"Quả ngọt" từ vùng chuyển đổi

08:03, 24/03/2015

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, được sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, đến nay, xã Trực Chính (Trực Ninh) đã xây dựng được các vùng chuyển đổi cho hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2014, gia đình anh Phạm Ngọc Nam, xóm An Trạch, xã Trực Chính (Trực Ninh) thu nhập 250 triệu đồng từ cây thanh long ruột đỏ.
Năm 2014, gia đình anh Phạm Ngọc Nam, xóm An Trạch, xã Trực Chính (Trực Ninh) thu nhập 250 triệu đồng từ cây thanh long ruột đỏ.

Đi dọc theo tuyến đê hữu sông Hồng đoạn thuộc xã Trực Chính, chúng tôi cảm nhận được sự “thay da đổi thịt” từng ngày của một vùng đất ven sông. Trước kia, nơi đây chỉ là những thùng đào, thùng đấu hoang hóa, nay đã khoác lên mình tấm áo mới với những ao cá, vườn cây… xanh ngút ngàn. Những chiếc ao vuông vắn được xây gạch, lát bê tông với hệ thống cống tưới, tiêu nước, dưới ao cá lao xao quẫy, trên bờ những dãy chuồng trại xây dài nuôi gà, vịt, ngan, lợn, trâu, bò… xung quanh là cây thế, cây cảnh, cây ăn quả, lạc, rau… đủ loại. Hiện nay, trên khu vực trong và ngoài đê của xã đã hình thành hơn 100 trang trại, gia trại tổng hợp kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhiều hộ nông dân. Trang trại của anh Phạm Ngọc Nam, xóm An Trạch được bố trí khoa học giữa vườn thanh long và các ao nuôi thuỷ sản. Từ năm 2011, anh đấu thầu 2ha đất công và thuê máy xúc tôn cao vườn, đào ao. Sau khi, hoàn thành cải tạo vườn, anh đã đầu tư trồng 1.200 trụ thanh long ruột đỏ giống Long Định 1 (H14). Năm đầu tiên, anh thu hoạch được 2,2 tấn quả, với giá bán bình quân 35 nghìn/kg, sau khi trừ chi phí anh thu về 55 triệu đồng. Về kỹ thuật chăm sóc thanh long, anh Nam cho biết: Thanh long ruột đỏ tuy dễ trồng nhưng tốn nhiều công chăm sóc, đòi hỏi người trồng phải am hiểu kỹ thuật cũng như cách xử lý cho cây ra hoa quanh năm. Ngoài ra, người trồng cần thường xuyên cắt tỉa bỏ những nhánh già, không còn khả năng cho quả để tập trung nuôi dưỡng các nhánh khỏe mạnh. Cây thanh long càng lâu năm tuổi thì khả năng cho quả càng cao. Hiện nay, vườn thanh long của anh đã bước sang năm thứ 3, bình quân mỗi năm cho thu hoạch trên 10 tấn quả, thu lãi trên 250 triệu đồng. Ngoài việc trồng thanh long ruột đỏ, anh còn nhân giống và bán cho các khách hàng trong và ngoài tỉnh với giá bán 5.000 đồng/hom, đồng thời tư vấn kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ cho những người chưa có kinh nghiệm. Năm 2014, gia đình anh Nam đã thu 350 triệu đồng từ trồng thanh long ruột đỏ và nuôi cá truyền thống. Không chỉ gia đình anh Nam, nhiều hộ nông dân ở vùng chuyển đổi có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hộ ông Mai Văn Nghiêm, xóm An Vinh với diện tích 2ha, ngoài nuôi các loại cá truyền thống trắm, trôi, mè, chép, ông còn nuôi lợn, gà, vịt… Năm 2014, doanh thu từ trang trại của ông đạt trên 400 triệu đồng. Hộ anh Lê Hồng Quân, xóm Dịch Diệp nuôi 150 con lợn/lứa, mỗi năm lãi 300-400 triệu đồng. Hộ ông Nguyễn Tuấn Long, xóm An Thành có 1,2ha nuôi thủy sản và nuôi gà lãi 200-300 triệu đồng/năm… Đồng chí Đinh Xuân Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Để khuyến khích, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nuôi thủy sản theo quy mô trang trại, gia trại, xã Trực Chính thực hiện hiệu quả việc cho thuê đất ưu đãi ở các vùng chuyển đổi; hướng dẫn, giúp đỡ nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng; đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao các tiến bộ KHKT trong chăn nuôi và nuôi thủy sản. Trong chăn nuôi, xã hướng các hộ dân từng bước ứng dụng công nghệ, quy trình chăn nuôi theo hướng VietGAP; khuyến khích các hộ thực hiện việc liên kết trong chăn nuôi từ việc tìm đầu ra cho sản phẩm đến việc trao đổi kinh nghiệm, liên kết, hỗ trợ nhau trong phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Do đó, các hộ nông dân trong xã đã thực hiện các quy trình, nguyên tắc trong chăn nuôi; thực hiện nghiêm ngặt việc tiêm vắc-xin phòng ngừa dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và phun khử trùng tiêu độc chuồng trại theo định kỳ. Vì vậy, có những thời điểm, dịch cúm gia cầm H5N1, dịch tả lợn, dịch lợn tai xanh… diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh nhưng toàn bộ đàn vật nuôi tại xã luôn được đảm bảo an toàn. Trong phát triển nuôi thủy sản, xã khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ nuôi ở quy mô lớn để cùng hỗ trợ, giúp nhau phát triển, tập trung nuôi thủy sản theo hướng hàng hóa bền vững, thân thiện với môi trường; thực hiện hiệu quả việc kiểm soát, khống chế dịch bệnh, giảm chi phí nuôi thả, đảm bảo về VSATTP. Riêng 85ha vùng bãi của xã với 25 hộ đang canh tác, trong những năm gần đây, được sự đầu tư của tỉnh, huyện, xã và đóng góp của các hộ dân đã hình thành hệ thống tưới, tiêu nước hoàn chỉnh và trạm bơm tưới Cánh Cát với công suất 3.000m3/h đã chuyển đổi khu này từ cấy một vụ lúa bấp bênh sang luân canh trồng màu 3 vụ, hiệu quả gấp nhiều lần cấy lúa. Từ cây ngô, lạc năng suất thấp, các hộ nông dân đã chuyển sang trồng ngô lai VN99; giống lạc Sán Dầu 30, Sán Dầu 207, L18… cho năng suất, chất lượng, sản phẩm dễ tiêu thụ... Ngoài ra, xã còn liên kết với Trung tâm Giống cây trồng tỉnh sản xuất khoai tây giống Đức cho thu nhập 4 triệu đồng/sào. Hiện tại xã đã xây dựng khu vực này thành cánh đồng mẫu lớn với công thức luân canh 3 vụ bền vững: trồng cây ngô, lạc vụ xuân - cấy lúa vụ mùa - trồng khoai tây, rau màu vụ đông. Giá trị thu nhập bình quân trên 1ha đất canh tác ở vùng đất bãi đã đạt từ 150-200 triệu đồng/năm.

Sự năng động của các hộ dân ở các vùng chuyển đổi của xã Trực Chính với nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi, tổng hợp, nuôi trồng thủy sản tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh cao. Đây thực sự là những mô hình sản xuất hiệu quả giúp nhiều hộ nông dân trong xã làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com