Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch

08:04, 22/04/2015

Nguồn nhân lực du lịch là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch chất lượng cao và bền vững. Xác định rõ điều đó, thời gian qua, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tích cực đẩy mạnh việc đào tạo, nâng cao số lượng, chất lượng lao động du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Tuy nhiên, lực lượng lao động du lịch của tỉnh vẫn còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng.

Nhân viên Khách sạn Minh Hạnh 3, Khu du lịch biển Quất Lâm (Giao Thuỷ) chuẩn bị phục vụ thực khách.
Nhân viên Khách sạn Minh Hạnh 3, Khu du lịch biển Quất Lâm (Giao Thuỷ) chuẩn bị phục vụ thực khách.

Lao động trong ngành du lịch được phân làm 2 đối tượng là lao động trực tiếp và lao động gián tiếp. Lao động trực tiếp là số lao động làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch như lễ tân, buồng, bàn... Lao động gián tiếp là lao động tham gia vào các hoạt động dịch vụ phục vụ khách du lịch tại các điểm tham quan du lịch như chụp ảnh lưu niệm, trông giữ phương tiện, cho thuê phao bơi, bán quà lưu niệm... Theo số liệu của Sở VH, TT và DL, toàn tỉnh hiện có khoảng 3.200 lao động trực tiếp và hàng nghìn lao động gián tiếp tập trung chủ yếu tại Khu du lịch biển Quất Lâm (Giao Thuỷ), Khu du lịch biển Thịnh Long (Hải Hậu), Thành phố Nam Định và các vùng phụ cận. Là cơ sở duy nhất đào tạo nguồn nhân lực du lịch của tỉnh, những năm qua Trường Trung cấp nghề thương mại - du lịch - dịch vụ (Sở LĐ-TB và XH) đã duy trì các lớp đào tạo quản trị khách sạn, kỹ thuật chế biến thức ăn. Sau khi học xong lý thuyết, các học viên đều được nhà trường gửi vào các cơ sở du lịch học thực hành theo hình thức “cầm tay, chỉ việc” nên chất lượng học viên khá tốt. Quan tâm đào tạo nguồn du lịch đạt chuẩn, hằng năm Sở VH, TT và DL phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ VH, TT và DL, các huyện, thành phố, các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh mở các lớp tập huấn nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch, lễ tân, buồng, bàn, quản lý các cơ sở lưu trú để cấp chứng chỉ. Năm 2014, Sở VH, TT và DL, Hiệp hội Du lịch tỉnh, Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch) đã phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ khách sạn cho 150 nhân viên lễ tân, buồng, phòng của 25 cơ sở lưu trú Khu du lịch biển Quất Lâm, Khu du lịch biển Thịnh Long, Thành phố Nam Định phục vụ Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII-2014. Cũng trong năm 2014, Sở VH, TT và DL phối hợp với các cơ quan hữu quan lựa chọn cán bộ quản lý doanh nghiệp đào tạo đại học, cao đẳng, tạo điều kiện cho cán bộ đi tham quan học hỏi trao đổi kinh nghiệm tại các tỉnh, thành phố... Ở các Khu du lịch biển Quất Lâm, Thịnh Long, trước mỗi mùa du lịch biển, hằng năm, BQL các khu du lịch đều phối hợp cơ quan chức năng của huyện Giao Thuỷ, huyện Hải Hậu tổ chức bồi dưỡng kiến thức lễ tân, buồng, bàn cho đội ngũ lao động tại các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch. Bên cạnh sự “vào cuộc” của các ngành, các cấp, nhiều cơ sở kinh doanh du lịch đã đổi mới công tác tuyển dụng lao động bằng việc tuyển nhân viên có trình độ, tay nghề; có cơ sở tự mời giảng viên các trường nghiệp vụ du lịch về dạy nghề cho đội ngũ cán bộ, nhân viên; tổ chức các cuộc thi nghiệp vụ nội bộ để khích lệ mỗi cán bộ, nhân viên nâng cao tinh thần tự học, tự hoàn thiện. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch có nguồn lao động chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách. Ở Khách sạn Công đoàn Thịnh Long để nâng cao chất lượng phục vụ du khách, hằng năm khách sạn có chính sách “xoay vòng” đội ngũ nhân viên bằng việc gửi lên Hà Nội đào tạo, đào tạo lại. Đến nay, đội ngũ buồng, bàn, lễ tân của khách sạn cơ bản được chuẩn hoá, tác phong phục vụ chuyên nghiệp. Một trong những “bí quyết” để Cty CP Du lịch TASCO (TP Nam Định) luôn đi đầu trong hoạt động kinh doanh lữ hành của tỉnh là đã chú trọng tuyển chọn đội ngũ hướng dẫn viên được đào tạo chính quy tại các trường đại học, cao đẳng, thành thạo ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong nước và quốc tế, mỗi năm Cty đạt doanh thu khoảng 30 tỷ đồng.

Mặc dù chất lượng nguồn nhân lực du lịch từng bước được nâng lên nhưng vẫn còn thấp so với yêu cầu đặt ra. Trong tổng số 3.200 lao động trực tiếp, chỉ có 13,5% số lao động có trình độ đại học, cao đẳng, 14% lao động có trình độ trung cấp và sơ cấp nghề, còn lại 72,5% là lao động đào tạo khác và chưa qua đào tạo. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tại chỗ mới chỉ chiếm 20%. Tính chuyên nghiệp của đội ngũ lao động ở nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chưa cao. Lực lượng lao động ở các khu du lịch biển còn mang tính mùa vụ, chủ yếu chưa qua đào tạo. Các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh có thời gian hoạt động trong một năm không dài, mức thu nhập thấp nên không thu hút được lao động, nhất là nguồn lao động chất lượng cao, được đào tạo chính quy, bài bản. Chất lượng đào tạo nhân lực lao động du lịch cũng chưa thật sự hấp dẫn các doanh nghiệp; nhiều lao động phải đào tạo, đào tạo lại mới đáp ứng được yêu cầu công việc.

Để giải quyết “bài toán” về thiếu hụt số lượng, yếu về chất lượng đội ngũ lao động du lịch, thời gian tới các ngành, các địa phương cần tập trung triển khai hoạt động hướng nghiệp du lịch tại các trường THPT, thậm chí từ năm cuối cấp THCS; nâng cao chất lượng đào tạo nghề du lịch, gắn đào tạo với nhu cầu của doanh nghiệp. Sở VH, TT và DL cần tổ chức nhiều hơn nữa các khóa đào tạo nâng cao nhận thức và trang bị các kỹ năng kinh doanh, giao tiếp du lịch cho cộng đồng người dân tại các khu vực trọng điểm phát triển du lịch; yêu cầu các chủ đầu tư các dự án du lịch lớn phải xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực ngay từ khi triển khai xây dựng; tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về phát triển nguồn nhân lực với các địa phương khác. Cùng với phát triển đủ số lượng lao động, ngành Du lịch tỉnh cần thiết phải có chính sách, các chế độ ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực du lịch có trình độ cao về công tác tại địa phương, nhất là cán bộ quản lý giỏi và lực lượng hướng dẫn viên chuyên nghiệp; thực hiện xã hội hoá công tác đào tạo; khuyến khích các doanh nghiệp du lịch tổ chức các khoá đào tạo nâng cao nghiệp vụ và ngoại ngữ tại chỗ cho lao động…; qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần đưa ngành Du lịch tỉnh phát triển tương xứng với tiềm năng./.

Bài và ảnh: Thanh Ngọc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com