Tam Thanh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào phát triển kinh tế

08:03, 24/03/2015

Nằm ở ngay trung tâm huyện, xã Tam Thanh (Vụ Bản) có địa hình đa dạng, không bằng phẳng với dải đất trũng ven sông Sắt, khu vực núi Gôi và vùng đất gò, bãi chuyển tiếp giữa đồng bằng và đồi núi nên Đảng ủy, UBND xã đã chọn giải pháp đưa ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Sản xuất thức ăn chăn nuôi quy mô công nghiệp tại xã Tam Thanh.
Sản xuất thức ăn chăn nuôi quy mô công nghiệp tại xã Tam Thanh.

Để tạo điều kiện đưa tiến bộ KHKT vào phát triển sản xuất, xã đã chủ động hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như đường giao thông nội đồng, giao thông nông thôn, trạm bơm và hệ thống mương máng đảm bảo tưới, tiêu nước thuận lợi. UBND xã quy hoạch lại ruộng đất cho phù hợp với mục đích sản xuất và khuyến khích nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chủ động mời cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, Trạm Bảo vệ thực vật huyện về tập huấn, chuyển giao KHKT, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; giới thiệu những mô hình hiệu quả mang lại giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện đồng đất của địa phương để người dân tham quan học tập. Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể lồng ghép tuyên truyền về hiệu quả và hướng dẫn nhân dân việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất và đời sống. UBND xã hỗ trợ một phần kinh phí tập huấn, chuyển giao KHKT và tín chấp để người dân được vay vốn phát triển sản xuất, cải tạo môi trường sống. Xã sẵn sàng tiếp nhận, tạo điều kiện cho các đơn vị nghiên cứu Trung ương, trường đại học, các sở, ngành trong tỉnh đề xuất phối hợp tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án ứng dụng tiến bộ KHKT vào thực tế cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Trên cơ sở đó, xã Tam Thanh đã phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đồng đất quê hương với việc chuyển đổi thành công cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo đà cho sản xuất nông nghiệp phát triển. Tại vùng trồng lúa, trồng màu, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được áp dụng như đưa vào sản xuất nhiều giống lúa mới sau khảo nghiệm; áp dụng kỹ thuật gieo sạ hàng cả hai vụ lúa xuân và lúa mùa; phối hợp với Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (Bộ NN và PTNT) bón chế phẩm sinh học cho rau màu và lúa thay thế phân hóa học; áp dụng quy trình “3 giảm, 3 tăng” trong canh tác lúa... Hiện tại trên địa bàn xã đã hình thành vùng sản xuất nông sản hàng hóa chuyên canh lúa, rau màu và chăn nuôi. Tại vùng đất trũng ở các thôn Phú Thọ, Dư Duệ, Quảng Cư và Lê Xá đã hình thành các trang trại, gia trại chăn nuôi tổng hợp theo mô hình VAC với tổng diện tích 100ha được đầu tư, cải tạo đáp ứng yêu cầu chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi thủy sản theo quy mô công nghiệp. Nhờ nắm vững kỹ thuật và có cơ sở hạ tầng đáp ứng tưới, tiêu thuận lợi nên sản lượng thủy sản mỗi năm của xã đều tăng lên, thị trường tiêu thụ ổn định, cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với cấy lúa. Nhiều hộ có diện tích trên 1ha, cho thu nhập cao như hộ các ông Dương Văn Cần (thôn Quảng Cư), Lê Văn Hòa, Lê Văn Toản (thôn Lê Xá), Bùi Văn Phiếu, Phạm Văn Hiệp (thôn Phú Thọ)… Cùng với nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ đã áp dụng kỹ thuật nuôi gà an toàn sinh học quy mô công nghiệp với sản lượng cung ứng ra thị trường mỗi năm hàng trăm tấn gà thịt, góp phần đưa tổng giá trị thu nhập từ chăn nuôi và nuôi trồng thủy, hải sản của xã đạt 18 tỷ đồng. Tại trang trại nuôi gà công nghiệp của gia đình anh Phạm Văn Lương ở thôn Phú Thứ được đầu tư đồng bộ theo công nghệ chăn nuôi gia công của JaPa (In-đô-nê-xi-a) từ chuồng trại, hệ thống quạt thông gió, thiết bị điều khiển nước uống tự động đến khu cách ly, khử trùng cho nhân viên và dụng cụ chăn nuôi trước khi tiến hành chăm sóc nên đàn gà sinh trưởng phát triển tốt, không bị nhiễm dịch bệnh. Trung bình mỗi năm, trang trại của gia đình anh cung ứng ra thị trường các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nội, Hà Nam gần 30 nghìn con gà thịt chất lượng cao.

Cùng với việc hướng dẫn nhân dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào canh tác, xã còn chủ động kêu gọi, tạo điều kiện cho các tổ chức nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp sản xuất vật tư nông nghiệp triển khai xây dựng mô hình thí điểm và áp dụng thử nghiệm kết quả nghiên cứu khoa học trước khi nhân ra diện rộng. Nhiều mô hình liên kết ứng dụng tiến bộ KHKT thử nghiệm giữa nhân dân trong xã với các tổ chức nghiên cứu thực hiện trên địa bàn xã đã mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Phối hợp với Sở KH và CN đưa CNTT vào giảng dạy tại trường THCS xã; phối hợp với Sở NN và PTNT triển khai dự án LCasp (nông nghiệp các-bon thấp) để làm sạch môi trường chăn nuôi, sử dụng năng lượng tái tạo sau chăn nuôi vào sinh hoạt và canh tác thông qua hệ thống hầm khí bi-ô-ga bằng nhựa composite; phối hợp với Trường Đại học Điều dưỡng, Viện Lão khoa quốc gia triển khai mô hình “Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi dựa vào cộng đồng”; tham gia đề tài nghiên cứu “Một số giải pháp nâng cao kiến thức về bệnh tay - chân - miệng cho các bà mẹ có con dưới 2 tuổi"...

Việc thực hiện các mô hình, dự án ứng dụng tiến bộ KHKT ở Tam Thanh không chỉ đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống mà còn giúp người dân giải quyết những khó khăn tồn tại trong cuộc sống hằng ngày như trang bị kiến thức chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, chăm sóc trẻ nhỏ và dự phòng sử dụng những bài thuốc dân gian trong điều trị bệnh, hạn chế sự can thiệp của thuốc tây... Năm 2014, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 23 triệu đồng/năm, tăng khoảng 8% mỗi năm. Xã còn là đơn vị dẫn đầu huyện trong việc phòng chống các loại dịch bệnh./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com