Quan tâm sử dụng bền vững tài nguyên đất

07:04, 16/04/2015

Đất đóng vai trò quan trọng, là môi trường nuôi dưỡng các loại cây, là nơi để sinh vật sinh sống, là không gian thích hợp để con người xây dựng nhà ở và các công trình khác. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của ngành chức năng, tài nguyên đất đang ngày càng chịu nhiều tác động tiêu cực, gây ô nhiễm, thậm chí nhiều khu vực còn bị suy thoái nghiêm trọng. Hiện nay, 10% đất có tiềm năng nông nghiệp trên thế giới bị sa mạc hoá và đất ô nhiễm có nguy cơ mất khả năng canh tác. Tại tỉnh ta, ở các điểm quan trắc, đất nông nghiệp đều có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi hoá chất bảo vệ thực vật (BVTV); dư lượng thuốc BVTV trong đất đã xấp xỉ bằng hoặc vượt ngưỡng cho phép. Đặc biệt, tại các khu vực làng nghề sản xuất cơ khí hoặc tái chế kim loại, tình trạng đất bị ô nhiễm kim loại nặng ngày một gia tăng; các mẫu phân tích đất nông nghiệp đều tồn tại các kim loại nặng như: Cu, Pb, Zn. Khi bị ô nhiễm, độc tố trong đất sẽ tích lũy dần vào nguồn nước và các loại cây trồng tạo ra nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Hướng đến mục tiêu sử dụng bền vững tài nguyên đất, hạn chế tối đa mức độ tác động tiêu cực đến sức khỏe con người do ô nhiễm môi trường đất gây ra, các ngành chức năng, các địa phương đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp cải tạo, nâng cao chất lượng đất.

Phun thuốc BVTV đúng cách nhằm hạn chế tối đa lượng thuốc tồn dư, gây hại cho đất.
Phun thuốc BVTV đúng cách nhằm hạn chế tối đa lượng thuốc tồn dư, gây hại cho đất.

Ngành TN và MT đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của tài nguyên đất, các nguy cơ tác động gây suy thoái, ô nhiễm môi trường đất, từ đó nâng cao ý thức của nhân dân trong việc tham gia thực hiện các biện pháp cải tạo, bảo vệ tài nguyên đất. Ngành NN và PTNT cũng chủ động tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp nâng cao chất lượng đất; hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tránh gây ô nhiễm môi trường đất, làm suy thoái đất. Nhờ đó, đến nay, ở các huyện, việc thu gom, xử lý các chai lọ, bao bì đựng phân bón, thuốc trừ sâu sau sử dụng đã được thực hiện, giảm dần tình trạng vứt bỏ bừa bãi, tràn lan. Trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho hoa màu, bà con nông dân đã thực hiện việc phun thuốc BVTV, bón phân đủ liều lượng, hạn chế sự dư thừa kim loại nặng và khả năng làm thay đổi tính chất của đất... Đặc biệt, ngành NN và PTNT đã huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ BVMT đất với các dự án cải tạo chất lượng đất, nâng cao năng suất cây trồng, cải tạo khu chuồng trại chăn nuôi, giảm thiểu mức độ phát sinh, phát tán nguồn ô nhiễm từ sản xuất công, nông nghiệp gây tác hại ô nhiễm đến nguồn đất. Trong đó, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có tác dụng cải tạo đất đã được triển khai hiệu quả và nhân rộng ra diện rộng như: “Mô hình quản lý rầy hại lúa theo hướng hiệu quả - bền vững” giúp cây lúa khoẻ, đẻ nhánh tập trung, nhiều bông, năng suất tăng từ 10 đến 15%; ngoài ra còn giảm được 55,6kg phân đạm/ha, giảm cả số lượng và số lần phun thuốc BVTV. Mô hình này không chỉ đem lại sự cân bằng sinh thái cho đất mà còn giữ vững môi trường sinh thái, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Huyện Nghĩa Hưng nhiều năm nay đã trở thành đơn vị tiêu biểu của toàn tỉnh về nâng cao hiệu quả cải tạo đất bằng biện pháp mở rộng diện tích cây đậu tương trên đất hai lúa. Đây là loại cây trồng cho năng suất, chất lượng, người dân có nhu cầu sử dụng cao đặc biệt có khả năng cải tạo đất hiệu quả. Vào thời điểm thu hoạch cây đậu tương, người dân áp dụng kỹ thuật phun nước muối pha loãng lên toàn bộ diện tích đỗ tương để cây đồng loạt rụng hết lá, chỉ việc thu hoạch chùm quả nên việc thu hoạch vừa nhanh, lại tận dụng thân, lá cây đỗ tương tạo một lượng lớn chất hữu cơ làm giàu cho đất, cung cấp cho cây trồng ở mùa vụ kế tiếp. Theo tính toán người nông dân có thể giảm 10-12% lượng phân bón cho mỗi sào ở vụ tiếp theo mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng trong đất cho cây phát triển, góp phần giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Từ vụ mùa năm 2013, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh tiếp tục đưa mạnh phân bón mới DAP vào đồng ruộng toàn tỉnh. Đây là loại phân có gốc axít nên đã giảm độ chua trong đất xuống trung tính, vì vậy nông dân không phải bón thêm vôi. Ngoài ra, việc bón phân DAP cho ruộng chua trũng còn giúp thải chất sắt, nhôm trong đất chua phèn, tạo thuận lợi cho cây lúa phát triển và góp phần cải tạo đất, nhất là các vùng đồng trũng của các huyện phía bắc tỉnh và các vùng ven đê sông... Trong những năm gần đây, Sở TN và MT đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng thực hiện các chương trình giảm ô nhiễm môi trường trong sản xuất công nghiệp và sinh hoạt. Cụ thể, đã hỗ trợ kinh phí thành lập đội thu gom rác thải; xây kho chứa chất thải nguy hại tại bãi rác tập trung, xây dựng hố ga chứa nước thải, xây ống khói giảm thiểu bụi… tại các làng nghề cơ khí: Vân Chàng, Bình Yên (Nam Trực). Tỉnh cũng đầu tư hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ 116 xã, thị trấn xây dựng và đưa vào sử dụng 95/122 công trình chôn lấp, xử lý chất thải rắn; đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tại các làng nghề Yên Xá (Ý Yên); Xuân Tiến, Xuân Bắc (Xuân Trường); CCN An Xá (TP Nam Định)… Ngành TN và MT cũng đã tập trung rà soát, xác định các điểm ô nhiễm môi trường đất nghiêm trọng và tập trung khắc phục, xử lý. Cụ thể, đã xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do hoá chất BVTV tồn lưu trong sản xuất nông nghiệp tại 3 địa phương có nồng độ ô nhiễm cao là thôn Vạn Diệp, xã Nam Phong (TP Nam Định), xã Bình Hòa và xã Hoành Sơn (Giao Thủy) theo hướng xử lý toàn bộ đất bị ô nhiễm theo phương thức chôn lấp cô lập bằng bê tông kết hợp xử lý hoá học đối với đất ô nhiễm nặng; sử dụng mặt bằng cách xa khu dân cư, lấp đất và đổ lớp bê tông mặt, phủ đất trồng cỏ bên trên. Đối với đất ô nhiễm nhẹ đã tiến hành xử lý hóa học kết hợp biện pháp chống thấm tại vùng tồn lưu hóa chất BVTV, sau đó lấy mẫu kiểm tra đánh giá hiệu quả xử lý và hoàn trả lại mặt bằng. Trong năm 2013, Sở TN và MT đã đề xuất 8 điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do hóa chất BVTV tồn dư để lập dự án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường theo chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường trong năm 2015. Để ngăn chặn, hạn chế các hành vi có thể gây tác động xấu đến nguồn tài nguyên đất, công tác kiểm soát, xử lý vi phạm được ngành TN và MT tăng cường thực hiện với các biện pháp: kiểm tra việc chấp hành pháp luật BVMT của các doanh nghiệp; tổ chức thu phí nước thải...

Hiện tại, Sở TN và MT tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các địa phương quy hoạch, bố trí đất phát triển công nghiệp phù hợp với môi trường xung quanh theo hướng hạn chế thấp nhất khả năng phát tán rộng, tác động xấu của chất thải trên cơ sở xác định rõ các loại hình công nghiệp, lượng phát thải và tính độc hại của các chất thải, giải pháp khống chế, xử lý chất thải trong quá trình hoạt động. Đồng thời, đề nghị các địa phương, các tổ chức đoàn thể tăng cường huy động mọi tổ chức, cá nhân cùng góp sức, nâng cao hiệu quả bảo vệ tài nguyên đất./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com