Phát triển dịch vụ thương mại ở Thị trấn Cát Thành

07:03, 12/03/2015

Là thị trấn trẻ, Đảng ủy, chính quyền Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) đã định hướng tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ, tạo điều kiện cho nghề truyền thống của địa phương phát triển. Trong gần một nhiệm kỳ qua, việc thực hiện Nghị quyết phát triển kinh tế đã mang lại nhiều kết quả ấn tượng, trong đó tỷ trọng dịch vụ thương mại, CN-TTCN chiếm 75% trong cơ cấu kinh tế của thị trấn với tổng giá trị đạt trên 150 tỷ đồng, cao hơn so với trước từ 5-8%.

Sửa chữa, bảo dưỡng tàu thủy tại Cty Đầu tư và phát triển Trường An, CCN Cát Thành.
Sửa chữa, bảo dưỡng tàu thủy tại Cty Đầu tư và phát triển Trường An, CCN Cát Thành.

Phát huy thế mạnh địa phương có hệ thống giao thông thuỷ, bộ thuận tiện cho việc luân chuyển hàng hóa; người dân lại giỏi tổ chức các loại hình dịch vụ và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, Đảng bộ thị trấn chỉ đạo phát triển mạnh ngành vận tải thuỷ, nghề khâu nón truyền thống và khuyến khích mở mang các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân địa phương và các khu vực lân cận. Trên cơ sở đó, địa bàn của thị trấn được quy hoạch thành 3 vùng rõ rệt gồm: Khu vực phát triển thương mại dịch vụ bố trí sát trục đường chính của thị trấn gồm các khu dân cư thôn Trực Cát; khu dân cư thôn Hương Cát phát triển nghề khâu nón lá truyền thống và khu dân cư Phú An, CCN Cát Thành tập trung phát triển nghề dịch vụ vận tải pha sông biển và công nghiệp đóng tàu. UBND thị trấn yêu cầu các tổ chức hội, đoàn thể tranh thủ sự hỗ trợ tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và trang bị kiến thức thực hành khởi sự doanh nghiệp; dạy nghề và truyền nghề cho hội viên. Trong năm 2014, Thị trấn Cát Thành đã tổ chức đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ và cơ khí cho hàng trăm lao động địa phương. Đây là cơ sở giúp người lao động có đủ trình độ tự tổ chức sản xuất, kinh doanh tại gia đình hoặc có điều kiện tham gia sản xuất trong các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn. Bên cạnh đó, các tổ chức hội, đoàn thể còn tín chấp, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn vay mở rộng dịch vụ và phát triển sản xuất. Để các doanh nghiệp dịch vụ trên địa bàn yên tâm đầu tư, UBND thị trấn tạo mọi điều kiện về thủ tục hành chính, mặt bằng, cơ sở hạ tầng thiết yếu và đảm bảo an ninh trật tự. Bằng cách thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp thu hút đầu tư, thúc đẩy dịch vụ phát triển, đến nay, trên địa bàn thị trấn đã có hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong các lĩnh vực: vận tải thủy, cung ứng nguyên phụ liệu phục vụ sửa chữa, đóng mới tàu biển, làm nón lá truyền thống và cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ sinh hoạt cho người dân trong vùng và một lượng lớn công nhân lao động tại địa phương. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương và hàng nghìn lao động ở khu vực lân cận. Riêng nghề vận tải thủy, Thị trấn Cát Thành đã có trên 100 nghìn tấn phương tiện, có khả năng vận chuyển hàng hóa nội địa và vươn ra lãnh hải khu vực các nước Đông Nam Á. Nghề vận tải thủy giúp thị trấn đạt doanh thu trên 100 tỷ đồng/năm và giải quyết việc làm cho khoảng 1.500 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân hàng chục triệu đồng mỗi người/năm. Tiêu biểu như các Cty CP Vận tải Minh Tuấn, Cty CP Công nghiệp tàu thuỷ Cát Tường, HTX CP Mùa Xuân… Trong đó, Cty CP Đầu tư và phát triển Trường An luôn duy trì đội tàu vận tải 11 chiếc với tải trọng từ 2.000 tấn/tàu trở lên hoạt động vận tải pha sông biển ở cả trong và ngoài nước, tạo việc làm cho trên 100 lao động. Song song với thế mạnh tổ chức dịch vụ vận tải thủy, trên địa bàn thị trấn có 10 hộ gia đình làm đầu mối cung ứng nguyên phụ liệu và thu gom sản phẩm nón lá do các hộ dân trong thị trấn sản xuất. Bằng sự linh hoạt trong trao đổi, quảng bá giới thiệu hàng hóa, sản phẩm nón lá do người dân thị trấn sản xuất đã có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất bán sang các nước Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a với sản lượng trung bình hàng chục nghìn chiếc nón mỗi năm. Mặc dù mức thu nhập từ nghề làm nón chỉ từ 50-80 nghìn đồng/ngày nhưng đã tận dụng được lao động nhàn rỗi và phát triển được nghề thủ công truyền thống của ông cha, trong khi nghề truyền thống đang bị mai một diễn ra ở nhiều địa phương trong tỉnh. Sản xuất ổn định, thương mại dịch vụ phát triển, người dân thị trấn có điều kiện đầu tư xây mới nhà ở, ủng hộ kinh phí xây dựng các công trình xã hội như cổng làng, đường giao thông, NVH thôn, xóm và đồ dùng, trang thiết bị cho các trường tiểu học, trường mầm non… tạo diện mạo khang trang cho thị trấn.

Đồng chí Nguyễn Văn Thỉnh, Chủ tịch UBND Thị trấn Cát Thành cho biết: Xác định đẩy mạnh hoạt động dịch vụ thương mại làm động lực thúc đẩy sản xuất phát triển là định hướng đúng đắn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương mà Đảng bộ, chính quyền thị trấn đề ra. Kiên định chiến lược đó, thời gian tới, Thị trấn Cát Thành quyết tâm phát huy những thành tích đã đạt được, đẩy mạnh đầu tư mở rộng sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Tranh thủ các nguồn vốn tiếp tục hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động của các ngành nghề, dịch vụ. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đổi mới sản xuất, kinh doanh, sử dụng hiệu quả nguồn vốn, tài sản, đất đai… Đồng thời, tăng cường đảm bảo trật tự an toàn xã hội để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Phấn đấu năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên, trong đó riêng tỷ trọng thương mại dịch vụ chiếm gần 40% trong cơ cấu kinh tế của thị trấn./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com