Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Nghĩa Tân

09:03, 14/03/2016
Trong giai đoạn 2011-2015, xã Nghĩa Tân (Nghĩa Hưng) đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp để phát triển sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn, thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về địa phương đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn trong xã đầu tư thiết bị, công nghệ để mở rộng sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Nhờ đó, đến nay, xã Nghĩa Tân đã phát triển được đa dạng các ngành nghề như: mộc, xây dựng, may công nghiệp, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu cói… tạo việc làm cho gần 1.000 lao động địa phương với mức thu nhập từ 2,5-5 triệu đồng/người/tháng.
Sản xuất bánh đa tại cơ sở của ông Mai Văn Thanh, đội 5, xã Nghĩa Tân.
Sản xuất bánh đa tại cơ sở của ông Mai Văn Thanh, đội 5, xã Nghĩa Tân.
Đồng chí Lương Thanh Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Tân cho biết: ngay từ đầu nhiệm kỳ 2011-2015, xã đã tổ chức rà soát thực trạng, xây dựng kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên cơ sở tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương như: vị trí địa lý (có gần 10km tỉnh lộ 490C chạy qua địa bàn), nguồn lao động dồi dào (có gần 3.300 lao động trong độ tuổi)… Ngay từ năm 2012, quỹ đất công của xã đã được quy hoạch tập trung gọn vùng… để xây dựng các công trình phúc lợi và dành cho phát triển sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề từ các nguồn được hỗ trợ kinh phí như: Đề án 1956, khuyến công… cũng được chú trọng. Xã đã tổ chức được gần 10 lớp dạy nghề may công nghiệp, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu miễn phí cho gần 300 lao động địa phương. Đồng thời, xã cũng tạo điều kiện về thủ tục hành chính, đứng ra tín chấp với các tổ chức tín dụng để các cơ sở, hộ sản xuất có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến năm 2015, tổng dư nợ từ các tổ chức tín dụng của xã đã đạt trên 31,2 tỷ đồng với trên 1.000 lượt hộ được vay. Với các biện pháp quyết liệt, đồng bộ trên, đến nay, trên địa bàn xã Nghĩa Tân đã hình thành và phát triển được đa dạng các ngành nghề sản xuất CN-TTCN với 7 cơ sở may công nghiệp (quy mô từ 10-20 lao động); 1 cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu cói (thu hút gần 70 lao động tham gia); 10 xưởng mộc, gần chục đội thợ xây dựng và 1 cơ sở chế biến lương thực - thực phẩm (sản xuất miến gạo)… Cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ cói của chị Vũ Thị Tịnh ở xóm 1 tạo việc làm ổn định cho hơn 70 lao động với thu nhập từ 70-100 nghìn đồng/người/ngày. Cơ sở không ngừng cải tiến đa dạng mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Các sản phẩm cói xuất khẩu đều được Doanh nghiệp tư nhân Ánh Túy ở xã Nghĩa Lợi và đại lý Tiến Hải ở xã Nghĩa Lâm thu mua để tiêu thụ ở các địa phương khác. Cơ sở sản xuất miến gạo của ông Mai Văn Thanh, đội 5 mỗi ngày sản xuất được từ 4-5 tạ miến thành phẩm nhờ làm bằng máy, 2 máy cắt và hệ thống phên, dàn phơi (bằng i-nốc) được đầu tư đồng bộ. Sản phẩm miến gạo của cơ sở sản xuất luôn bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm nên được tiêu thụ mạnh ở trong huyện, trong tỉnh và cả nước. Cơ sở của ông Thanh hiện tạo việc làm cho gần 10 lao động với mức thu nhập từ 130-140 nghìn đồng/người/ngày. Các cơ sở may công nghiệp trên địa bàn xã của các ông, bà: Nguyễn Thị Bảy, Lâm Văn Hoành, Trần Hồng Thi đều ở đội 2; Nguyễn Đình Thi, đội 5; Trần Văn Cường, đội 7… thường nhận gia công các sản phẩm trang phục cho các doanh nghiệp may lớn. Cơ sở may của ông Trần Hồng Thi chính thức hoạt động từ năm 2010 với tổng mức đầu tư trên 200 triệu đồng. Cơ sở chuyên gia công các sản phẩm quần áo bảo hộ lao động cho các doanh nghiệp may ở Thành phố Nam Định và tỉnh Hà Nam. Mỗi tháng, cơ sở của ông Thi sản xuất được trên 6.000 sản phẩm, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động với mức thu nhập bình quân từ 2,5 triệu đồng/người/tháng trở lên. Cùng với đó, nghề mộc cũng phát triển mạnh với nhiều cơ sở lớn, thu hút từ 5-7 lao động thường xuyên như xưởng của các ông: Nguyễn Văn Tưởng, Tống Văn Thịnh, Tống Văn Nghị đều ở đội 5; Nguyễn Văn Tiệp ở đội 8… Cơ sở của ông Nguyễn Văn Tưởng hiện có 6 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân từ 170 nghìn đồng/người/ngày chuyên sản xuất các sản phẩm mộc gia dụng như: bàn, ghế, giường, tủ. Với hệ thống máy móc đầy đủ như: máy xẻ CD, máy mộc liên hoàn (soi mộng, đục, rọc…); các loại máy cầm tay (bào, đánh giấy ráp, khoan)… mỗi tháng tiêu thụ từ 7-8m3 gỗ nguyên liệu; doanh thu hằng tháng đạt từ 70-100 triệu đồng.    
 
Nhờ phát triển mạnh sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của xã Nghĩa Tân đã có sự chuyển dịch tích cực. Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tiếp theo, xã Nghĩa Tân tiếp tục chú trọng thu hút đầu tư, duy trì và phát triển mạnh các ngành nghề đã có và đa dạng nghề mới, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần thực hiện và hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM trước năm 2020./.
 
Bài và ảnh: Thành Trung


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com