Công tác bảo vệ thực vật góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng

08:05, 23/05/2017
Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta gặp rất nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH). Thiên tai, úng, lụt, hạn, mặn xảy ra thường xuyên với tần suất ngày càng lớn cùng với sự tích lũy nguồn dịch hại qua các năm; sự thay đổi cơ cấu giống cây trồng đã làm cho dịch hại trên cây trồng có xu thế tăng dần, diện phân bố và mức độ phát sinh của dịch hại sai khác nhiều so với trung bình các năm làm tăng nguy cơ lây lan sâu bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất cây trồng. Mặc dù vậy, với sự cố gắng khắc phục những khó khăn của hệ thống bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, năng suất lúa của tỉnh vẫn đạt bình quân trên 120 tạ/ha/năm, sản lượng lương thực hằng năm đạt gần 1 triệu tấn, giá trị thu nhập trên 1ha đạt 102 triệu đồng; chất lượng nông sản ngày một nâng cao.
 
Trước mỗi vụ sản xuất, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đã tham mưu cho Sở NN và PTNT về thời vụ gieo cấy và các biện pháp thâm canh, đặc biệt là việc sử dụng các loại thuốc BVTV để hạn chế đến mức thấp nhất đối tượng sâu bệnh gây hại trên lúa. Trạm Trồng trọt và BVTV các huyện tổ chức tập huấn, phối hợp với Phòng NN và PTNT, Trạm Khuyến nông các huyện, thành phố chuyển giao những tiến bộ khoa học về kỹ thuật thâm canh và biện pháp phòng trừ dịch hại đạt hiệu quả cao. Từ thực tiễn, căn cứ vào điều kiện đất đai, tập quán của địa phương, mạng lưới BVTV cơ sở tham mưu giúp Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn xây dựng cơ cấu cây trồng, mùa vụ, chuyển dịch cơ cấu phù hợp với điều kiện địa phương và nhu cầu thị trường, tăng hiệu quả kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích canh tác. Cùng với đó, cán bộ, nhân viên từ Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đến cơ sở nỗ lực bám ruộng, lội đồng; sử dụng công cụ, thiết bị chuyên ngành hiệu quả, phục vụ tốt trong công tác dự báo thời kỳ phát sinh và diện phân bố của từng đối tượng dịch hại lúa qua từng thời kỳ sinh trưởng. Từ đó tham mưu chính xác, góp phần tích cực vào nâng cao hiệu quả các đợt phòng trừ các loại sâu bệnh hại như: sâu cuốn lá nhỏ, rầy, sâu đục thân, khô vằn và đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông… theo nguyên tắc “4 đúng”. Bà Trần Thị Lan, xã Nam Toàn (Nam Trực) cho biết: “Do được gieo cấy trong khung thời vụ, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện sớm sâu bệnh và tổ chức phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá, sâu đục thân gây hại nên 5 sào cấy giống lúa BT7 của gia đình tôi đã được hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra. Đến thời điểm này, giàn lúa của gia đình tôi đã trỗ, dự kiến năng suất cho 1,8 tạ/sào”. Trong công tác quản lý Nhà nước, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh thực hiện tốt việc kiểm dịch thực vật nội địa; kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức hội thảo, quảng cáo, tình hình sử dụng thuốc BVTV, các thủ tục kiểm dịch thực vật, khử trùng kho tàng, lưu trữ các sản phẩm thực vật, các dịch hại thuộc đối tượng kiểm dịch và dịch hại mới. Tập huấn văn bản mới về kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc BVTV trong tỉnh; tổ chức việc ký cam kết thực hiện các quy định pháp luật về kinh doanh thuốc BVTV. Bà Nguyễn Thị Thảo, chủ cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV tại xã Liên Bảo (Vụ Bản) cho biết: “Hằng năm, tôi được cơ quan chức năng mời tham dự nhiều lớp tập huấn về công tác BVTV theo quy định của Bộ NN và PTNT để hướng dẫn người dân sử dụng các loại thuốc BVTV hợp lý, hiệu quả và an toàn cho từng loại cây trồng. Ngoài ra, cửa hàng của gia đình tôi thực hiện đúng cam kết không bán những loại thuốc BVTV kém chất lượng. Tôi luôn chấp hành tốt quy định của pháp luật về quản lý hóa chất, bảo vệ môi trường và các quy định khác liên quan đến điều kiện kinh doanh thuốc BVTV”.
Chi cục Trồng trọt và BVTV tổ chức hội thảo đầu bờ về mô hình “3 giảm 3 tăng” tại xã Yên Mỹ (Ý Yên).
Chi cục Trồng trọt và BVTV tổ chức hội thảo đầu bờ về mô hình “3 giảm 3 tăng” tại xã Yên Mỹ (Ý Yên).
Hằng năm, Chi cục đã tiến hành khảo sát, đánh giá hàng trăm loại thuốc quen sử dụng và những loại thuốc mới để tìm ra bộ thuốc đặc trị cho từng đối tượng dịch hại trên các loại cây trồng góp phần làm giảm số lần phun thuốc, đảm bảo VSATTP, hạn chế ô nhiễm môi trường sinh thái. Chi cục Trồng trọt và BVTV Nam Định là đơn vị đầu tiên trong cả nước đã áp dụng nhiều biện pháp tuyên truyền hiệu quả nên từ nhiều năm nay, nông dân trong tỉnh đã không còn sử dụng nhóm thuốc Pyrethroid rất độc hại để phun trừ bọ xít, bọ trĩ, dòi đục lá… từ đầu vụ sản xuất, loại bỏ các thuốc quen dùng nhưng hiệu lực kém và độc hại như: nhóm thuốc có hoạt chất Chlorantraniliprole thay thế nhóm thuốc có hoạt chất Fipronil hiệu quả thấp đối với sâu đục thân 2 chấm; hạn chế nhóm thuốc có hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl quá độc để trừ rầy, sâu đục thân; nhóm thuốc chỉ chứa hoạt chất Isoprothiolane hiệu quả thấp đối với bệnh đạo ôn hại lúa. Tìm ra các loại thuốc mới trừ sâu cuốn lá nhỏ, đục thân, đạo ôn, khô vằn... trong điều kiện mật độ sâu quá cao, áp lực bệnh quá lớn, trong thời gian phun trừ bị mưa kéo dài nhiều ngày. Những năm qua, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đã thực hiện các thí nghiệm, thực nghiệm, mô hình trình diễn, dự án kịp thời đáp ứng với yêu cầu, đòi hỏi của sản xuất, trong đó đã có nhiều mô hình có hiệu quả thiết thực góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Tiêu biểu như Chi cục đã xác nhận các loại thuốc mới là AC Dinosin 500WP, Ramsuper 75WP… hiện được nông dân sử dụng rộng rãi do có ưu điểm: không mất công rẽ lúa khi phun, tiết kiệm công phun; tránh được lúa đổ sau khi phun thuốc; độ độc thấp hơn nhiều so với thuốc phun rẽ hàng nên ít ảnh hưởng đến thiên địch, sức khỏe người phun và hạn chế ô nhiễm môi trường. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp như: Cty TNHH Toản Xuân, cơ sở Loan Chinh, Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh… xây dựng các mô hình sản xuất gạo sạch, rau sạch đảm bảo VSATTP. Thực hiện thành công mô hình “sản xuất khoai tây giống sạch bệnh” trong khuôn khổ Dự án Rừng và Đồng bằng góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất khoai tây qua việc sử dụng giống sạch bệnh và áp dụng các biện pháp thâm canh thích ứng với BĐKH. Ngoài ra, Chi cục còn phối hợp với các Cty thuốc BVTV xây dựng nhiều mô hình trình diễn các tiến bộ kỹ thuật như: mô hình “3 giảm, 3 tăng” tại các xã: Giao Hà (Giao Thủy), Yên Mỹ (Ý Yên); mô hình quản lý bệnh khô vằn sớm tại huyện Nam Trực; kết hợp cùng Cty TNHH Syngenta Việt Nam liên tục triển khai mô hình trình diễn thuốc BVTV tại Nam Trực… Thông qua các mô hình đã tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của nông dân trong sản suất lúa theo hướng nông nghiệp sinh thái bền vững, từng bước thay đổi tập quán canh tác của người dân như: cấy dầy, to dảnh, bón quá nhiều đạm; giúp nông dân biết cách nghiên cứu đồng ruộng, tiếp cận với phương pháp quản lý dịch hại và có ý thức hơn trong việc sử dụng thuốc BVTV đảm bảo “4 đúng”. Từ năm 2016 đến nay, Chi cục đã tăng cường hợp tác quốc tế về giám sát dịch bệnh trên cây trồng với chuyên gia Nhật Bản. Qua đó nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, tăng cường cơ sở vật chất giúp công tác dự báo dịch hại đạt hiệu quả cao, ứng phó với BĐKH, đảm bảo an toàn cho sản xuất và hạn chế ô nhiễm môi trường.
 
Đồng chí Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết: Trong thời gian tới, hệ thống BVTV tỉnh sẽ tăng cường các hoạt động quản lý dịch hại tổng hợp, lấy quản lý dinh dưỡng làm trọng tâm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác hại do sâu bệnh gây ra cho lúa và các loại cây trồng khác trên nguyên tắc thân thiện, bền vững với môi trường, bảo vệ an toàn về diện tích, năng suất, sản lượng và nâng cao chất lượng các loại cây trồng./.
 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com