Nghĩa Thái phát huy tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội

06:04, 25/04/2015

Nằm liền kề Thị trấn Liễu Đề, trung tâm kinh tế - xã hội của huyện Nghĩa Hưng, với trên 2km tỉnh lộ 490C chạy ngang địa bàn và 6km đường giao thông nông thôn mới được đầu tư cải tạo, nâng cấp, xã Nghĩa Thái có nhiều lợi thế phát triển kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực: sản xuất nông nghiệp, phát triển đa dạng ngành nghề sản xuất CN-TTCN nông thôn. Trong nhiệm kỳ 2011-2015, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung thực hiện 3 giải pháp mũi nhọn để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương. Các giải pháp mũi nhọn gồm: ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa; phát triển đa dạng ngành nghề nông thôn theo điều kiện của địa phương và tạo điều kiện về mặt bằng, thủ tục, nguồn vốn để thu hút doanh nghiệp đầu tư về địa bàn.

Sản xuất các sản phẩm mộc tại cơ sở của ông Đàm Văn Khiêm, đội 16, xã Nghĩa Thái.
Sản xuất các sản phẩm mộc tại cơ sở của ông Đàm Văn Khiêm, đội 16, xã Nghĩa Thái.

Xã Nghĩa Thái có trên 490ha đất canh tác, trong đó có 10% diện tích là đất trồng màu và gần 450ha đất hai lúa. Để phát triển sản xuất nông nghiệp, xã đã tập trung chỉ đạo, thực hiện thành công công tác DĐĐT trong năm 2011. Sau DĐĐT, số thửa được giảm xuống còn bình quân 1,42 thửa/hộ (giảm 1 thửa so với trước), hệ thống giao thông - thủy lợi nội đồng được quy hoạch, cải tạo và nâng cấp mở rộng. Thông qua các chiến dịch làm thủy lợi nội đồng cùng với nguồn ngân sách địa phương, các tuyến đường giao thông nội đồng đều được đào đắp, mở rộng nền 3-6m đảm bảo thuận tiện cho sản xuất nông nghiệp của người dân. Riêng năm 2014, xã đã đầu tư hơn 400 triệu đồng bê tông hóa hơn 2km tuyến đường trục chính nội đồng từ xóm Đồng Chùa đến Đồng Gò. Trên cơ sở đó, xã đã hướng dẫn, khuyến khích nhân dân thay đổi tập quán canh tác truyền thống, đổi mới cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ và tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Mỗi năm, xã tổ chức từ 10-12 buổi tập huấn chuyên đề chuyển giao kỹ thuật, phổ biến kiến thức về các tiến bộ khoa học, kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp. Các khâu làm đất, thu hoạch cũng được cải tiến triệt để, toàn xã  hiện có 35 máy cày các loại (trong đó có 2 máy cày to 54 mã lực), 12 máy gặt đập liên hợp. Nhờ đó, 3 năm gần đây, năng suất lúa của xã thường đạt 125-127 tạ/ha, tổng sản lượng lương thực năm 2014 của xã đạt trên 6,2 nghìn tấn. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp của xã đã có sự chuyển đổi tích cực. Ngoài cây lúa, xã chủ trương duy trì diện tích trồng vụ đông trên đất 2 lúa với các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao như: bí xanh, bí đỏ, đậu tương, rau màu các loại… và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi thủy sản theo mô hình gia trại chăn nuôi tổng hợp. Để chủ động phòng tránh dịch bệnh, xã tổ chức tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc, gia cầm; khuyến khích các hộ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng hầm bi-ô-ga để đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh. Toàn xã hiện có trên 30 hộ chăn nuôi gia trại với quy mô từ 80-100 con lợn/lứa, có trên 10 hộ chăn nuôi quy mô lớn đạt thu nhập bình quân từ 150 triệu đồng/năm như hộ các ông: Phạm Văn Thiểm, xóm 2; Đinh Văn Khải, xóm 3; Đồng Văn Oanh, xóm 7; Cù Văn Giàu, xóm 14… Năm 2014, tổng đàn lợn của xã đạt trên 5.530 con, trọng lượng thịt xuất chuồng đạt 276,5 tấn; đàn gia cầm đạt 6.200 con, đàn trâu bò là 102 con. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho nông dân, xã còn chú trọng phát triển ngành nghề nông thôn, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất trên địa bàn. Để phát triển sản xuất CN-TTCN và ngành nghề nông thôn bền vững, xã đã đứng ra tín chấp với các tổ chức tín dụng để hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi tại các ngân hàng: NN và PTNT, CSXH và Quỹ Tín dụng nhân dân với tổng dư nợ tín dụng là 24 tỷ đồng. Nhờ đó, xã Nghĩa Thái đã hình thành và phát triển đa dạng ngành nghề nông thôn như: mộc, dệt chiếu, vê đay, may công nghiệp, khâu nón… Các nghề dệt chiếu, khâu nón được du nhập và nhân cấy thành công nhờ vị trí địa lý nằm liền kề các xã có nghề phát triển mạnh như: Nghĩa Châu (khâu nón), Nghĩa Trung (dệt chiếu)… thu hút trên 130 hộ với khoảng 200 lao động tham gia. Bình quân thu nhập của lao động các nghề khâu nón, dệt chiếu đạt từ 50-70 nghìn đồng/người/ngày. Nghề mộc dân dụng cũng phát triển với gần chục cơ sở với quy mô từ 3-10 lao động. Tiêu biểu là cơ sở của ông Đàm Văn Khiêm, đội 16. Cuối năm 2014, được sự tạo điều kiện về mặt bằng của xã, ông Khiêm đã đầu tư trên 2 tỷ đồng xây dựng gần 1.000m2 nhà xưởng và đầu tư hệ thống máy móc chuyên dụng như: cẩu tự hành (công suất tối đa 5 tấn), máy cưa CD và các loại máy phay, bào, đục vương, đánh chỉ, bóc huỳnh… chuyên nhận phục dựng nhà cổ, sản xuất nội thất cho các công trình xây dựng (sàn, trần, cầu thang, cửa, bàn ghế…). Cơ sở của ông Khiêm hiện thu hút trên 10 lao động thường xuyên với bình quân thu nhập trên 6 triệu đồng/người/tháng; mỗi tháng tiêu thụ từ 15-17m3 gỗ nguyên liệu. Bên cạnh đó, trong năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 xã Nghĩa Thái đã thu hút thành công 2 doanh nghiệp may công nghiệp đầu tư về địa bàn là các Cty: TNHH May Thu Nguyên và CP May Sông Hồng. Đầu năm 2014, được sự tạo điều kiện của xã, Cty TNHH May Thu Nguyên (TP Nam Định) đã đầu tư trên 3 tỷ đồng xây dựng xưởng sản xuất tại xóm 8, chuyên sản xuất các loại trang phục (quần ngắn, áo rét) xuất khẩu sang Hàn Quốc. Với năng lực sản xuất từ 5-6 nghìn sản phẩm/tháng, Cty hiện tạo việc làm cho trên 100 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân trên 3,5 triệu đồng/người/tháng. Tháng 3-2015, Cty CP May Sông Hồng (TP Nam Định) đã đầu tư trên 370 triệu đồng xây dựng khu sản xuất Sông Hồng Nghĩa Hưng trên diện tích 62 nghìn m2 với quy mô 4 xưởng may công nghiệp. Ông Trần Quang Vinh, Giám đốc khu sản xuất Sông Hồng Nghĩa Hưng cho biết: Ngay sau lễ khởi công, Cty đang khẩn trương san lấp mặt bằng để tiến hành xây dựng nhà xưởng, phối hợp với ngành điện lắp đặt trạm biến áp công suất lớn và tổ chức đào tạo nghề cho trên 150 lao động, phần lớn là con em địa phương. Dự kiến đến tháng 10-2015, khu sản xuất Sông Hồng Nghĩa Hưng sẽ hoàn thành và chính thức sản xuất, tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động.     

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội mũi nhọn, cơ cấu kinh tế của xã Nghĩa Thái đã có sự chuyển dịch tích cực. Trong năm 2014, có 7/8 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của xã đã đạt và vượt chỉ tiêu đặt ra. Xã đã hoàn thành 16/19 tiêu chí xây dựng NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia và 3/19 tiêu chí NTM đạt theo quyết định của tỉnh. Vừa qua, xã Nghĩa Thái là 1 trong 5 xã của huyện Nghĩa Hưng được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM tại Quyết định số 426/QĐ-UBND ngày 18-3-2015. Trong thời gian tới, xã Nghĩa Thái tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa, khuyến khích tạo điều kiện cho các hộ phát triển sản xuất, kinh doanh, đưa nghề mới về xã để nâng cao thu nhập cho nhân dân, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com