Đi chợ tất niên miền Quỹ

01:01, 30/01/2017

Từ mươi năm trở lại đây, khi Thị trấn Quỹ Nhất nâng cấp phiên chợ truyền thống cuối năm thành “Hội chợ tất niên Quỹ Nhất” họp từ ngày 24 đến 30 tháng Chạp, cứ đến đầu tháng Chạp, người dân miền Hạ huyện Nghĩa Hưng lại mong ngóng đến ngày phiên chợ tất niên miền Quỹ hội họp để mang nông sản cây nhà lá vườn ra bán, thêm đồng tiền sắm Tết cho con trẻ, rồi chiêm ngưỡng sắc xuân qua những đặc sản các vùng miền trên toàn quốc hội tụ về đây.

Chăm bón hoa đào tại nhà vườn của ông Trần Văn Dũng, khu phố 4, Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng).
Chăm bón hoa đào tại nhà vườn của ông Trần Văn Dũng, khu phố 4, Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng).

Do đặc thù địa hình kéo dài, bà con miền Hạ của huyện Nghĩa Hưng muốn lên chợ huyện phải đi xa. Bởi vậy từ lâu, chợ Quỹ đã phát triển đáp ứng nhu cầu giao thương của khu vực. Từ ý tưởng ban đầu của Đảng ủy, UBND xã Nghĩa Hòa (Thị trấn Quỹ Nhất trước đây) là thành lập chợ tất niên trên cơ sở phiên chợ ngày 30 truyền thống của chợ Quỹ xưa để bà con nhân dân các xã miền Hạ có điều kiện vui chơi, mua sắm Tết gần nhà, không phải lên tận Thị trấn Liễu Đề xa xôi nữa. Chủ trương của Đảng ủy, UBND xã được tuyên truyền rộng rãi, đúng nguyện vọng nên ai cũng phấn khởi, chợ mở là đông ngay. Nhà nhà chuẩn bị từ con gà, buồng chuối, gạo nếp, đỗ xanh; rồi lá dong, hoa quả vườn nhà; các hộ có nghề mây tre đan thì tranh thủ lựa chọn những sản phẩm đẹp nhất cho phiên chợ cuối năm… Hơn 50 đầu xe khách chạy liên tỉnh kiêm thêm vận chuyển giới thiệu nhiều hàng hóa đặc trưng phục vụ Tết Nguyên đán về bày bán tại phiên chợ tất niên… Năm đầu tiên mở chợ, người mua, người bán mới chỉ có dân xã Nghĩa Hòa, nhưng từ năm sau trở đi, người dân 12 xã miền hạ, rồi người dân các huyện Hải Hậu, Ý Yên, cả dân Kim Sơn, Ninh Bình qua sông Đáy sang mua bán. Khí thế sôi động cả một vùng hàng hóa vô cùng phong phú, hoa tươi, bánh kẹo, quần áo thời trang, nông cụ, cây giống từ Thành phố Nam Định, Ý Yên, Nam Trực, Hải Hậu chở về; rượu gạo, chiếu cói, vỉ buồm, thảm đay, đường mật… từ Kim Sơn (Ninh Bình) sang… Rồi măng nứa, măng tre, ống giang, mật ong, lá dong, khoai ráy, rong riềng… từ các tỉnh miền núi phía Bắc đổ về… Dưa hấu đỏ, mai vàng, dừa xiêm, vải vóc, bánh trái, tranh ảnh… mang đặc trưng của các tỉnh miền Nam cũng góp mặt làm phiên chợ tất niên thêm rộng ràng. Đi hội chợ tất niên Quỹ Nhất, tôi thực sự bị cuốn hút bởi những sản phẩm mang đặc trưng mang tính chất vùng miền, bởi sự cần cù chịu khó của người dân vùng biển Nghĩa Hưng và bởi được sống lại không gian của một phiên chợ quê hồn hậu. Vẫn là chuyện bán mua nhưng tại hội chợ tất niên Quỹ Nhất có tới 70% số người bán hàng vốn là người lao động và “vào vai” người bán hàng duy nhất một lần trong năm tại phiên chợ này với hàng hóa là sản phẩm vườn nhà như rổ cà chua, táo ngọt, gánh rau, bó hành, mớ hẹ hay con gà, con cá. Đặc biệt sản phẩm sắn dây đánh cả vồng với chi chít củ to, củ nhỏ, trắng nõn, nặng từ vài chục cân đến vài ba tạ do chính người dân Quỹ Nhất trồng cấy chỉ dành bán vào phiên chợ tất niên. Với ý nghĩa tượng trưng cho sự trù phú, giàu có, mát lành, vồng sắn dây này có thể rửa sạch trưng bày trong nhà 3 ngày Tết, sau đó đem chế biến làm bột, thức uống bổ dưỡng chuẩn bị cho những ngày hè nóng nực sắp tới. Người bán, người mua ríu ran như người thân lâu ngày gặp lại. Người bán hàng phấn khởi vì có thêm điều kiện giao thương, lưu thông hàng hóa; được chính quyền địa phương tạo điều kiện về mặt bằng bày bán hàng hóa, hỗ trợ việc đảm bảo an ninh mà không yêu cầu phải nộp bất cứ một khoản thuế, phí nào nên cũng vì thế mà cũng trải lòng với khách mua. Người đi chợ cũng mê mải, mãn nhãn với vô số hàng hóa, hoa cây cảnh, nhu yếu phẩm ở khắp các vùng miền tụ họp về đây nên không quá so đo giá cả bởi đó là cách tự thưởng cho mình những phút giây thư giãn sau một năm ròng vất vả… Vậy nên nếu ai đã đến hội chợ tất niên Quỹ Nhất dù chỉ một lần cũng cảm nhận ngay được nét đặc trưng quý giá này của một phiên chợ quê trù phú. Cứ thế, cứ thế, mỗi năm, phiên chợ tất niên ngày càng thêm tấp nập. Diện tích dành để họp chợ cũng vì thế mà vượt ra khỏi phạm vi khu vực chợ Quỹ, lan rộng ra khắp các trục đường chính của thị trấn. Đồng chí Bùi Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Quỹ Nhất cho biết: Hiện tại, mỗi phiên chợ thu hút hàng nghìn bạn hàng gần xa về buôn bán, mua sắm, kéo dài trong 6 ngày liền, chợ họp suốt từ 7 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Hàng hóa không thiếu thứ gì từ nông sản, thực phẩm, đồ gia dụng, mỹ nghệ và cả công cụ lao động. Có trên 70% hộ dân trong thị trấn tham gia bán hàng tại phiên chợ tất niên. Nhiều hộ kinh doanh giỏi thu về khoảng 700-800 triệu đồng tiền bán hàng chợ Tết.

Đặc biệt hơn từ khi hội chợ tất niên miền Quỹ mở ra, hàng hóa muôn phương về đây hội tụ, người dân Quỹ Nhất cũng nhanh nhạy không kém, đặc biệt là phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khai thác tối đa các diện tích đất gò vườn để trồng cây cảnh, đào, quất, hoa tươi, cây lá màu trang trí để cung ứng cho khách hàng. Hiện tại cả thị trấn có hơn 30 hộ trồng hoa, cây cảnh… Không chuyên nghiệp như những làng hoa cây cảnh nổi tiếng trên địa bàn tỉnh, nhưng những gốc đào phai, quất cảnh với dáng vẻ tự nhiên, khỏe khoắn, thắm sắc và giá bán phải chăng đã đáp ứng một phần nhu cầu sử dụng hoa cây cảnh của người dân trong vùng. Tại gia đình chị Phạm Thị Liên, khu phố 2 đã có hơn 100 loại hoa, cây cảnh từ lan, ly, cát tường, dạ yến thảo, đồng tiền, lay-ơn… đều do chính tay chị nhân giống, chăm bón đã được đánh lên chậu gọn gàng, chỉ đợi ngày chợ phiên tất niên đem ra bán. Tết đang đến thật gần, những ngày này, cả Thị trấn Quỹ Nhất như một vườn hoa rực rỡ, mọi người vui vẻ trao đổi, chọn lựa cho mình những chậu hoa, những vật dụng thật ưng ý, tạo nên một không gian sống động, rộn ràng sắc xuân ở vùng quê biển. Và nếu bạn thực sự nhớ, thèm hương vị Tết quê xưa, hãy xuôi về chợ Quỹ!

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com