Hải Hậu nỗ lực tìm giải pháp phát triển kinh tế sinh vật cảnh

08:06, 17/06/2013

Nghề trồng cây cảnh của huyện Hải Hậu trong gần chục năm trở lại đây đã được mở rộng và phát triển thành kinh tế sinh vật cảnh. Năm 2011 tổng diện tích canh tác được khai thác, đưa vào trồng cây cảnh đạt 1.000ha; với gần 80% số hộ dân trong huyện tham gia, doanh thu toàn huyện đạt 542 tỷ đồng, giá trị thu nhập đạt 700 triệu đồng/ha. Năm 2012, do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới và trong nước, việc tiêu thụ sản phẩm cây cảnh gặp khó khăn, doanh thu từ cây cảnh của huyện chỉ đạt 81 tỷ đồng, bằng 14% so với năm 2011.

Các nghệ nhân Hội Sinh vật cảnh huyện Hải Hậu dạy nghề cho hội viên.
Các nghệ nhân Hội Sinh vật cảnh huyện Hải Hậu dạy nghề cho hội viên.

Trước thực trạng này, huyện Hải Hậu đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp duy trì, phát triển nghề trồng cây cảnh. Hội Sinh vật cảnh huyện đã thành lập tổ giáo viên dạy nghề gồm 9 người là các nghệ nhân sinh vật cảnh có kinh nghiệm, đã được phong tặng danh hiệu nghệ nhân và đã được đào tạo nghiệp vụ sư phạm dạy nghề. Được sự hỗ trợ của UBND huyện, Hội Sinh vật cảnh huyện đã thành lập quỹ dạy nghề, mua sắm các phương tiện thiết bị phục vụ dạy nghề, triển khai chương trình dạy nghề trồng cây cảnh cho hội viên và nông dân. Nội dung chương trình đào tạo bao gồm dạy nghề mới, nâng cao tay nghề… Những người mới làm nghề được trang bị kiến thức bài bản từ khâu chọn giống, nhân giống, chăm sóc, uốn tỉa, đưa cây lên chậu và hoàn thiện sản phẩm theo phương pháp “cầm tay, chỉ việc”. Năm 2012, tổ giáo viên dạy nghề đã kết hợp với Hội Sinh vật cảnh các xã, thị trấn tổ chức 16 lớp học cho 1.602 hội viên. Từ đầu năm 2013 đến nay, tổ giáo viên đã liên kết với Trung tâm dạy nghề huyện Hải Hậu tổ chức 4 lớp dạy nghề. Với trình độ kỹ thuật tay nghề ngày một nâng cao, các sản phẩm cây phôi được cung ứng ra thị trường khi đã hoàn thiện khâu uốn, tỉa, tạo dáng, thế, có giá trị nghệ thuật. Hiện toàn huyện đã hình thành 3 khu chợ: Văn Lý, Hải Lý, Hải Hoà và khoảng 100 nhà vườn quy mô lớn, tạo sức thu hút đối với người mua. Tại các khu nhà vườn chủ yếu tập kết cây cảnh từ các hộ sản xuất nhỏ, chủ nhà vườn chỉnh trang uốn tỉa, tạo thế để sản phẩm đạt chuẩn về nghệ thuật trước khi xuất bán. Ngoài ra, các hội viên còn tạo điều kiện để tổ chức hội cây cảnh tại địa phương hoặc chủ động tham gia trưng bày, giới thiệu cây cảnh tại các hội chợ, lễ hội quy mô lớn… Năm 2012, Hội Sinh vật cảnh huyện đã tổ chức 4 hội chợ tại các xã Hải Minh, Hải Xuân, Hải An, Hải Sơn; tham gia hội chợ sinh vật cảnh dịp kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định. Từ đầu năm 2013 đến nay, Hội Sinh vật cảnh huyện đã tổ chức 2 hội chợ trưng bày cây cảnh trên địa bàn huyện. Thông qua hoạt động tổ chức trưng bày hội chợ sinh vật cảnh, thương hiệu cây cảnh của huyện ngày càng thu hút được nhiều khách hàng.

Nhờ các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế sinh vật cảnh, hiện các hộ làm nghề trên địa bàn huyện đã tạo dựng được uy tín, thương hiệu với những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật độc đáo, đa dạng... Năm 2012 các hộ trồng cây cảnh xã Hải Sơn đã xuất bán được 15 tỷ đồng; nhiều hộ dân trong xã vẫn đạt mức thu nhập từ 300-700 triệu đồng/năm từ nghề trồng cây cảnh như hộ các ông: Nguyễn Tuấn Phong, chi hội 4; Lê Văn Lượng, chi hội 8; Hoàng Văn Lượng; Vũ Văn Tuynh, chi hội 5; hộ bà Vũ Thị Hương, chi hội 9. Ngay trong điều kiện khó khăn về tìm đầu ra cho sản phẩm nhưng hộ các ông Vũ Văn Đang (xã Hải Sơn), ông Mạnh (xã Hải Lý)… vẫn tiêu thụ được các đơn hàng trị giá gần 1 tỷ đồng. Sản phẩm hoa, cây cảnh trên địa bàn huyện Hải Hậu được người tiêu dùng của nhiều địa phương như: Vĩnh Phúc, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh… đánh giá cao về chất lượng./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com