Tín hiệu vui trong khai thác hải sản

07:07, 08/07/2013

Những tháng đầu năm 2013, ngành Thủy sản và các địa phương ven biển tiếp tục tổ chức tốt sản xuất trên biển, phát triển và nâng cao hiệu quả đánh bắt hải sản, làm tốt công tác bảo vệ bền vững nguồn lợi thủy sản, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống cho ngư dân, kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh.

Trong công tác quản lý, đăng ký, đăng kiểm và cấp giấy phép khai thác thủy sản, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KTBVNLTS) phối hợp với các Phòng NN và PTNT, UBND các xã, thị trấn ven biển, các đồn, trạm kiểm soát biên phòng tích cực bám sát địa bàn, tiến hành rà soát, thống kê phân loại tàu cá; hướng dẫn, tạo điều kiện cho ngư dân làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp đổi và gia hạn giấy phép khai thác thủy sản; tổ chức 2 lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật trong lĩnh vực KTBVNLTS; hướng dẫn ngư dân đăng ký tham gia lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4. Bên cạnh đó, Chi cục chỉ đạo các Trạm Kiểm ngư cử cán bộ trực tiếp xuống cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền để hướng dẫn và tham gia cùng ngư dân thực hiện đánh dấu tàu cá bằng sơn màu vàng cam theo quy định giúp phân biệt vùng khai thác của từng loại tàu. Trong công tác tổ chức sản xuất khai thác thủy sản, Chi cục tăng cường tuyên truyền, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các tổ, đội khai thác, hội nghề nghiệp; hướng dẫn ngư dân trình tự, thủ tục và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các mô hình tổ, đội sản xuất trên biển. Xây dựng các mô hình tổ, đội khai thác, cải tiến ngư cụ, trang thiết bị tàu cá nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Phối hợp kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức, quản lý và điều hành sản xuất trong khai thác thuỷ sản, nâng cao chất lượng thông tin, dự báo ngư trường, trữ lượng nguồn lợi và khả năng cho phép đánh bắt.

Thuyền về bến cá Quần Vinh, xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng).
Thuyền về bến cá Quần Vinh, xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng).

Để phát triển nguồn lực cho khai thác thủy sản, duy trì ổn định sản lượng khai thác ven bờ và giảm dần tàu cá có công suất máy dưới 20CV khai thác gần bờ, Chi cục khuyến khích ngư dân đóng mới tàu cá công suất trên 90CV, đầu tư máy mới ít tiêu hao nhiên liệu vươn ra khai thác tại các ngư trường xa bờ; làm tốt công tác chỉ đạo kỹ thuật khai thác; đảm bảo khai thác đi đôi với bảo vệ bền vững nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản; tăng cường công tác khuyến ngư, tập huấn, chuyển giao cho ngư dân các công nghệ, kỹ thuật mới về ngư cụ, trang thiết bị hàng hải hiện đại để áp dụng vào sản xuất. Nhờ đó, nghề khai thác thủy sản đã có những bước tiến mới về năng lực khai thác. Toàn tỉnh hiện có 2.089 tàu cá với tổng công suất máy trên 92 nghìn CV, trong đó huyện Giao Thuỷ 891 tàu, huyện Hải Hậu 718 tàu, huyện Nghĩa Hưng 437 tàu và huyện Trực Ninh 43 tàu cá. Số tàu có công suất máy từ 90CV trở lên khai thác xa bờ có 329 chiếc, trong đó có nhiều tàu được đầu tư trang thiết bị hiện đại, đủ điều kiện hoạt động khai thác tại các ngư trường lớn trong nước. Khối tàu nhỏ công suất dưới 20CV hoạt động ở tuyến bờ, chủ yếu khai thác sứa biển và các loài cá nổi ven bờ như cá én, cá trích, cá đù, cá mối, cá khoai và một số loài giáp xác như: moi, ghẹ, cua biển, tôm, sam... Thực hiện chủ trương “Tổ chức lại sản xuất trên biển” của ngành, các ngư dân đã liên kết, thành lập nhiều mô hình đoàn, tổ, đội hợp tác sản xuất, hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất và tìm kiếm cứu nạn trên biển. Cơ cấu nghề cũng có sự thay đổi, một số tàu thuyền của các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng đã chuyển đổi sang đánh bắt kiêm nghề lưới rê kết hợp chụp mực mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một số đơn vị sản xuất đạt kết quả khá, điển hình là tổ hợp tác nghề lưới rê kết hợp chụp mực của các xã: Hải Lý, Hải Chính, Hải Triều (Hải Hậu), mỗi chuyến biển có lãi từ 30-40 triệu đồng, đặc biệt có tàu thu lãi từ 100-150 triệu đồng. Nghề lưới kéo của xã Giao Phong, Thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy) thu nhập từ 8-10 triệu đồng/người/tháng. Thời tiết biển những tháng đầu năm khá thuận lợi cùng với công tác dự báo ngư trường tốt đã giúp các ngư dân giảm được chi phí sản xuất, tăng sản lượng khai thác, chất lượng sản phẩm và lãi suất trong từng chuyến đi biển. Ước tính 6 tháng đầu năm 2013, sản lượng khai thác thủy sản của toàn tỉnh đạt 20.804 tấn, bằng 51% kế hoạch cả năm, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2012. Sản lượng khai thác biển đạt 19.830 tấn, trong đó cá biển đạt trên 13.252 tấn, giáp xác 1.364 tấn, nhuyễn thể đạt 50 tấn, các loại hải sản khác đạt 5.164 tấn. Sản lượng khai thác nội địa đạt 974 tấn, trong đó cá các loại đạt 779 tấn, tôm các loại đạt 97 tấn, nhuyễn thể các loại 25 tấn, giáp xác các loại (không kể tôm) 24 tấn, thủy sản khác 49 tấn. Ông Nguyễn Văn Đại, ngư dân xã Hải Chính (Hải Hậu), cho biết, với công suất 300CV tàu của gia đình ông chuyên hoạt động khai thác tại các vùng biển miền Trung. Do tàu có công suất lớn, đội ngũ thuỷ thủ, lao động đã có nhiều kinh nghiệm trong khai thác xa bờ nên sản lượng khai thác cũng tăng, trừ chi phí, 4 chuyến cho thu lãi 1 tỷ đồng, vì thế anh em rất yên tâm bám biển. Do triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trong chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức sản xuất trên biển nên ngư dân đã tích cực ra khơi bám biển. Số ngày khai thác dài hơn và ngư trường khai thác ngày một vươn xa hơn do phần lớn các dịch vụ hỗ trợ sản xuất như cung cấp nhiên liệu, thu mua hải sản đã được các tàu dịch vụ cung ứng đến tận ngư trường. Nhiều tàu cá có doanh thu mỗi chuyến trên 150 triệu đồng như tàu cá của ông Lại Văn Vỹ, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng) doanh thu 200 triệu đồng/chuyến; Nguyễn Văn Hùng, xã Hải Triều (Hải Hậu) doanh thu 160 triệu đồng/chuyến; Trần Văn Trung, xã Hải Lý (Hải Hậu) doanh thu 200 triệu đồng/chuyến… Đây là tín hiệu vui cho nghề khai thác thủy sản năm nay.

Để phát triển khai thác thủy sản của tỉnh thành nghề cá cơ giới và sản xuất hàng hóa lớn, cần có sự quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành và ngư dân trong tỉnh, từng bước hoàn thiện cơ sở hậu cần, dịch vụ nghề cá. Khuyến khích, động viên các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cụm kho, bến cá, các cơ sở chế biến hải sản, sản xuất nước đá, cung ứng nước ngọt, xăng dầu, sửa chữa tàu thuyền… tại Cảng cá Ninh Cơ (Hải Hậu). Chú trọng phát triển các đội tàu dịch vụ trên biển, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động dịch vụ trên biển nhằm thu gom, vận chuyển sản phẩm thủy sản khai thác vào bờ sớm và cung ứng nhiên liệu, lương thực, nước đá, các nhu yếu phẩm khác để tăng thời gian khai thác trên biển, giảm thời gian đi, về cho các tàu khai thác thủy sản xa bờ. Thực hiện tốt các biện pháp hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các chủ cơ sở chế biến, thu mua thủy sản ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học trong lĩnh vực chế biến và bảo quản sản phẩm. Tận dụng lợi thế về thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm khai thác có ưu thế như tôm sống, cua biển, ngao, sò, cá đặc sản, sứa... để tăng hiệu quả kinh tế./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com