Phát triển chăn nuôi lợn bền vững còn nhiều khó khăn

07:03, 02/03/2017

Chăn nuôi lợn là một trong những thế mạnh của tỉnh, luôn ở vị trí số một trong sản xuất nông nghiệp về quy mô, giá trị và sản lượng. Sản lượng thịt lợn hơi luôn chiếm 80-85% tổng sản lượng thịt hơi các loại. Tuy nhiên từ năm 2010 đến nay, do tình hình giá cả thức ăn, con giống liên tục tăng cao, giá sản phẩm đầu ra nhiều thời điểm xuống quá thấp, đã ảnh hưởng lớn đến phát triển đàn lợn của tỉnh. Phát triển chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa, mang tính bền vững là vấn đề cấp thiết trong thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh.

Trong những năm gần đây, tuy tốc độ tăng bình quân về tổng đàn lợn không nhiều nhưng nhiều hộ chăn nuôi đã tích cực đầu tư xây dựng chuồng trại, áp dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ vào chăn nuôi, đưa con giống chất lượng cao, thức ăn công nghiệp… vào sản xuất nên đã giảm thời gian nuôi, tăng số lứa/năm, do vậy sản lượng thịt luôn luôn tăng qua các năm. Năm 2016, tổng đàn lợn đạt 783.940 con, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 145.210 tấn, tăng hơn 32% sản lượng năm 2010. Hiện nay, nhiều trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp khép kín đã được đầu tư xây dựng như: trang trại chăn nuôi lợn của ông Phạm Văn Sỹ, xã Trực Thuận (Trực Ninh) với quy mô 160 con lợn nái và 1.000 con lợn thịt; Cty T&C ở xã Giao Long (Giao Thủy) với quy mô 5.000 con lợn thịt; trang trại của các ông Nguyễn Văn Chinh, Phạm Văn Dũng, Nguyễn Văn Thọ ở huyện Nghĩa Hưng với quy mô 1.000-2.500 con lợn thịt; trang trại lợn của ông Cù Trung Lai ở xã Yên Hồng (Ý Yên) quy mô 2.400 con lợn thịt… Các trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ở nhiều địa phương đã góp phần quan trọng tạo ra các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh. Tuy là phương thức nuôi cho năng suất, sản lượng cao, có tính bền vững nhưng việc phát triển phương thức này còn khá “khiêm tốn”, chăn nuôi lợn với quy mô nông hộ vẫn chiếm trên 70%;  chủ yếu là chăn nuôi truyền thống vì phù hợp với năng lực kinh tế hộ gia đình nông thôn bởi chi phí đầu tư thấp; thức ăn được tận dụng từ phụ phẩm sản xuất nông nghiệp…

Trang trại chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Văn Thọ, Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng).
Trang trại chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Văn Thọ,
Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng).

Tuy nhiên phương thức chăn nuôi truyền thống với đặc thù nhỏ lẻ, phân tán, tự phát, kém hiệu quả; chuồng trại xây dựng không đúng quy định, nằm xen kẽ trong khu dân cư nên dễ phát sinh dịch bệnh, không đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường. Về nguồn giống hằng năm, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giống vật nuôi cung cấp cho thị trường của tỉnh khoảng 2 triệu con giống lợn thịt, đáp ứng đủ nhu cầu về số lượng của các hộ chăn nuôi, tuy nhiên chất lượng con giống còn thấp. Cùng với việc sản xuất trực tiếp con giống lợn thịt, các đơn vị còn sản xuất và cung cấp cho thị trường trên 1.000 con lợn giống bố mẹ (đáp ứng 45% nhu cầu) và trên 100 nghìn liều tinh lợn ngoại, đáp ứng 20% nhu cầu của tỉnh. Số còn lại người nuôi phải thu gom từ nơi khác về, con giống không rõ nguồn gốc nên có nguy cơ làm phát sinh dịch bệnh gây ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi. Từ năm 2010 đến nay, dịch lợn tai xanh, lở mồm long móng ở lợn là nỗi “ám ảnh” người chăn nuôi trong tỉnh, khiến người chăn nuôi không mạnh dạn đầu tư. Dịch lở mồm long móng từng xảy ra tại các huyện Ý Yên, Nghĩa Hưng, Mỹ Lộc, Nam Trực… với 378 con lợn bị mắc bệnh; dịch lợn tai xanh xảy ra tại 3.705 hộ chăn nuôi của 38 xã thuộc 5 huyện Trực Ninh, Xuân Trường, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Ý Yên với tổng số lợn mắc bệnh là 23.128 con, số lợn bị tiêu hủy là 12.219 con, trọng lượng tiêu hủy là 246.443kg. Chỉ tính riêng năm 2013, dịch lợn tai xanh đã khiến toàn tỉnh phải tiêu hủy 9.251 con lợn với tổng trọng lượng 168.728kg, làm trên 3.000 hộ chăn nuôi khốn đốn. Dịch bệnh xảy ra bắt nguồn từ ý thức của người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh chưa cao; đặc biệt tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin định kỳ theo quy định chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát vận chuyển gia súc lưu thông trên địa bàn tỉnh và phát hiện dịch bệnh còn hạn chế. Việc giết mổ lợn chủ yếu bằng phương pháp thủ công nên chưa đảm bảo được vệ sinh thú y tiềm ẩn nguy cơ phát tán mầm bệnh… Ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi lợn cũng đang là vấn đề cần quan tâm. Đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có trên 15 nghìn công trình bi-ô-ga. Ngoài việc xây, lắp các công trình bi-ô-ga, các hộ chăn nuôi còn áp dụng các biện pháp khác để xử lý chất thải, bảo vệ môi trường như làm đệm lót sinh học, làm phân bón cho cây trồng, làm thức ăn cho cá, sử dụng chế phẩm sinh học… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi chưa áp dụng các biện pháp xử lý chất thải hoặc áp dụng chưa triệt để mà xả thải trực tiếp ra môi trường dẫn đến môi trường nông thôn bị ô nhiễm nặng nề, gây bức xúc cho nhân dân. Qua đó, có thể thấy rằng chăn nuôi lợn ở tỉnh ta còn thiếu bền vững, hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao do phát triển còn nhỏ lẻ, phân tán. Năng suất, sản lượng đạt thấp; dịch bệnh chưa được kiểm soát triệt để đã gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Nhìn chung, người chăn nuôi còn bị động nhiều khâu trong quá trình sản xuất, từ giá nguyên liệu đầu vào, nhất là thức ăn chăn nuôi, lợn giống tăng cao đến đầu ra, giá thịt lợn hơi biến động lớn, phụ thuộc nhiều vào thương lái cũng ảnh hưởng nhiều đến việc phát triển chăn nuôi lợn bền vững. Từ cuối năm 2016 đến nay, giá lợn hơi cả nước, đặc biệt là ở tỉnh ta liên tục lao dốc và chạm đáy làm nhiều hộ chăn nuôi lao đao vì thua lỗ. Một hộ chăn nuôi ở huyện Trực Ninh cho biết: Gia đình phải xuất 30 con lợn thịt vào dịp trước Tết với giá chỉ 30 nghìn đồng/kg hơi. Mua một con giống hơn 1 triệu đồng, tiền thức ăn thì không giảm, trong khi giá lợn thì giảm thảm hại, đến lúc xuất chuồng không bán lại càng lỗ hơn. Một lứa vừa rồi mà gia đình đã lỗ gần 40 triệu đồng. Nhiều hộ gia đình dở khóc dở cười “giam” lợn không bán do giá vẫn quá thấp, nhưng để lại một ngày là tiền thức ăn còn tốn nhiều hơn. Qua đây cũng cho thấy để phát triển chăn nuôi lợn bền vững nhất thiết phải có sự liên kết giữa hộ chăn nuôi với doanh nghiệp để hỗ trợ nhau trong các khâu sản xuất. Nhưng trong ngành chăn nuôi lợn của tỉnh hiện có rất ít các mối liên kết và số lượng tiêu thụ theo các hợp đồng liên kết đã có cũng không đáng kể. Hiện nay tỉnh đã tạo các điều kiện ưu đãi cho Cty CP Đầu tư và Thương mại Biển Đông đầu tư nhà máy giết mổ và chế biến sâu thịt lợn thành sản phẩm chín; sử dụng công nghệ giết mổ tự động của Mỹ với công suất 250-300 con lợn tạ/giờ và công nghệ chế biến sâu của châu Âu. Đây là cơ hội để tổ chức lại kênh thu mua vừa giúp người chăn nuôi không bị thương lái ép giá, vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh khi nông dân có thể liên kết với Cty để cung cấp nguồn nguyên liệu cho chế biến. Từ đây mối liên kết giữa doanh nghiệp - nông dân bền chặt hơn khi lợi nhuận của người chăn nuôi được bảo đảm.

Để chăn nuôi lợn phát triển theo hướng hàng hóa, mang tính bền vững cần đẩy nhanh tốc độ phát triển các trang trại chăn nuôi công nghiệp gắn với giết mổ, chế biến tập trung và liên kết theo chuỗi giá trị. Hiện nay, tỉnh chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các địa phương tập trung thực hiện tốt các quy hoạch về cơ sở sản xuất giống và vùng chăn nuôi tập trung. Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và thực hiện tốt công tác khuyến nông trong chăn nuôi. Chỉ đạo các hộ chăn nuôi áp dụng biện pháp chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại và phát triển công nghiệp chế biến… Đặc biệt, để tạo bước đột phá trong phát triển chăn nuôi nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng, tỉnh tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi thành lập các HTX chăn nuôi, doanh nghiệp chăn nuôi, hiệp hội chăn nuôi trang trại, CLB chăn nuôi để phổ biến kinh nghiệm, thông tin giá cả thị trường, tiến bộ kỹ thuật mới và ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp trong tỉnh, tỉnh bạn và xuất khẩu sang các nước, trong đó tập trung đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo các chuỗi từ trang trại đến bàn ăn. Khuyến khích hình thức chăn nuôi gia công hoặc chăn nuôi theo hợp đồng giữa các chủ trang trại có điều kiện về vốn, tiêu thụ sản phẩm liên kết với các gia trại, trang trại nhỏ hơn. Đẩy mạnh liên kết với các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh… để thúc đẩy tiêu thụ thông qua việc xây dựng cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, các trang trại của tỉnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn giao dịch nông sản./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com