Nghĩa Hưng tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

08:04, 21/04/2015

Thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Nghĩa Hưng khóa XXIII, BCH Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/HU ngày 1-3-2011 về “Xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội huyện giai đoạn 2011-2015”. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mang tính đột phá, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, Huyện uỷ đã phân công các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của huyện xuống trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, cùng dự họp với cơ sở giúp giải đáp, tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc, nhất là về nhận thức trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM của cán bộ cơ sở. Trên cơ sở đó, đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã và cấp thôn, đội sản xuất đã hiểu rõ trách nhiệm, phương thức, cách làm; đặc biệt là các giải pháp về huy động nguồn lực, cơ chế hỗ trợ, cơ chế quản lý đầu tư, phân nhóm công trình xây dựng cơ sở hạ tầng… và các bước triển khai thực hiện Nghị quyết. Cùng với đó, UBND huyện đã ban hành Hướng dẫn số 120/HD-UBND ngày 15-6-2011 hướng dẫn quản lý dự án đầu tư xây dựng NTM do nhân dân tự tổ chức thực hiện; ban hành các cơ chế, chính sách đầu tư thuỷ lợi gắn với đắp nền đường ra đồng… Trong đó, đã cụ thể hóa phân nhóm các công trình kết cấu hạ tầng xây dựng NTM, gồm: Nhóm 1 là các công trình xây dựng trực tiếp do UBND xã làm chủ đầu tư như đường giao thông xã, liên xã, NVH, trung tâm văn hóa thể thao xã, trường học, trạm y tế, chợ, bãi chôn lấp rác thải, đường điện… phục vụ lợi ích cộng đồng toàn xã do ngân sách Nhà nước các cấp đảm nhiệm. Nhóm 2 là các công trình do thôn, xóm trực tiếp quản lý phục vụ lợi ích thiết thực cho thôn, xóm như: Cứng hóa hệ thống kênh mương thoát nước thải khu dân cư, NVH thôn, đường thôn, xóm, đường ra đồng, cứng hóa kênh cấp 3… Kinh phí thực hiện các công trình nhóm 2 Nhà nước hỗ trợ không quá 50%, nhân dân đóng góp và huy động các nguồn lực từ 50% giá trị công trình trở lên. Nhóm 3 là các công trình nhà ở của nhân dân, chỉnh trang trong khuôn viên thổ cư, đường vào ngõ… do nhân dân tự làm theo quy hoạch. Ngoài ra, trên cơ sở cân đối nguồn lực địa phương và các nguồn hỗ trợ để triển khai xây dựng NTM, huyện ủy đã phân loại các công trình ưu tiên đầu tư xây dựng theo 5 nhóm tiêu chí thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM như: Các công trình hạ tầng NTM (giao thông, thuỷ lợi, trụ sở xã, trường học, trạm y tế xã, NVH thôn, bãi chôn lấp rác thải…); phát triển sản xuất nâng cao thu nhập; xây dựng củng cố thiết chế văn hoá, xây dựng hệ thống chính trị…

Hệ thống kênh Thống Nhất tại Thị trấn Liễu Đề được nâng cấp, cải tạo đảm bảo phục vụ tốt tưới tiêu.
Hệ thống kênh Thống Nhất tại Thị trấn Liễu Đề được nâng cấp, cải tạo đảm bảo phục vụ tốt tưới tiêu.

Từ kết quả phân chia các nhóm công trình trên, nhân dân thấy thiết thực hơn, dễ bàn bạc thống nhất, dễ kiểm tra giám sát và tạo đồng thuận cao. Các công trình phục vụ trực tiếp cho nhân dân thôn, xóm thì đóng góp theo nhân khẩu, các công trình ngoài đồng thì đóng góp theo diện tích. Do đó đã tạo cơ sở để nhân dân bàn bạc đóng góp xây dựng và huy động các nguồn lực từ con em địa phương xa quê cùng thực hiện một cách thiết thực, trách nhiệm và hiệu quả để xây dựng NTM. Đây chính là cách làm mới, sáng tạo của Huyện uỷ Nghĩa Hưng so với cách làm của các địa phương khác trong tỉnh khiến công tác giải phóng mặt bằng, hiến đất, góp đất để xây dựng các công trình đã trở thành phong trào rộng khắp trên toàn huyện. Đến nay, các tuyến đường trục huyện đã đầu tư cải tạo, nâng cấp 7 tuyến với chiều dài 35/60,1km, với tổng kinh phí đầu tư 340 tỷ đồng. Hệ thống đường nối từ tỉnh lộ, đường trục huyện đến trung tâm các xã, thị trấn đã đầu tư xây được 5 đoạn với chiều dài 7,6/11km với mức kinh phí đầu tư hơn 34 tỷ đồng. Các tuyến đường xã, liên xã theo chương trình WB và chương trình mục tiêu như đường Nghĩa Hồng, Nghĩa Thắng, Nghĩa Sơn, Nghĩa Hùng, Quỹ Nhất - Nghĩa Phú, Nam Điền, Nghĩa Phúc đều đã được mở rộng và nâng cấp đạt tiêu chuẩn NTM. Ngoài ra, toàn huyện đã cải tạo, nâng cấp được 102,3km đường liên thôn, đường thôn, xóm, nâng tổng số đường thôn, xóm đã đạt tiêu chí NTM lên 542,6/609,6km. Đến nay, toàn huyện có 683,8/1.041,6km đường thôn, xóm và đường ra đồng đạt tiêu chí NTM bằng 65,6%, đối với 9 xã xây dựng NTM đã đạt 100%. Các tuyến kênh cấp 1 và cấp 2 gồm kênh Quần Vinh II; kênh Đại Tám, kênh Bình Hải 1, 2; kênh Âm Sa 14A đã được kiên cố hoá với tổng kinh phí đầu tư 307 tỷ đồng. Ngoài ra, hệ thống kênh cấp 3 trong vùng vụ đông và trong khu dân cư được kiên cố hoá 179,0/340,9km đạt 52,5%. Toàn huyện đã có 23 xã, thị trấn đạt tiêu chí có trụ sở kiên cố 2 tầng trở lên đảm bảo yêu cầu làm việc. Trong 4 năm, huyện đã đầu tư xây dựng 249 phòng học cao tầng và các hạng mục công trình phụ trợ cho các cấp học. Đến nay đã có 2/6 trường THPT, 20/26 trường THCS; 33/33 trường tiểu học và 20/26 trường mầm non có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia. Bệnh viện đa khoa Nghĩa Hưng, Bệnh viện đa khoa Nghĩa Bình, Trung tâm Y tế dự phòng và các trạm y tế xã, thị trấn đã được đầu tư nâng cấp cả về hạ tầng lẫn cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Toàn huyện có 245/292 thôn xóm có NVH đạt 83,6% mục tiêu đề ra. Tất cả các chợ nông thôn đều được cải tạo, nâng cấp đáp ứng yêu cầu giao lưu hàng hóa cho nhân dân. Các công trình khác như nhà máy nước sạch, bãi chôn lấp xử lý rác thải cũng được quan tâm đầu tư. Trong đó, huyện đã triển khai xây dựng nhà máy nước sạch tại Thị trấn Quỹ Nhất, xã Nghĩa Trung - Thị trấn Liễu Đề và xã Nghĩa Minh cung cấp nước sạch cho 4 xã, thị trấn và các vùng lân cận với tổng kinh phí đầu tư 105 tỷ đồng. Nhà máy nước Thị trấn Quỹ Nhất và Nghĩa Trung đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2013, nhà máy nước Nghĩa Minh dự kiến hoàn thành quý III-2015. Huyện đã đầu tư xây dựng mới 7 bãi chôn lấp, xử lý rác thải tập trung, nâng tổng số xã, thị trấn có bãi chôn lấp, xử lý rác thải lên 12/25 xã, thị trấn.

Qua 4 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/HU của huyện ủy, bằng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện cùng với nguồn vốn đóng góp tự nguyện từ nhân dân, toàn huyện đã huy động được hơn 3.313,94 tỷ đồng để đầu tư các hạng mục công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế. Toàn huyện đã có 8/9 xã đạt chuẩn NTM bao gồm Nghĩa Thịnh, Nghĩa Thái, Nghĩa Phong, Nghĩa Bình, Nghĩa Lợi, Nghĩa Sơn, Nghĩa Minh và Thị trấn Quỹ Nhất. Hạ tầng sản xuất nông nghiệp ngày càng hoàn thiện tạo ra các vùng chuyên canh, cánh đồng mẫu lớn và sản xuất vụ đông không ngừng tăng cả về diện tích và sản lượng góp phần tạo thêm thu nhập cho bà con nông dân. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 11,44%, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt hơn 28 triệu đồng/người/năm. Đây sẽ là tiền đề vững chắc để huyện hoàn thành các mục tiêu theo nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII đã đề ra trong giai đoạn 2011-2015./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com