Làng nghề mắm Ngọc Lâm chuẩn bị vào Tết

09:12, 06/12/2016
Mặc dù còn gần 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng tại làng nghề Ngọc Lâm, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng), các cơ sở sản xuất nước mắm, mắm tôm truyền thống đang rộn ràng vào vụ Tết. Những chai nước mắm, mắm tôm đủ loại đã được chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ nhu cầu của khách hàng trong dịp Tết sắp tới.
Tư vấn cho khách hàng về các loại nước mắm tại cơ sở anh Phạm Văn Hiệp, xóm 7, làng Ngọc Lâm, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng).
Tư vấn cho khách hàng về các loại nước mắm tại cơ sở anh Phạm Văn Hiệp, xóm 7, làng Ngọc Lâm, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng).
Làng Ngọc Lâm nổi danh có khoảng hơn 40 cơ sở sản xuất nước mắm, mắm tôm, chủ yếu theo hình thức hộ gia đình và hoàn toàn làm bằng phương pháp thủ công truyền thống. Hầu hết các cơ sở tại đây đều tận dụng nguồn cá cơm, cá nục… dồi dào khai thác từ biển. Cá tươi được trộn đều với muối rồi cho vào thùng ủ thành chượp ròng rã suốt 12 tháng để làm nên loại nước mắm thơm lừng. Đối với người dân làm nghề sản xuất nước mắm, mắm tôm nói chung và đối với người dân làng Ngọc Lâm nói riêng, Tết là thời điểm tiêu thụ hàng mạnh nhất trong năm nên dịp này, nhà nhà lo chuẩn bị hàng bán Tết. Hiện nay, mặc dù các sản phẩm nước mắm công nghiệp tràn lan song nước mắm truyền thống với hương vị đậm đà vẫn được nhiều người lựa chọn để sử dụng, làm quà tặng, biếu. Đây là món quà vô cùng ý nghĩa, mang đậm hồn quê hương. Nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng, các cơ sở sản xuất đã linh hoạt đóng gói nhiều loại chai to, nhỏ khác nhau với mẫu mã bắt mắt. Gia đình ông Lại Văn Quang, xóm 7 đã có 5 đời làm nghề sản xuất nước mắm, mắm tôm. Mỗi năm cơ sở của ông Quang tiêu thụ được khoảng 60 nghìn lít nước mắm, 40 nghìn lít mắm tôm. Các sản phẩm được tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, từ đồng bằng đến trung du, miền xuôi đến miền ngược trên toàn quốc… Đặc biệt vào dịp Tết, không khí lao động tại xưởng sản xuất nước mắm, mắm tôm của ông Quang nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Ông Quang cho biết: “Thời điểm từ tháng 11 âm lịch cho đến gần Tết là thời điểm hàng bán được nhiều nhất trong năm, gấp đôi, gấp ba lần ngày thường. Đến thời điểm này đã có những cơ sở đặt hàng trên 1.000 lít nước mắm các loại. Bình thường chúng tôi sử dụng 10-15 nhân công, nhưng những ngày này việc nhiều, mỗi ngày chúng tôi phải thêm 3-4 nhân công để đóng chai nước mắm, mắm tôm, hoàn thiện các bao bì sản phẩm sẵn sàng cung cấp cho thị trường. Mỗi người một công đoạn, ai cũng luôn chân luôn tay”. Ông Quang cho biết thêm, dù số lượng hàng khách đặt mua ít hay nhiều thì chất lượng, an toàn thực phẩm và uy tín luôn là vấn đề được cơ sở đặt lên hàng đầu, mắm hoàn toàn được làm bằng nguyên liệu tự nhiên, không sử dụng bất kỳ hóa chất nào. Ngoài cơ sở của ông Quang, các cơ sở, hộ gia đình sản xuất nước mắm, mắm tôm khác trên địa bàn như hộ ông Phạm Văn Hiệp, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Văn Phú… cũng đang bận rộn bắt tay vào chuẩn bị hàng phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán. Anh Phạm Văn Hiệp, xóm 7 cho biết, bình thường nước mắm của gia đình anh bán có nhiều loại giá từ 25-100 nghìn đồng/lít. Dịp Tết này, anh vẫn giữ nguyên giá như trước để phục vụ khách hàng. Chuẩn bị cho đợt Tết Đinh Dậu sắp tới, gia đình anh đã chuẩn bị hơn 1.200 lít nước mắm, 200kg mắm tôm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Anh Hiệp cho biết: “Chuẩn bị hàng cho dịp Tết Nguyên đán, số lượng hàng hóa nhiều, công việc bận rộn nhưng với cơ sở chúng tôi, chất lượng và uy tín luôn là số 1, ngoài việc vẫn giữ nguyên mức giá, chúng tôi cũng không lơ là từ khâu thu mua nguyên liệu đến các công đoạn sản xuất. Làm hàng để bán cũng phải đảm bảo như làm cho chính mình ăn chọn nguyên liệu tươi ngon, yên tâm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Vậy nên có nhiều khách quen, năm nào cũng tìm về nhà tôi đặt mua mỗi người hàng chục lít nước mắm mang đi làm quà biếu. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, để nghề sản xuất nước mắm, mắm tôm ở Ngọc Lâm có chỗ đứng vững trên thị trường, xã Nghĩa Hải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động giúp các hộ sản xuất hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm của mình trong nền kinh tế cạnh tranh; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chế biến, phổ biến các quy định, quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân; tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân vay vốn để phát huy truyền thống của làng nghề, tăng thu nhập cho bà con, góp phần gìn giữ tinh hoa văn hóa của dân tộc.
 
Mặc dù sự cố truyền thông thời gian qua gây không ít khó khăn cho các làng nghề sản xuất nước mắm truyền thống. Song với chất lượng thực chất, nước mắm sản xuất theo phương pháp cổ truyền vẫn có vị thế vững chắc trong tâm trí người tiêu dùng và trên thị trường. Về làng nghề Ngọc Lâm những ngày cuối năm, chứng kiến không khí chuẩn bị hàng Tết tấp nập, tinh thần phấn chấn của người dân càng thấy rõ vị trí của nước mắm truyền thống. Tết năm nay, bà con làng nghề lại phấn khởi hơn khi lượng hàng được đặt mua tăng từng ngày./.
 
Bài và ảnh: Thanh Hoa
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com