Kinh nghiệm nuôi cua biển hiệu quả ở Nghĩa Thắng

08:04, 23/04/2016
Những năm gần đây, nghề nuôi cua biển trên địa bàn tỉnh phát triển với nhiều ưu điểm nổi trội như chủ động được con giống sản xuất trong tỉnh, chi phí sản xuất thấp, sản phẩm đầu ra ổn định. Xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) là một trong những địa phương phát triển tốt nghề nuôi cua biển, giúp các hộ dân nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế ổn định.
Thu hoạch cua biển tại hộ nuôi của ông Trần Văn Quý, xóm 6, xã Nghĩa Thắng.
Thu hoạch cua biển tại hộ nuôi của ông Trần Văn Quý, xóm 6, xã Nghĩa Thắng.
Địa bàn xã Nghĩa Thắng là khu vực gần cửa sông, giáp biển nên có nhiều thuận lợi trong việc nuôi thủy sản, đặc biệt là có nguồn nước lợ phù hợp cho việc nuôi cua biển. Trước kia, các hộ dân xã Nghĩa Thắng thường nuôi cua biển theo phương thức thâm canh, tuy nhiên, do người dân chưa nắm vững kỹ thuật nuôi và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu nên không hiệu quả. Nhằm đạt hiệu quả cao từ nghề nuôi cua biển, đa dạng đối tượng nuôi, đến nay hầu hết các hộ đã chuyển sang nuôi cua biển xen canh với tôm sú hoặc cá vược. Nuôi xen canh có ưu thế giảm kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, cua biển có thể ăn thức ăn cho tôm, cá thừa trong ao, vừa giảm chi phí thức ăn vừa góp phần cải tạo môi trường đáy ao, ít sử dụng thuốc thú y thủy sản và người nuôi đỡ tốn thời gian, công sức chăm sóc con nuôi hơn so với nuôi cua thâm canh. Nhờ vậy khi nuôi cua biển xen canh với tôm sú và cá vược hiệu quả đạt được cao hơn nhiều lần so với nuôi cua biển bằng phương pháp thâm canh; đồng thời tôm và cá nuôi theo phương pháp này cũng sẽ hạn chế được rủi ro từ dịch bệnh, người dân cũng yên tâm hơn để phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản. Vào tháng 11, 12 (âm lịch), các hộ nuôi bắt đầu thả giống cua và thu hoạch vào tháng 3, tháng 4 (âm lịch) năm sau. Những ngày này, một số hộ đã bắt đầu thu hoạch cua theo hình thức “đánh tỉa, thả bù”. Với phương pháp thu hoạch này người nuôi luôn đảm bảo có sản phẩm cua biển tươi sống với nhiều kích cỡ khác nhau, đáp ứng được nhu cầu của người mua. Có mặt tại hộ ông Trần Văn Quý, xóm 6, vừa lúc gia đình đang thu hoạch mẻ cua đầu tiên của vụ này, ông cho biết, với diện tích nuôi 12ha nuôi cua biển xen canh với tôm sú và cá vược, trung bình hằng năm gia đình thu hoạch được 6 tạ cua với thu nhập lên đến 150 triệu đồng, 2 tấn tôm sú và cá vược với thu nhập là 200 triệu đồng/năm. Vào các dịp nghỉ lễ, nhu cầu tiêu thụ của thị trường tăng cao nên cua bán được giá hơn so với ngày thường, giá lên đến 500-600 nghìn đồng/kg, hoặc vào tháng 5, tháng 6 là thời điểm khi cua nhiều trứng bán cũng rất được giá. Còn những ngày bình thường giá cua dao động từ 250-300 nghìn đồng/kg. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cua, ông Quý cho biết thêm: “Khi lấy nước vào ao nuôi cần chú trọng kiểm tra độ mặn của nước để báo cho trại giống cua tiến hành điều chỉnh độ mặn, thuần dưỡng con giống thích nghi với môi trường vùng nuôi, tránh tình trạng cua bị sốc mặn khi thả, làm giảm hiệu quả nuôi”. Trước kia, cua giống tự nhiên ở khu vực các bãi bồi ven biển, khu vực cửa biển, cửa sông rất nhiều nhưng do người dân khai thác bừa bãi làm nguồn cua giống dần cạn kiệt nên nhiều cơ sở, hộ dân bắt đầu nghiên cứu cho cua đẻ nhân giống nhân tạo. Dù có hạn chế là kích thước cua giống nhỏ khiến việc nuôi cua giống nhân tạo có tỷ lệ hao hụt lớn hơn cua giống tự nhiên nhưng không gây ảnh hưởng nhiều đến sản lượng, chất lượng cua khi thu hoạch. Hộ ông Đoàn Văn Thế (xóm 6) cũng là hộ nuôi cua đạt hiệu quả cao. Ông Thế có diện tích nuôi cua biển là 12ha. Hằng năm ông thả trung bình khoảng 12 vạn con cua giống và cũng thu hoạch bằng hình thức “đánh tỉa, thả bù”. Là đối tượng thích nghi trong môi trường sinh thái tự nhiên nên thức ăn cho cua chủ yếu là các loại cá biển rẻ tiền, thậm chí là cua tự tìm kiếm thức ăn nên không phải cho ăn. Thường thì khi tiết trời trở nên ấm áp chính là lúc cua bắt đầu lột vỏ, phát triển. Vào thời điểm gần thu hoạch, ông Thế mới tăng cường việc cho ăn vỗ để cua tăng trưởng tốt nhất có thể, giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Thế cho biết, môi trường nước ngày càng bị ô nhiễm do nhiều yếu tố tác động nên việc cải tạo ao đầm là vô cùng quan trọng để đảm bảo an toàn cho con nuôi. Sau mỗi vụ cua, ông đều tháo nước, cạn đáy phơi khô và dùng vôi để cải tạo đầm nuôi. Nhờ vậy nên mỗi năm, ông thu hoạch được 6-7 tạ cua và xuất bán chủ yếu sang thị trường Trung Quốc. 
 
Nhằm tạo điều kiện cho người dân nuôi cua biển đạt hiệu quả cao, Đảng ủy, chính quyền xã Nghĩa Thắng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, tạo điều kiện cho bà con tham gia học tập, nâng cao kiến thức, kỹ thuật trong việc nuôi thả cua biển. Nuôi cua biển theo phương thức xen canh với các đối tượng tôm sú, cá vược… không những giúp các hộ nuôi tiết kiệm được chi phí đầu tư, giữ môi trường ao nuôi ổn định mà còn giúp nâng cao hiệu quả kinh tế. Phương thức này đã và đang mở ra một hướng đi mới cho người nuôi cua biển tại xã Nghĩa Thắng và các địa phương ven biển./.
 
Bài và ảnh: Thanh Hoa


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com