Mô hình trồng hoa và rau an toàn trong nhà lưới ở Mỹ Thắng

07:04, 16/04/2015

Hiện nay, ở nhiều địa phương mô hình trồng rau, hoa trong nhà lưới khá phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên ở tỉnh ta, mô hình này mới bắt đầu hình thành và một trong những người đầu tiên áp dụng mô hình này là anh Trần Trọng Việt, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc).

Cán bộ HND tham quan mô hình trồng hoa, rau an toàn trong nhà lưới của gia đình anh Trần Trọng Việt, làng Sắc, xã Mỹ Thắng.
Cán bộ HND tham quan mô hình trồng hoa, rau an toàn trong nhà lưới của gia đình anh Trần Trọng Việt, làng Sắc, xã Mỹ Thắng.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở làng Sắc, xã Mỹ Thắng, hằng ngày, sau thời gian học tập, Việt lại phụ giúp bố mẹ việc đồng áng, ruộng vườn. Năm 2008, tốt nghiệp Khoa Công nghệ môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội) với tấm bằng cử nhân loại khá, cũng như bao lứa bạn khác, Việt tìm kiếm việc làm ở một Cty chuyên về lắp đặt thiết bị vệ sinh, nước, khí thải ở Hà Nội… Những năm làm việc ở Cty, Việt được “va chạm” nhiều với công nghệ lắp đặt hệ thống tưới tiêu, thiết bị vệ sinh môi trường phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Cơ duyên đến với Việt khi được gặp tiến sĩ Đào Xuân Thảng, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và cây thực phẩm khi ông đang triển khai và áp dụng công nghệ tưới của I-xra-en vào sản xuất nông nghiệp ở các vùng nông thôn. Với sự giúp đỡ của tiến sĩ Thảng, tháng 9-2014, Việt quyết định trở về quê lập nghiệp xây dựng mô hình trồng hoa và rau trong nhà lưới. Được bố mẹ, gia đình ủng hộ, có bao nhiêu vốn liếng tích lũy được, Việt tập trung vào xây dựng mô hình, đầu tư mua sắm trang thiết bị tưới, máy làm đất... Để có diện tích canh tác, Việt làm đơn xin UBND xã nhận đấu thầu khu đất bãi thuộc xóm 7, gần sông Châu Giang, vốn là đất để hoang lâu năm. Theo Việt cho biết, khu đất này có địa thế gần sông, mà nguồn nước sông Châu Giang đảm bảo được độ sạch theo yêu cầu. Còn đất cũng đảm bảo độ tơi, xốp, chất dinh dưỡng. Với diện tích trên 4.000m2, anh đã tập trung vốn, đầu tư xây dựng nhà lưới trồng các loại hoa và rau màu. Vụ đông năm 2014, Việt đã tập trung trồng thử nghiệm các loại rau như: cà chua bi, dưa chuột, củ cải trắng, củ cải đỏ, su hào và hoa ly, hoa loa kèn. Việt lựa chọn loại nhà được phủ hoàn toàn bằng lưới cả trên mái cũng như xung quanh, có cửa ra vào cũng được phủ kín bằng lưới nhằm ngăn ngừa côn trùng thâm nhập (chủ yếu là các loại bướm, bọ cánh cứng, nhóm côn trùng bay được). Khung nhà được làm bằng khung sắt hàn, đảm bảo cao độ từ 2 đến 4m. Cây trồng trong loại nhà này cũng hạn chế được sâu, bọ do ít phải dùng thuốc bảo vệ thực vật. Nếu trồng rau trong mùa đông, nhiệt độ, độ ẩm sẽ được đảm bảo; nếu trồng vào mùa hè, cũng sẽ hạn chế được ánh nắng hoặc mưa to. Sau một vụ sản xuất, qua đánh giá, mô hình có nhiều kết quả khả quan. Đó là trên cùng một diện tích canh tác, sản lượng rau đảm bảo chất lượng, yêu cầu của tiêu chuẩn VietGAPH. Trong khi đó, công chăm bón, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giảm từ 50-70%. Điều mà Việt tâm đắc nhất từ mô hình này là hạn chế được một lượng lớn phân bón và thuốc trừ sâu vẫn thường dùng cho rau như trước đây. Vì vậy, rau sản xuất ra đảm bảo an toàn góp phần bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng. Đánh giá về giá trị thu nhập, nhưng trước đây với 5 sào rau, anh chỉ thu được khoảng 50 triệu đồng/năm. Nhưng với mô hình trồng trong nhà lưới thì thu nhập của mô hình lên đến trên 100 triệu đồng, tăng gấp đôi so với cách trồng rau truyền thống. Hơn nữa, nếu so với cách trồng thông thường, 1 vụ thu hoạch 3-4 đợt rau, nhưng nếu được trồng trong nhà lưới, 1 vụ có thể thu hoạch từ 5-7 đợt do thời gian sinh trưởng của rau nhanh hơn mà chất lượng rau vẫn đảm bảo. 

Thời gian tới, anh Việt đang có kế hoạch tiếp tục đầu tư giàn tưới phun nước tự động trong vườn rau của mình trong thời gian tới để hạn chế công chăm sóc. Anh còn cho biết có rất nhiều người trồng rau từ các xã khác trong huyện, tỉnh đã đến học hỏi cách trồng rau trong nhà lưới và được anh tận tình hướng dẫn về kỹ thuật. Từ hiệu quả bước đầu mô hình trồng rau trong nhà lưới của anh Việt, vừa qua, Hội Nông dân huyện Mỹ Lộc có chủ trương tuyên truyền và nhân rộng mô hình này trong toàn huyện để đảm bảo nguồn rau sạch cung cấp cho người dân và các KCN trên địa bàn.

Ngoài việc tăng thu nhập, mô hình trồng rau trong nhà lưới còn tạo việc làm cho người lao động ở địa phương, tận dụng lao động nông nhàn, tạo ra tập quán sản xuất rau an toàn, phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chỗ, đồng thời cung cấp rau quanh năm cho thị trường, chống thiếu rau trong mùa khô. Với việc triển khai mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới theo hướng VietGap chắc chắn sẽ tạo được bước đột phá mới trong việc đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất, giúp nghề trồng rau ở Mỹ Thắng nói riêng và nghề trồng rau màu nói chung ở tỉnh ta ngày càng phát triển, đồng thời nâng cao thu nhập của người nông dân, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com