Hứa hẹn những mùa vàng

08:02, 26/02/2015

Năm 2014 là năm khởi sắc của ngành Nông nghiệp tỉnh. Nhờ thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cùng với thời tiết thuận lợi nên nông dân đã có những vụ mùa bội thu. Hòa chung không khí nhộn nhịp của những ngày giáp Tết, bà con nông dân trong tỉnh bất chấp cái giá lạnh của tiết trời đông vẫn chăm chỉ bên ruộng rau xanh mướt trên những cánh đồng sau dồn điền, đổi thửa.

Trên các cánh đồng trồng màu của xã Giao Phong (Giao Thủy), niềm vui của người nông dân như được nhân đôi bởi hiệu quả kinh tế mà những cây trồng này đem lại cao gấp nhiều lần so với các cây trồng khác. Tại xứ đồng thôn Lâm Hoan, xã Giao Phong, tiếng nói cười của bà con nông dân mỗi lúc một rộn rã hơn. Người thì thoăn thoắt bón thêm đạm cho cây rau màu, người thì tranh thủ phun thuốc phòng trừ sâu bệnh…, ai cũng hối hả với công việc. Lão nông Cao Văn Nhanh, một trong những điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cho biết, trước đây, chúng tôi chỉ sản xuất nông nghiệp thuần tuý, chủ yếu là trồng lúa và các loại cây rau màu phục vụ nhu cầu của gia đình. Nhưng những năm gần đây, cây khoai tây phát triển mạnh ở đồng đất Giao Phong và trở thành vùng sản xuất khoai tây giống cung ứng cho các địa phương trong huyện, tỉnh. Sở dĩ cây khoai tây được bà con chọn là cây trồng chủ lực vì chân đất của địa phương rất phù hợp để khoai sinh trưởng, phát triển và cho năng suất cao. Với gần 1ha đất, ông Nhanh duy trì sản xuất 4 vụ/năm với công thức luân canh: lạc xuân - dưa lê (vụ xuân hè) - lúa mùa trung (chất lượng cao) - khoai tây (Đức) vụ đông…, do đó mang lại doanh thu hằng năm từ 320-350 triệu đồng. Cùng với sự nỗ lực cố gắng của bà con, Hội Nông dân (HND) luôn đóng vai trò “bà đỡ”, hỗ trợ nông dân trong sản xuất. Ở xã Giao Phong trong những năm qua, HND xã đã phối hợp với HTX dịch vụ nông nghiệp (DVNN) tham mưu cho chính quyền quy hoạch vùng sản xuất trồng rau màu tại các thôn Lâm Quan, Lâm Hạ, Lâm Hoan; tổ chức sửa chữa các công trình thủy lợi bảo đảm khai thác tối đa nguồn nước; tưới, tiêu thuận lợi cho toàn bộ diện tích cây vụ đông. Để chủ động bảo quản nguồn giống tốt cho nông dân, HTX đã đầu tư hàng trăm triệu đồng xây 2 kho lạnh công suất 70 tấn; tuyên truyền, khuyến khích bà con nông dân gửi khoai tây giống vào kho lạnh với giá ưu đãi. Bên cạnh đó, HND và HTX phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật thâm canh những giống khoai tây mới; phối hợp với các Cty cung ứng phân bón cho nông dân. Cùng với việc khuyến khích mở rộng diện tích, HTX còn đưa giống khoai tây mới có năng suất, giá trị kinh tế cao vào thâm canh như khoai tây Đức, Hà Lan... Ngoài ra, các hộ nông dân trong xã còn trồng luân canh lạc xuân, lãi từ 3­4 triệu đồng/sào, dưa dưa lê lãi từ 5­7 triệu đồng/sào trở lên. Hiện sản phẩm rau màu của xã Giao Phong đã khẳng định được thương hiệu về chất lượng sản phẩm cũng như chủng loại, thu hút nhiều doanh nghiệp, thương lái trong và ngoài tỉnh đến thu mua. Theo đồng chí Đặng Văn Thôn, Chủ nhiệm HTXDVNN Hồng Phong, xã Giao Phong cho biết thêm, do mang lại hiệu quả kinh tế cao, gần 10 năm nay, nhiều hộ dân trong xã đã tập trung chuyển đổi sang trồng các loại hoa màu có giá trị kinh tế cao. Việc mở rộng diện tích cây vụ đông trên địa bàn xã không những giúp nông dân tiến thêm một bước trong việc tiếp cận khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông sản hàng hóa mà còn giúp xã phủ xanh diện tích đất vụ đông. Nhiều hộ nông dân đã áp dụng phương thức luân canh, xen canh, gối vụ với nhiều công thức linh hoạt, tích cực ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất đã nâng giá trị canh tác ở một số cánh đồng xã Giao Phong đạt tới 300 triệu đồng/ha. Trên địa bàn xã bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu hàng hóa, phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Chăm sóc khoai tây vụ đông ở xã Giao Phong (Giao Thủy).
Chăm sóc khoai tây vụ đông ở xã Giao Phong (Giao Thủy).

Rời cánh đồng rau màu Giao Phong, chúng tôi tới thăm hộ anh Trần Quang Hợp, thôn Ngô Xá, xã Nam Phong (TP Nam Định) với mô hình trồng quất cảnh cho thu nhập cao. Sinh ra từ miền quê biển Thịnh Long (Hải Hậu) nhưng anh lại “bén duyên” với nghề trồng quất cảnh ở đất Nam Phong. Hơn 20 năm qua, với sự truyền nghề từ “nhạc phụ”, anh chuyên tâm học hỏi kinh nghiệm, chịu khó, cần cù làm ăn. Đến nay, anh đã “tậu” được trên 5.000m2 đất chuyên để trồng quất. Quất gối vụ trước sang vụ sau. Mỗi năm anh xuất bán từ 300 đến 500 gốc quất to cỡ 3-4 người ôm, giá trị mỗi cây 2-3 triệu đồng. Có cây giá trị 8-10 triệu đồng… Để có được thành quả này cũng là nhờ sự giúp đỡ của HND xã khi vào thời điểm khó khăn, thiếu vốn sản xuất đã giúp anh vay vốn từ Ngân hàng NN và PTNT để đầu tư mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, được sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương tạo cơ hội cho anh chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng quất cảnh. Nói về hiệu quả của mô hình kinh tế này, Chủ tịch HND xã Nguyễn Văn Nam cho biết, trước đây, trên diện tích vùng trũng của xã chỉ cấy được một vụ lúa/năm nhưng năng suất bấp bênh, hay bị ngập úng, dẫn đến người nông dân thường bỏ ruộng. Nhờ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, những diện tích khó canh tác này lại trở thành lợi thế trong phát triển cây cảnh, quất cảnh có giá trị kinh tế cao. Phong trào chuyển đổi ruộng đất để hình thành các vườn quất có giá trị kinh tế cao đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn vùng giáp ranh thành phố.

Không chỉ ở những địa phương trên, trong những năm qua, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, toàn tỉnh đã xây dựng được 133 cánh đồng mẫu lớn tập trung với diện tích trên 6.200ha. Các cánh đồng cao sản này đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng của ngành Nông nghiệp hằng năm. Riêng năm 2014, giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất canh tác ước đạt 92 triệu đồng. Ngoài tăng giá trị kinh tế, việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa còn giúp người nông dân thay đổi tư duy sản xuất, hướng tới phát triển sản xuất theo hướng an toàn cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. Đồng chí Bùi Thị Thơm, Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Với trách nhiệm của mình, thời gian qua, HND các cấp trong tỉnh luôn đồng hành cùng nông dân trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp đưa các giống cây trồng mới đạt hiệu quả cao vào thử nghiệm và sản xuất đại trà, tổ chức hàng nghìn lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức khoa học kỹ thuật cho hội viên. Cùng với đó, HND tỉnh đã kết hợp với các doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm của nông dân cũng như quan tâm hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi cho nông dân vay đầu tư mở rộng sản xuất. Với sự hỗ trợ giúp đỡ, tạo điều kiện của tổ chức HND và cấp ủy, chính quyền các địa phương cộng với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nhiều hộ nông dân đã vươn lên trở thành những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, những “lão nông tỷ phú”, góp phần hình thành nên những cánh đồng thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha, tạo nên những mùa vàng bội thu.

Một mùa xuân mới lại về mang theo bao ước mơ về một năm mưa thuận gió hoà cùng những mùa vàng no ấm. Chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng và tin tưởng về những bước tiến mới trong sản xuất nông nghiệp của năm 2015 sẽ mang lại sự đổi thay cho diện mạo mỗi vùng quê và cuộc sống trong mỗi gia đình nông thôn./.

Bài và ảnh: Hoàng Thanh Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com