Nhọc nhằn nghề đập don đá

07:03, 26/03/2016

Dọc bãi biển thuộc hai xã Hải Chính, Hải Lý của huyện Hải Hậu, đoạn từ cống số 4 (xã Hải Chính) đến nhà thờ đổ trên bãi biển Xương Điền xưa (xã Hải Lý) ngày ngày có hàng chục người bất chấp thời tiết giá lạnh cặm cụi, miệt mài bên những tảng đá xù xì bám đầy con don, con hà lỗ chỗ như tổ ong. Dụng cụ trong tay họ chỉ mỗi cái búa nhỏ, một cái xô hay rổ nhựa để đựng don. Và cứ thế, trong 4 tháng mùa đông, đập don đá là phương kế mưu sinh của hàng chục hộ dân ở các xã Hải Chính, Hải Lý.   

Lạ kỳ don đá

Mặc dù đã mặc nhiều áo nhưng mới xuống bãi biển được mấy phút mà người tôi đã rét run bần bật. Gió lạnh buốt từ biển thổi vào từng lọn tóc. Đôi bàn tay nhăn nheo, tái nhợt vì ngâm nước biển, nhưng những giọt mồ hôi vẫn lấm tấm trên trán ông Nguyễn Văn Thành, xóm 5 (xã Hải Chính). Không dừng tay búa, ông Thành chậm rãi tâm sự: người dân ở đây biết con don trong đá lâu rồi nhưng trước đây chỉ dùng để cải thiện bữa ăn gia đình. Số là thi thoảng khi triều rút trên bãi biển có những tảng đá ngâm lâu dưới nước biển bị rỗ xù xì như tổ ong. Tò mò đập ra thì phát hiện thấy loại sinh vật này, mang về thử chế biến thì không khác gì các loại trai, hến biển khác. Dân ở đây chủ yếu làm muối, vào mùa “diêm nhàn” khoảng từ tháng 12 hằng năm trở đi, thời tiết không thuận lợi để làm muối, nhiều người ra biển đập don đá để cải thiện bữa ăn. Khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều người mới biết đến loại thức ăn này và don đá mới trở thành món hàng hóa phổ biến, được bày bán “ngang hàng” với những loại sản vật biển khác như: tôm, cá… Khác với don nứa (don đất, don biển), “don đá” (như tên của người dân nơi đây gọi) thuộc họ trai hến, bề ngoài nhìn gần giống con trùng trục, thuôn dài (khoảng 1 đốt ngón tay). Điều ngạc nhiên nhất là don đá sống và sinh trưởng sâu trong tảng đá, muốn lấy don phải đập đá ra. Không phải cứ tảng đá nào ngâm dưới nước biển lâu cũng có don. Những người “lành nghề” như ông Thành cho rằng, chỉ những tảng đá nâu nâu, bề mặt “rỗ” đều như tổ ong mới có don sinh sống. Và mùa don đá mỗi năm cũng chỉ có tầm 3-4 tháng mùa đông, chớm nắng hè là don đá già chết và lớp don đá mới lại sinh trưởng. Để lấy được don, phải nhẹ nhàng đập vỡ tảng đá theo thớ để don không bị nát. Bà Phạm Thị Loan, xóm 2 (xã Hải Chính) cho biết: cũng như các loại trai, hến… don đá lành, mát nên chế biến được nhiều món: nấu canh, làm chả… nhưng ăn ngon nhất là luộc một “sấp” (sôi to rồi bắc ra ngay, ăn nóng).   

Gia đình ông Nguyễn Văn Thành, xóm 5, xã Hải Chính (Hải Hậu) đập don đá ở bãi biển.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thành, xóm 5, xã Hải Chính (Hải Hậu)
đập don đá ở bãi biển.

Nhọc nhằn đập đá cậy don

“Đập don đá chẳng khác gì phu đập đá thời xưa, khéo còn nhọc nhằn, vất vả hơn!”. Đó là câu nói ví von của bà Nguyễn Thị Huấn, xóm 2 (xã Hải Lý) người có “thâm niên” đến 15 năm đập don đá. Tôi tròn mắt nghe bà kể “quá trình” khai thác don đá: Biển Hải Hậu là biển lở, khoảng vài chục năm trước đây, phía ngoài bãi biển thuộc các xã Hải Chính, Hải Lý hiện tại còn có một con đê biển đắp bằng đất. Để gia cố thân đê tránh sóng biển phá hoại, hàng trăm tấn đá hộc (mỗi tảng nặng từ 10, 20 đến 50-60kg) đã được dùng để kè thân đê nhưng vẫn không chịu được sóng biển. Qua năm tháng bồi đắp, con đê cũ, kè đá xưa chìm sâu hàng mét dưới nước biển. Vì thế, don đá là đặc sản riêng có, được thiên nhiên ban tặng cho vùng biển này. Muốn lấy được don đá, trước tiên phải lấy đá đã! Phải đợi con nước mỗi tháng chỉ có 2 lần nước ròng (riêng tháng 2 có thể có 3 con nước vào những năm có 29 ngày), nước biển rút ra xa, thân kè đá xưa chỉ chìm sâu khoảng 1,5 mét dước mực nước biển. Người đập don phải dầm mình trong nước vần các tảng đá chìm sâu dưới nước lên “mảng” để chuyển vào gần bờ. Mỗi “mảng” tự tạo này chỉ chở được tối đa khoảng 50-70kg, tương đương với 5-7 tảng đá nhỏ; 2-3 tảng đá lớn. Những ngày con nước ròng phải tranh thủ tối đa thời gian để “vớt” đá vì thời gian khai thác được chỉ tầm 2-3 tiếng là nước lại lớn. Vì thế, những ngày con nước, nhà nào nhanh thì cũng chỉ vớt được khoảng 90-100 tảng đá là tối đa. Đó mới là công việc đầu tiên! Đá có don sau khi được chuyển lên bãi chất thành đống để hôm sau mới đập lấy don. Hằng ngày, tầm từ 9 giờ sáng đến 2-3 giờ chiều, nước biển rút ra xa, lộ bãi đá thì những “phu đập đá” như bà Huấn bắt đầu vào việc. Đập don đá yêu cầu đầu tiên là phải có sức khỏe tốt, đủ sức vung búa tách đá 2-3 tiếng liền và chịu được cái lạnh ở bãi biển. Rồi lại phải “khéo léo” và tỉ mẩn, khéo từ cách chọn đá, lựa chiều đập nhát búa phá đầu tiên để đá vỡ, lấy được con don còn nguyên bám sâu trong tảng đá. Vì thế, một ngày lao động vất vả dưới cái lạnh của biển khơi, mỗi phu đập đá cũng chỉ thu được từ 4-5kg don là nhiều. Khoảng 2-3 giờ chiều, nước biển lên ngập bãi đá thì nghỉ, mang don xuống chợ bán hoặc mang về nhà chế biến. Don đá bán ở chợ hôm nào “biển động”, thuyền về ít tôm cá mới được giá 30-35 nghìn đồng/kg; còn ngày thường chỉ được từ 20-25 nghìn đồng/kg. Vui nhất là những hôm gặp khách du lịch từ các nơi về, don đá có thể bán được đến 50 nghìn đồng/kg.

Vất vả, nhọc nhằn với thu nhập chỉ khoảng 80-100 nghìn đồng/ngày nhưng con don đá, nghề đập don đá đang góp phần cải thiện đời sống và sinh hoạt cho nhiều hộ dân các xã Hải Chính, Hải Lý của huyện Hải Hậu./.  

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com