Khẩn trương xử lý tình trạng tăng giá cát, sỏi bất thường

08:05, 15/05/2017
Thực trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn toàn quốc gây ra nhiều hệ lụy khôn lường về môi trường, tài nguyên, làm thất thoát nguồn thu, rối loạn thị trường vật liệu xây dựng. Từ đầu tháng 4-2017 đến nay, giá cát trên thị trường cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng đã biến động mạnh, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, giao thông bị ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trước thực trạng đó, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra, rà soát và xử lý mạnh tay những đối tượng khai thác cát sỏi trái phép, nhằm lập lại trật tự trong khai thác và ổn định thị trường vật liệu xây dựng.
 
Hiện trên địa bàn Thành phố Nam Định và một số địa bàn có lượng tiêu thụ cát, sỏi mạnh như Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy, giá cát tăng 30-40%. Tại địa bàn thành phố, giá cát xây dựng dao động từ 160-180 nghìn đồng/m 3; giá cát trộn bê tông dao động từ 450-500 nghìn đồng/m 3. Ông Nguyễn Văn Sỹ, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng tại 266 đường Điện Biên (TP Nam Định) cho biết: “Từ trung tuần tháng 4 trở lại đây, giá cát tăng nhanh và biến động liên tục. Do bắt đầu vào mùa xây dựng nên giá cát dù đắt hơn so với cùng kỳ các năm nhưng nhiều hộ vẫn phải chấp nhận mua vì hàng khan hiếm”. Trước thực trạng giá cát, sỏi leo thang từng ngày, nhiều doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng đang bất an, bởi giá vật liệu xây dựng tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu, lợi nhuận của đơn vị, đặc biệt đối với các công trình dự án đã ký hợp đồng thi công, thỏa thuận giá vật liệu xây dựng vào cuối tháng 3 vừa qua.
Khai thác và vận chuyển cát trên sông Đáy tại điểm mỏ ở xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng).  Bài và ảnh: Đức Toàn
Khai thác và vận chuyển cát trên sông Đáy tại điểm mỏ ở xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng). 
Là một trong những đơn vị cung ứng bê tông tươi có thương hiệu trên địa bàn tỉnh, Cty TNHH một thành viên Bê tông dự ứng lực Tân Phú cũng gặp nhiều khó khăn trước tình trạng biến động giá cát, sỏi hiện nay. Mặc dù, đơn vị cũng đã chủ động nắm bắt, theo dõi biến động của giá cát và có phương án tích trữ vật liệu xây dựng từ đầu năm, song với tốc độ tăng nhanh, liên tục khiến đơn vị gặp nhiều khó khăn, phải tính đến việc cơ cấu lại giá thành xây dựng. Theo ông Hoàng Quốc Hùng, Giám đốc Cty cho biết: “Giá cát tăng đột biến nên chúng tôi phải điều chỉnh lại giá thành một số sản phẩm với mức dao động từ 90 đến 100 nghìn đồng/m 3. Hiện tại, Cty vẫn nỗ lực duy trì mối liên kết đầu vào với các đơn vị cung cấp khai thác cát, sỏi cũ để đảm bảo nguồn cung ứng vật liệu xây dựng đầy đủ, đáp ứng chỉ tiêu 4 triệu m 3 bê tông thương phẩm/tháng”. Cùng chung nỗi lo do giá vật liệu xây dựng tăng cao, anh Nguyễn Trần Hưng, Giám đốc Cty CP Xây dựng Giao Thủy (Giao Thủy) cho biết: “Cuối năm 2016 và đầu năm 2017, đơn vị đã trúng thầu một số công trình xây dựng, sửa chữa các trường học, trụ sở làm việc và đường giao thông nông thôn, khu đô thị mới trung tâm Thị trấn Ngô Đồng và đang triển khai thi công. Với giá cát vẫn ở mức cao như hiện tại thì các cơ quan, ban, ngành, các địa phương, các doanh nghiệp, nhà thầu thi công trên địa bàn tỉnh cần thống nhất, bàn tính phương án điều chỉnh giá vật liệu, bù lỗ về giá cát cho phù hợp, hạn chế thiệt thòi cho doanh nghiệp”.
 
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, trên thực tế, nhu cầu về cát, sỏi phục vụ cho san lấp, xây dựng công trình nhà ở, hạ tầng giao thông… luôn ở mức cao mỗi mùa xây dựng. Thêm vào đó, cát, sỏi đang là loại vật liệu xây dựng không thể thay thế. Ngoài nguyên nhân do tác động từ việc siết chặt quản lý khai thác cát, ngăn chặn khai thác cát trái phép tràn lan dẫn đến nguồn cung giảm còn có nguy cơ lợi dụng chính sách, đầu cơ, tích trữ gây bất ổn thị trường từ chính các chủ khai thác cát, sỏi để “thổi giá” trên thị trường. Một số Cty, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cho biết, nhu cầu cát, sỏi xây dựng của thị trường trước mỗi mùa xây dựng đều được các chủ thầu, đơn vị theo dõi sát diễn biến và dự báo, xây dựng kế hoạch, chủ động ký kết hợp đồng về cung ứng nên khó có tình trạng khan hiếm như hiện nay. Giá cát hiện tại có thể sẽ bị đẩy cao nhưng thời gian tới, giá cát sẽ trở về đúng giá thực của nó. Nhằm đảm bảo thị trường cát sỏi hoạt động bền vững, đảm bảo ổn định, tránh tác động tiêu cực ảnh hưởng trực tiếp đến chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng và người dân, rất cần sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng liên quan nhanh chóng xem xét, rà soát lại quy hoạch khai thác cát, sỏi và phê duyệt phương án cho tỉnh tổ chức cấp phép khai thác 22 điểm mỏ nằm trong quy hoạch, tổ chức đấu thầu nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp khai thác cát, sỏi theo pháp luật. Siết chặt thanh tra, kiểm tra không cho cát lậu chen chân vào thị trường tạo tiền lệ xấu và áp lực lớn đối với các công trình xây dựng và người tiêu dùng trước mỗi mùa xây dựng. Sở Xây dựng cần tăng cường phối hợp khảo sát, nghiên cứu thị trường, xây dựng bảng báo giá vật liệu xây dựng sát với thực tế thị trường, phối hợp với các sở, ngành bàn bạc thống nhất các phương án điều chỉnh giá, thẩm định dự toán công trình phù hợp đảm bảo cho tiết kiệm, đầu tư hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh./.
 
Bài và ảnh:  Đức Toàn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com