Cảnh giác mua hàng "đại hạ giá" dịp Tết

09:02, 02/02/2015

Cuối năm, đặc biệt dịp cận Tết là vào mùa “xả” hàng tiêu dùng với các phương thức khuyến mại, hạ giá (sale off)… Mua hàng dịp này, người tiêu dùng có kinh nghiệm có thể được sử dụng những sản phẩm chính hãng với giá rẻ. Với doanh nghiệp đây được coi là cơ hội kích thích nhu cầu tiêu dùng, mua sắm, tri ân khách hàng sau một thời gian khách hàng đồng hành cùng doanh nghiệp và thu hồi vốn trước khi chuyển đổi sản xuất một mẫu hàng mới. Với lợi ích hai chiều cho cả người mua và người bán nên hình thức hạ giá sản phẩm được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tích cực áp dụng. Tuy nhiên, bên cạnh các doanh nghiệp chân chính khai thác đúng nghĩa lợi ích của việc bán hàng hạ giá, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã nhập nhèm dùng chiêu “đại hạ giá” để lừa gạt khách hàng, thiếu kinh nghiệm để kiếm lợi bất chính.

Trên khắp các con phố đâu đâu cũng thấy biển quảng cáo “Sale off 30-50%”, “Giảm giá cuối năm” hay “Vui như Tết trượt hết giá” đối với hầu hết các mặt hàng từ điện máy, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm, quần áo, giày dép đến thực phẩm… Biển quảng cáo giảm giá không chỉ treo ở các cửa hàng chuyên doanh, trung tâm thương mại, siêu thị mà còn xuất hiện tràn lan ở khắp các ngõ chợ, thậm chí ở cả những mặt hàng bán đổ đống ở vỉa hè... Đi kèm với sự cẩu thả, tùy tiện trong cách trưng bày, thì chất lượng hàng hóa cũng không còn được đảm bảo. Qua khảo sát thực tế, hầu hết các mặt hàng giảm giá đều là hàng lỗi mốt, hàng giả các thương hiệu lớn; hàng cận date và thậm chí đã hết hạn sử dụng. Nhiều cơ sở kinh doanh còn treo biển thanh lý cửa hàng, xả hàng toàn bộ. Ngoài giảm giá, một số cửa hàng còn trưng biển “mua 1 tặng 1”, hoặc tặng kèm sản phẩm khác. Tuy nhiên phần lớn quà tặng chỉ là những mặt hàng chất lượng thấp và chủ yếu dùng để che khuất nhược điểm cận hạn sử dụng của sản phẩm giảm giá...  Về vấn đề giảm giá mặc dù đề mức giảm khá cao song nếu người mua có thời gian tham khảo thị trường thì sẽ thấy thực chất không giảm, người bán đẩy giá bán cao để người mua thấy rõ mức giảm nhưng thực tế giá không thấp hơn so với các mặt hàng cùng loại có trên thị trường. Tại Siêu thị điện máy M, một số mặt hàng ghi giảm giá từ 45-49% nhưng số tiền khách phải trả vẫn ngang giá chưa giảm tại một số địa điểm khác. Chẳng hạn chiếc máy sấy tóc Panasonic ND11-W/645 GNY đề hai mác giá gồm: gốc 290 nghìn đồng và mác 159 nghìn đồng là giá đã giảm. Tuy nhiên cũng với sản phẩm này tại một siêu thị điện máy khác chỉ niêm yết giá là 160 nghìn đồng?! Hình thức này được sử dụng phổ biến ở hầu hết các nhóm hàng giảm giá trong các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng nhỏ lẻ. Ngày thường, khi khách hàng kiến nghị những sản phẩm tương tự có giá bán cao, khách hàng thường nhận được phản hồi từ các chủ cửa hàng nhỏ lẻ: lãi suất được hưởng thấp, chỉ đạt 10-15% giá trị sản phẩm trong khi phải ứng vốn nhập hàng, mất công bảo quản hàng hóa, mất chi phí thuê người bán hàng và chịu tổn thất nếu sản phẩm hao hụt, đổ, vỡ... Vậy mà dịp cuối năm cũng phải chi trả đầy đủ các chi phí kể trên nhưng các cửa hàng, đại lý lại giảm giá bán sản phẩm đến 30-50% mà cửa hàng vẫn có lãi. Chị Bùi Ngọc Diệp (TP Nam Định), cho biết: “Trong điều kiện kinh tế khó khăn, tôi cũng đã ghé qua một số cửa hàng để tham khảo giá, tìm mua một vài món đồ dùng trong dịp Tết Nguyên đán cho giảm bớt chi phí nhưng thực tế chất lượng hàng hóa kém, lại phải mua số lượng lớn theo (kể cả những món hàng không có nhu cầu) mới được hưởng chính sách khuyến mại nên không hấp dẫn”.

Trước thực trạng này, để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và ổn định thị trường theo hướng cạnh tranh lành mạnh, Sở Công thương đã tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến quy định, trách nhiệm của đơn vị quảng cáo khuyến mại; tăng cường các biện pháp kiểm soát các hình thức khuyến mại; yêu cầu các cơ sở kinh doanh tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật trong việc áp dụng các chương trình quảng cáo, khuyến mại. Kiên quyết xử lý hành chính, yêu cầu dừng hoạt động khuyến mại đối với những cơ sở cố tình vi phạm, không thông báo thời gian, mặt hàng, chính sách… khuyến mại tới cơ quan chức năng và không đảm bảo đủ quyền lợi của người tham gia khuyến mại theo đúng văn bản đăng ký với Sở Công thương. Bên cạnh đó, ngành chức năng và các tổ chức hội, đoàn thể cũng lồng ghép tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng mua sắm của người tiêu dùng để không quá sa đà vào những chiêu trò khuyến mại cuối năm dẫn đến mua sắm "quá tay" vừa "thâm hụt ngân sách" lại lãng phí nếu không có nhu cầu sử dụng./.

Nguyễn Thị Thanh Hoa
(Học viện Báo chí và Tuyên truyền)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com