Nâng cao chất lượng thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

07:03, 05/03/2015

Thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (SDĐ), thời gian qua các địa phương trên toàn tỉnh đã phân bổ và sử dụng khá hiệu quả tài nguyên đất, đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ở nhiều địa phương còn nhiều tồn tại, hạn chế. Theo ngành TN và MT một số tồn tại về chất lượng quy hoạch, kế hoạch SDĐ phổ biến tại các địa phương là: nhu cầu SDĐ cho các ngành, lĩnh vực trong phương án quy hoạch, kế hoạch SDĐ không đáp ứng đầy đủ phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và Trung ương. Bên cạnh đó, vị trí SDĐ của một số công trình, dự án được xác định chưa phù hợp với quy hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực và địa phương. Nguyên nhân của những tồn tại do nhiều địa phương khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch SDĐ còn thiếu tính đồng bộ giữa quy hoạch ngành và quy hoạch SDĐ. Việc quản lý, thực hiện quy hoạch SDĐ sau khi được xét duyệt chưa nghiêm và chưa có chế tài mạnh. Đặc biệt, việc chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng các KCN, khu kinh tế, khu đô thị, CCN có diện tích lớn, dẫn đến tình trạng đất đai bị khoanh bao, đầu tư hạ tầng tốn kém, dàn trải nhưng khả năng thu hút đầu tư thấp. Để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai, thời gian gần đây ngành TN và MT đã quan tâm nâng cao chất lượng thực hiện quy hoạch, kế hoạch SDĐ theo hướng tiếp cận phương pháp tiên tiến. Quan tâm đến vấn đề kinh tế - xã hội, BVMT, mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực, có tính đến tác động của biến đổi khí hậu. Tạo sự đồng bộ giữa quy hoạch SDĐ với quy hoạch xây dựng, trong đó có phân tích không gian nhu cầu SDĐ và công khai, tham vấn các bên liên quan trong quá trình lập quy hoạch.

Lãnh đạo xã Yên Phong (Ý Yên) chỉ đạo công tác thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại thực địa.
Lãnh đạo xã Yên Phong (Ý Yên) chỉ đạo công tác thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại thực địa.

Dưới sự hướng dẫn của Tổng cục Quản lý đất đai, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN và MT phối hợp với các cấp, các ngành triển khai xây dựng quy hoạch SDĐ của tỉnh Nam Định đến năm 2020 trình Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở Quy hoạch SDĐ của tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt, tỉnh chỉ đạo lập quy hoạch, kế hoạch SDĐ của các huyện, thành phố đến năm 2020. Theo đó, trong quá trình xây dựng NTM, các địa phương đã xây dựng quy hoạch SDĐ được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đến 20-12-2013, 100% số xã, thị trấn tham gia xây dựng NTM giai đoạn 1 đã hoàn thành quy hoạch SDĐ đến năm 2020 và kế hoạch SDĐ đến năm 2015. Riêng năm 2014, Sở TN và MT đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 10 phê duyệt danh sách các dự án thu hồi đất và danh mục các dự án chuyển đổi mục đích SDĐ lúa dưới 10ha; trên cơ sở đó trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch SDĐ 2014 của 10 huyện, thành phố. Đôn đốc các xã, thị trấn hoàn thành công tác quy hoạch SDĐ 2011-2020, kế hoạch SDĐ 2011-2015 trình UBND tỉnh; tuy nhiên do Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định 43/2004/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013 bỏ quy hoạch SDĐ cấp xã nên không phê duyệt mà sử dụng để xây dựng kế hoạch SDĐ năm 2015 và sẽ rà soát đưa vào quy hoạch SDĐ cấp huyện. Đến nay đã hoàn thành danh mục các dự án thu hồi đất và danh mục các dự án chuyển mục đích SDĐ lúa dưới 10ha thuộc kế hoạch sử dụng năm 2015. Trình UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung quy hoạch SDĐ lúa đến năm 2020 và kế hoạch SDĐ 5 năm (2011-2015) của các huyện Hải Hậu, Trực Ninh, Xuân Trường để thực hiện dự án phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Việc thực hiện các quy hoạch, kế hoạch SDĐ đã khoanh định quỹ đất sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, có dự trữ chiến lược và xuất khẩu; bảo vệ và phát triển rừng; đáp ứng cơ bản nhu cầu đất để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; đóng góp nguồn thu quan trọng cho ngân sách Nhà nước thông qua đấu giá, thu tiền khi giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích SDĐ; diện tích đất chưa sử dụng từng bước được khai thác đưa vào sử dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu SDĐ đảm bảo yêu cầu cân bằng hệ sinh thái, BVMT. Bên cạnh đó, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch SDĐ trên địa bàn toàn tỉnh đã góp phần tăng cường một bước hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai, khai thác tốt tiềm năng đất đai phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

Để việc quy hoạch, kế hoạch SDĐ tại các địa phương thực sự có hiệu quả đến năm 2020, hiện tại Sở TN và MT tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các huyện, thành phố thực hiện kế hoạch SDĐ năm 2015; rà soát điều chỉnh quy hoạch SDĐ đến năm 2020 và xây dựng kế hoạch SDĐ kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục giao đất, cho thuê đất phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tổ chức đấu giá đất ở, thu tiền SDĐ, phấn đấu năm 2015 đạt chỉ tiêu kế hoạch thu 400 tỷ đồng. Từ ngày 31-12-2014 đến trước ngày 1-6-2015, các ngành, các địa phương còn tập trung thực hiện việc kiểm kê hiện trạng SDĐ năm 2014 tại các xã, thị trấn theo Thông tư số 28-2014/TT-BTNMT nhằm tổng hợp, khoanh vẽ đầy đủ đất theo từng loại đất của từng đối tượng SDĐ, đối tượng quản lý đất trong phạm vi hành chính từng xã, thị trấn để lập bản đồ hiện trạng SDĐ. Kết quả kiểm kê hiện trạng SDĐ năm 2014 của các xã, thị trấn được sử dụng làm cơ sở tổng hợp kết quả kiểm kê hiện trạng SDĐ toàn tỉnh. Thông qua đó, còn đánh giá chính xác thực trạng tình hình quản lý, SDĐ của các địa phương tính đến ngày 31-12-2014; làm căn cứ cho việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch SDĐ trong giai đoạn 2016-2020. Sở TN và MT yêu cầu các địa phương tổ chức niêm yết công khai để nhân dân và các nhà đầu tư tham gia và giám sát việc thực hiện theo quy hoạch nhằm thực hiện quy hoạch, kế hoạch SDĐ đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả, BVMT. Tăng cường chế tài xử lý vi phạm pháp luật đủ mạnh để răn đe, phòng ngừa vi phạm và xử lý các trường hợp vi phạm về quản lý, SDĐ. Yêu cầu các địa phương thực hiện việc thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích SDĐ theo đúng quy hoạch, kế hoạch SDĐ đã được phê duyệt; việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch SDĐ phải thống nhất chặt chẽ ở tất cả các cấp chính quyền, có giải pháp cụ thể để huy động vốn và các nguồn lực khác đáp ứng vốn đầu tư cho việc thực hiện phương án quy hoạch, kế hoạch SDĐ của xã./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com