Phát triển ngành nghề nông thôn ở Hải Bắc

07:01, 29/01/2015

Kết thúc năm 2014, xã Hải Bắc (Hải Hậu) đã đạt thu nhập bình quân đầu người trên 29,5 triệu đồng, cao hơn năm 2013 khoảng 3 triệu đồng. Rà soát đối chiếu với các tiêu chí NTM xã đã đạt cả 19 tiêu chí. Cùng với phát triển nông nghiệp, các ngành nghề khác cũng phát triển mạnh, thúc đẩy cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Ngoài nghề dệt chiếu truyền thống ở xóm Phương Đức, các nghề may công nghiệp, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, mộc mỹ nghệ, vê đay - dệt chiếu, thêu ren xuất khẩu, cơ khí… cũng hình thành và phát triển nhanh ở các xóm Triệu Phúc, Phương Đức, Triệu Thông A, An Lộc.

Sản xuất cửa nhựa lõi thép uPVC tại Cty TNHH Thành Lập Lộc, xóm Phố Mới, xã Hải Bắc.
Sản xuất cửa nhựa lõi thép uPVC tại Cty TNHH Thành Lập Lộc, xóm Phố Mới, xã Hải Bắc.

Vốn có nghề truyền thống, tuy không thật sầm uất giàu có từ nghề này song lãnh đạo xã và người dân đều nhận thức rõ vai trò của phát triển ngành nghề phi nông nghiệp đối với kinh tế địa phương và các gia đình. Do vậy, những năm qua, trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ủy, UBND xã đặc biệt quan tâm các giải pháp để phát triển mở mang nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ. Xã đã tạo điều kiện về thủ tục hành chính, đất đai, tín chấp với các tổ chức tín dụng hỗ trợ các cơ sở, hộ cá thể có nghề truyền thống vay vốn đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường. Năm 2014, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng của xã đạt trên 45 tỷ đồng. Xã đã lập đề án quy hoạch phát triển làng nghề truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo quy định của Bộ NN và PTNT; thành lập Ban điều hành làng nghề, xây dựng quy chế hoạt động của làng nghề và tổ chức các lớp đào tạo, truyền nghề để giữ nghề truyền thống. Do triển khai thực hiện các biện pháp đồng bộ, năm 2012, làng nghề dệt chiếu Phương Đức đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống đạt các tiêu chí của Bộ NN và PTNT. Làng nghề hiện có trên 250 khung dệt chiếu, tạo việc làm thường xuyên cho trên 500 lao động với mức thu nhập ổn định bình quân từ 50-60 nghìn đồng/người/ngày. Ngoài dệt thủ công, làng nghề đã có 2 hộ là các ông: Trần Văn Bích, Bùi Văn Phụng đầu tư dàn dệt chiếu máy; bình quân mỗi ngày một dàn dệt chiếu sản xuất từ 45-50 lá chiếu (khổ rộng từ 0,8-1,6m, dài 2m). Hộ ông Bích còn là đại lý cung ứng nguyên liệu cói nhập từ các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa..., làm dịch vụ in hoa văn, hấp sấy và bao tiêu sản phẩm của làng nghề. Bình quân mỗi tháng, làng nghề dệt chiếu Phương Đức sản xuất được 6.000-7.000 đôi chiếu các loại. Cùng với nghề dệt chiếu truyền thống, ở xã Hải Bắc còn phát triển mạnh các ngành nghề: may công nghiệp, mộc mỹ nghệ, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí tổng hợp... Nghề may công nghiệp tạo việc làm cho khoảng 500 lao động trong xã với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, có 20 cơ sở tập trung, quy mô mỗi điểm từ 15-30 máy may, như cơ sở của các ông bà: Vương Văn Tam, xóm 4; Hoàng Thị Loan, xóm Triệu Thông B; Bùi Văn Điền, xóm Phương Đức… Nghề cơ khí cũng phát triển với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất như: cơ sở kéo sợi nhôm, sản xuất lõi cáp dây điện của anh Vũ Viết Cao ở xóm 4; cơ sở sản xuất các loại phai cống, xà, dầm và các loại kết cấu thép phi tiêu chuẩn (phục vụ thi công cầu đường); Cty TNHH Thành Lộc Lập, xóm Phố Mới chuyên sản xuất các loại cửa nhựa lõi thép uPVC, cửa nhôm kính các loại... Anh Mai Văn Thành, Giám đốc Cty TNHH Thành Lộc Lập cho biết: từ cơ sở sản xuất các loại cửa nhôm kính nhỏ, năm 2012, anh thành lập Cty và đầu tư gần 500 triệu đồng mua sắm các loại máy móc chuyên dụng để sản xuất cửa nhựa lõi thép uPVC. Cty tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức thu nhập khoảng 5,5-6 triệu đồng/người/tháng và hàng chục lao động thời vụ. Nghề sản xuất vật liệu xây dựng có các cơ sở sản xuất gạch không nung từ xi măng - cát - đá mạt; đúc cấu kiện bê tông, làm hàng rào bê tông, sản xuất ang, chậu trồng cây cảnh của các anh: Nguyễn Văn Giáp, Vũ Văn Viên đều ở xóm An Lộc; Trần Văn Cường, xóm Triệu Phúc... Năm 2001, anh Trần Văn Cường khởi nghiệp với nghề chính làm các loại ang, chậu trồng cây cảnh. Năm 2010, anh đầu tư mua 1 máy ép gạch thủy lực (công suất 1.000 viên gạch, kích thước dài 28cm, rộng 17cm, cao 10cm) của làng nghề cơ khí Xuân Tiến (Xuân Trường) để sản xuất gạch ba-banh (gạch bi) từ nguyên liệu cát, xi măng, đá mạt. Khi đã thâm nhập vào thị trường, anh tiếp tục mở rộng chủng loại sản phẩm, sản xuất thêm hàng rào bê tông với công suất khoảng 50-60 tấm/tháng (kích thước dài 2 mét, cao 1,2 mét). Cơ sở tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân từ 130-150 nghìn đồng/người/ngày.

Phát triển đa dạng ngành nghề sản xuất CN-TTCN, cơ cấu kinh tế của xã Hải Bắc đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM. Năm 2014, tổng thu nhập từ sản xuất CN-TTCN, làng nghề của xã Hải Bắc ước đạt trên 40 tỷ đồng, chiếm trên 40% tổng thu nhập toàn xã. Đây là cơ sở để trong năm 2015, xã Hải Bắc phấn đấu nâng bình quân thu nhập theo đầu người đạt trên 30 triệu đồng/người/năm; thu nhập từ sản xuất CN-TTCN, làng nghề chiếm trên 45% tổng thu nhập toàn xã./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com