít-xra-en; mô hình sản xuất hoa và rau an toàn trong nhà lưới áp dụng công nghệ tưới Ít-xra-en của anh Trần Trọng Việt, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc)… Đây là những mô hình rõ nét về ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất nông nghiệp. Theo đánh giá của Sở NN và PTNT, mặc dù các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo hướng áp dụng công nghệ cao đã đạt được một số kết quả bước đầu về hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường, nhưng trong quá trình vận hành còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc như đất đai, tài chính, chính sách… Trên địa bàn tỉnh hiện chưa có các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; những mô hình ứng dụng còn ít, chưa đồng bộ từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta vẫn còn ở mức thấp. Trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, rào cản lớn nhất đối với tỉnh ta hiện nay là tình trạng tự phát, đặc thù sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, quy mô nông hộ là chủ yếu; tiềm lực khoa học, công nghệ như nhân lực, nguồn vốn, máy móc, trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật… còn thấp; chưa có chính sách riêng hỗ trợ thiết thực, rõ nét khuyến khích lĩnh vực này. Ngoài những trở ngại trên thì tình trạng thiếu hiểu biết về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của nông dân cũng đang là một thách thức không nhỏ đối với tỉnh. Để phát huy tiềm năng, thế mạnh trong phát triển nông nghiệp, tỉnh xác định tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là một nhiệm vụ, nội dung quan trọng, cốt lõi trong tổng thể xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân. Trong thời gian qua, Sở NN và PTNT đã và đang tích cực tham mưu cho UBND tỉnh đánh giá thực trạng phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh và đề xuất các chính sách khuyến khích các thành phần đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Từ thực tiễn của tỉnh trong thời gian qua và bài học kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp công nghệ cao của một số địa phương, tỉnh đã có định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ban hành cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm sản xuất các loại sản phẩm chất lượng, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước và hướng tới xuất khẩu.
 
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là mục tiêu mà tỉnh đang hướng tới nhằm tạo ra những bước đột phá mới trong sản xuất và làm cơ sở chuyển nhanh nền nông nghiệp theo hướng CNH-HĐH. Chỉ khi các khu nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh hình thành và phát triển mạnh, nông nghiệp tỉnh ta mới trở thành nền nông nghiệp hiện đại, hữu cơ, an toàn và bền vững…
 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com