Ngành Nông nghiệp chủ động các phương án phòng chống thiên tai

06:05, 11/05/2017
Theo dự báo, mùa mưa bão, lũ năm 2017 thời tiết, thủy văn tiếp tục có diễn biến phức tạp và khó lường. Nền nhiệt độ trong các tháng mùa mưa bão ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm và nắng nóng có khả năng gay gắt hơn năm 2016. Đề phòng bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn cục bộ xuất hiện sớm hoặc muộn bất thường; mực nước trên các sông vào các tháng cuối vụ ở mức thấp, xâm nhập mặn sâu vào trong sông gây thiếu hụt nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Do vậy, ngành NN và PTNT đã và đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó nhằm bảo vệ sản xuất và người, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
 
Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT-TKCN) tỉnh, Sở NN và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch công tác PCLB, giảm nhẹ thiên tai; tổ chức kiểm tra, đôn đốc các địa phương, các ngành xây dựng kế hoạch ứng phó với các tình huống thiên tai cơ bản. Đôn đốc triển khai thực hiện công tác PCLB theo kế hoạch; kiểm tra đánh giá hiện trạng đê điều trước, trong và sau lũ bão. Tham mưu cho BCH PCTT-TKCN tỉnh duyệt phương án bảo vệ trọng điểm PCLB cấp tỉnh, phương án hộ đê toàn tuyến. Biên soạn tài liệu, tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác PCTT-TKCN; phân công cán bộ kỹ thuật theo dõi địa bàn, tham mưu giúp BCH PCTT-TKCN tỉnh, huyện, thành phố triển khai công tác PCLB và khắc phục hậu quả thiên tai. Các Hạt Quản lý đê phối hợp với các Phòng NN và PTNT tham mưu cho UBND các huyện, thành phố kiểm tra phát hiện và đề xuất biện pháp xử lý những sự cố về đê, kè, cống. Sở NN và PTNT hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, các cấp địa phương xây dựng, phê duyệt kế hoạch ứng phó với các tình huống sự cố vỡ đê, đập; bão, áp thấp, lũ, lụt… Tổng hợp xây dựng kế hoạch của tỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt. Chủ động kiểm kê vật tư dự trữ tại các kho bãi phân bố trên địa bàn các huyện, thành phố; mua bổ sung dự trữ các loại: rọ thép, bao ni-lông, bạt chống tràn, vải lọc…; điều chuyển tập kết vật tư PCLB thiết yếu tại những đoạn đê, kè xung yếu. Phối hợp với Ban Chỉ đạo Dự án Rừng và Đồng bằng, Hội Chữ thập đỏ tỉnh triển khai tập huấn, diễn tập kỹ thuật xử lý sự cố rủi ro thiên tai; đào tạo huấn luyện các đội ứng phó nhanh ở cấp cộng đồng tại một số xã ven biển. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT chỉ đạo Chi cục Thủy lợi hướng dẫn các tổ chức, cá nhân lập thủ tục xin cấp phép và giám sát thực hiện các hoạt động có liên quan đến an toàn đê điều, thoát lũ; thường xuyên có văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện Chỉ thị 14 của UBND tỉnh và đơn vị liên quan kiểm tra việc thực hiện pháp luật về đê điều và PCLB; phát hiện, lập biên bản đình chỉ, đề xuất biện pháp kiến nghị chính quyền các địa phương xử lý vi phạm.
Hoàn thiện công trình trọng điểm phòng chống thiên tai, cống số 4 trên tuyến đê biển qua xã Hải Chính (Hải Hậu).
Hoàn thiện công trình trọng điểm phòng chống thiên tai, cống số 4 trên tuyến đê biển qua xã Hải Chính (Hải Hậu).
Toàn tỉnh có 75,5 nghìn ha diện tích đất trồng lúa và  trên 12 nghìn ha đất trồng màu. Hiện nay, công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi gặp nhiều khó khăn do nhiều công trình xây dựng từ lâu đã xuống cấp, đặc biệt là các công trình đầu mối như một số trạm bơm điện được xây dựng và vận hành phục vụ sản xuất đã trên 30 năm, thiết bị máy móc hư hỏng, hiệu suất bơm thấp. Còn rất nhiều cống xây dựng trước năm 1970 đã hư hỏng, xuống cấp, cống ngắn hơn so với mặt cắt đê. Một số cửa cống, các kênh tưới, tiêu bị bồi lấp nhiều, việc nạo vét hạn chế. Năng lực hệ thống thủy lợi còn thấp so với yêu cầu sản xuất, hệ số tưới, tiêu thấp hơn so với thiết kế. Mặt khác, do các giống lúa cao cây, thời gian sinh trưởng dài đã được thay bằng các giống lúa thấp cây, thời gian sinh trưởng ngắn, quy trình thâm canh cao. Do vậy, yêu cầu tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp ngày càng cao và điều kiện đảm bảo khắt khe hơn. Bên cạnh đó, việc phát triển các khu công nghiệp, đô thị, công trình giao thông... cũng ảnh hưởng lớn đến tiêu úng trong mùa mưa bão. Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi chưa được xử lý kịp thời và dứt điểm. Trước tình hình trên, Sở NN và PTNT đôn đốc các Cty một thành viên KTCTTL thực hiện nghiêm phương án phòng chống úng, hạn; quy trình vận hành hệ thống; quy trình vận hành các cống trong mùa lụt bão; đôn đốc các địa phương tiến hành hoành triệt các cống xung yếu như: cống Tây Vĩnh Trị đê tả sông Đáy (Ý Yên), cống Thanh Hương đê biển xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng), cống Dây 14 đê tả sông Sò Thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy)… xong trước ngày 30-4-2017. Trong chiến dịch thủy lợi nội đồng vụ đông xuân 2016-2017, các địa phương và các Cty KTCTTL đã tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi; mua sắm thêm các thiết bị máy móc, đồng thời tổ chức ra quân nạo vét kênh mương, củng cố bờ vùng, bờ thửa. Kết quả, toàn tỉnh đã nạo vét 44 cửa cống, 53 bể hút các trạm bơm, 21 kênh cấp I, 197 kênh cấp II, 6.968 kênh cấp III, 3.799 kênh khoảnh và bờ vùng với tổng khối lượng đào đắp gần 2 triệu m 3. Hiện công tác chuẩn bị đối với tất cả các công trình, máy móc, thiết bị cấp thiết đã xong và sẵn sàng vận hành hết công suất phục vụ tốt cho công tác phòng chống úng, hạn, phương án tưới - tiêu đáp ứng yêu cầu của sản xuất và PCLB. Khu vực ven biển tỉnh ta có 15 xã và 3 thị trấn thuộc 3 huyện: Giao Thuỷ, Hải Hậu và Nghĩa Hưng, có trên 1.000 đầm nuôi trồng thủy, hải sản; 900 lều, chòi trông coi đầm, bãi ngoài đê. Toàn tỉnh có trên 2.000 tàu, thuyền khai thác thủy sản với gần 5.600 lao động trực tiếp trên biển. Do vậy, việc đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia khai thác, nuôi trồng thủy sản là hết sức khó khăn, phức tạp. Thực hiện quy định về PCTT-TKCN, Sở NN và PTNT đã sớm kiện toàn BCH PCTT-TKCN chuyên ngành thủy sản. 
 
Chủ động, tích cực triển khai các phương án PCTT, ngành NN và PTNT quyết tâm nỗ lực đảm bảo khả năng ứng phó, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra khi mùa mưa bão đang đến gần./.
 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com