Doanh nghiệp dệt may Nam Định ứng phó với quy định "từ sợi trở đi"

07:03, 17/03/2016
Dệt may được xem là một trong những ngành có cơ hội hưởng lợi nhất khi nước ta tham gia Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, để được hưởng lợi thế từ TPP, các doanh nghiệp dệt may phải đáp ứng quy định “từ sợi trở đi”, tức là phải bảo đảm nguồn gốc nguyên liệu sợi được sản xuất tại 12 nước tham gia TPP (gồm: Úc, Bru-nây, Ca-na-đa, Chi-lê, Ma-lai-xi-a, Mê-xi-cô, Niu Di-lân, Pê-ru, Mỹ, Xinh-ga-po, Nhật Bản và Việt Nam). 
Sản xuất nguyên phụ liệu dệt may tại Tổng Cty CP Dệt may Nam Định.
Sản xuất nguyên phụ liệu dệt may tại Tổng Cty CP Dệt may Nam Định.
Theo đồng chí Nguyễn Minh Văn, Giám đốc Sở Công thương: “Từ sợi trở đi” được xác định là quy định “ngộp thở” đối với dệt may toàn quốc cũng như tỉnh ta. Tuy là ngành truyền thống, chiếm gần 40% tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp với 230 doanh nghiệp, gần 6.000 cơ sở sản xuất nhưng phần lớn doanh nghiệp ngành dệt may tỉnh ta chỉ gia công là khâu ít lợi nhuận nhất trong chuỗi giá trị sản phẩm. Một số ít doanh nghiệp ngành dệt may có tham gia sản xuất nguyên liệu theo chuỗi nhưng mới chỉ tự chủ được khoảng 30% nguyên liệu, còn 70% phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu; trong số nguyên liệu nhập khẩu có tới 90% nguyên liệu phải nhập từ một thị trường Trung Quốc. Để hỗ trợ các doanh nghiệp ngành dệt may, bên cạnh công tác tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều chương trình kế hoạch về hội nhập kinh tế quốc tế phù hợp với điều kiện thực tế, ngành Công thương đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến về hội nhập; xây dựng và triển khai các đề án nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xuất khẩu hàng hóa; củng cố và phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, mạng lưới phân phối. Thông qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, doanh nghiệp và một bộ phận nhân dân về hội nhập kinh tế quốc tế; một số doanh nghiệp ngành dệt may đã có sự chuẩn bị đầu tư đón đầu cơ hội. Ngành tham mưu cho UBND tỉnh quy hoạch, triển khai đầu tư xây dựng các khu, CCN cho các dự án dệt may chuyên ngành theo chuỗi sản xuất. Đơn cử như KCN chuyên ngành theo chuỗi sản xuất sợi - vải - may tại Rạng Đông với quy mô giai đoạn 1 là 600ha sẽ được khởi công vào năm 2016. Để hưởng lợi thế về thuế khi nước ta gia nhập TPP, không còn cách nào khác, các doanh nghiệp dệt may phải tuân thủ quy tắc “xuất xứ từ sợi”, chủ động đầu tư phát triển khâu sản xuất các loại nguyên phụ liệu như: sợi, vải, chỉ và một phần xơ thiên nhiên (tơ tằm). Trong những năm qua, một số doanh nghiệp lớn của tỉnh đã đầu tư dây chuyền, thiết bị để sản xuất thành công nhiều loại nguyên liệu sợi khác nhau. Đồng chí Phạm Văn Miêng, Tổng Giám đốc Tổng Cty CP Dệt may Nam Định cho biết: Trong những năm qua, Tổng Cty đã tự chủ được nhiều khâu trong chuỗi giá trị ngành dệt may như: sản xuất được các loại sợi 100% cotton, 100% PE, 100% Visco, T/C, C.V.C, T/R có chi số từ Ne 7 đến Ne 60; các loại vải: co giãn, ka ki, 100% cotton, 100% Visco, T/C, C.V.C, T/R Filament… tẩy trắng, nhuộm màu, in hoa, ca-rô…; các loại khăn ăn, khăn bông dệt từ sợi xe, sợi đơn; trang phục các loại. Cty CP Dệt lụa Nam Định ngoài sản phẩm truyền thống là lụa tơ tằm thiên nhiên với sản lượng 300 nghìn mét/năm, Cty còn sản xuất các sản phẩm phụ trợ khác là: sợi Pe/Co và cotton các loại chi số trung bình là Ne 32, sản lượng 1.000 tấn/năm; vải tuytsi len, PE/CO, cotton và petex với tổng sản lượng gần 4 triệu mét/năm. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp mới đã đầu tư sản xuất (tại các KCN Hòa Xá, Mỹ Trung và CCN An Xá) các sản phẩm đáp ứng quy tắc “từ sợi trở đi” cho ngành dệt may như: Cty CP Dệt may Sơn Nam đầu tư gần 400 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất sợi; Cty CP Thủy Bình đầu tư gần 30 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm sợi len từ nguyên liệu xơ; Cty CP Thúy Đạt đầu tư nhà máy kéo sợi gồm các phân xưởng: sợi có công suất 3.600 tấn sợi các loại/năm; dệt có công suất tối đa gần 1.000 tấn khăn các loại/năm… Ngoài sản phẩm khăn các loại xuất khẩu sang thị trường các nước: Nhật Bản, EU…, đến nay, Cty CP Dệt may Sơn Nam còn sản xuất được nhiều loại sợi nguyên liệu khác như: sợi xe, sợi cọc, sợi OE… Ngoài một số doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư sản xuất đồng bộ từ nguyên phụ liệu (sợi, vải) đến sản xuất (dệt, nhuộm, may) thì phần lớn các doanh nghiệp dệt may trong tỉnh vẫn chỉ dừng lại ở mức gia công đơn thuần. Với lộ trình đến năm 2018, khi thuế nhập khẩu vào những thị trường có tham gia TPP (Mỹ, Nhật Bản) giảm về 0%, các doanh nghiệp nhỏ không đủ tiềm lực tài chính để sản xuất nguyên liệu, đáp ứng quy tắc “từ sợi trở đi” sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể thua ngay trên sân nhà khi không chứng minh được xuất xứ của nguyên liệu. 
 
Để sớm tháo gỡ khó khăn, giải pháp trước mắt đối với các doanh nghiệp chưa đủ tiềm lực đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu là nhanh chóng nghiên cứu, nhận thức đầy đủ về nguyên tắc “từ sợi trở đi” và phải chủ động bám sát các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Trung ương, định hướng của tỉnh để điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh. Ngành dệt may tỉnh ta phải nhìn lại mình một cách khách quan nhằm cơ cấu lại ngành; từng doanh nghiệp có các biện pháp thích ứng để khai thác triệt để cơ hội lớn này bảo đảm đủ năng lực tham gia chuỗi giá trị hội nhập. Trước hết là phải chủ động được nguồn nguyên, phụ liệu được sản xuất trong nước hoặc sản xuất tại 12 nước có tham gia TPP. Đồng thời, phải khẩn trương đầu tư chiều sâu, nâng cấp các nhà máy sẵn có để nâng cao năng lực cạnh tranh và tiến hành quy hoạch, đầu tư mới để đáp ứng yêu cầu về xuất xứ hàng hóa theo quy định của TPP. Đối với nội bộ doanh nghiệp phải đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công nhân theo hướng chuyên môn, chuyên nghiệp, văn hóa, kỷ luật (con người kỷ luật, tư tưởng kỷ luật và hành động kỷ luật). Đặc biệt, cần quan tâm đến đội ngũ kỹ thuật, thiết kế và trình độ ngoại ngữ để chuyển đổi phương thức kinh doanh theo ODM (nhà sản xuất thiết kế gốc, tức là nhà sản xuất cung cấp cho khách hàng mọi dịch vụ liên quan đến sản phẩm theo ý tưởng của khách hàng), OBM (nhà sản xuất tự thiết kế, sản xuất và phân phối)... nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn./. 
 
Bài và ảnh:  Thành Trung


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com