Vấn đề an toàn, vệ sinh lao động tại làng nghề Xuân Tiến

07:05, 23/05/2013

Xã Xuân Tiến (Xuân Trường) có nhiều ngành nghề phát triển như cơ khí, đúc đồng, chế tác bạc mỹ nghệ, gỗ mỹ nghệ, chế biến lương thực, thực phẩm… Riêng nghề cơ khí truyền thống, toàn xã có khoảng 30 Cty, doanh nghiệp và hơn 300 cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho gần 3.000 lao động trong xã và các xã lân cận. Nhờ tập trung phát triển nghề cơ khí, nhiều hộ đã trở thành triệu phú, có hộ thành tỷ phú. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển về kinh tế, công tác an toàn, vệ sinh lao động tại làng nghề cơ khí Xuân Tiến đang đặt ra những vấn đề cần quan tâm giải quyết.

Cty TNHH Chế tạo máy Tân Thiên Phú thực hiện tốt công tác ATVSLĐ-PCCN.
Cty TNHH Chế tạo máy Tân Thiên Phú thực hiện tốt công tác ATVSLĐ-PCCN.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của làng nghề với số lượng doanh nghiệp thành lập mới, mở rộng quy mô sản xuất ngày càng nhiều, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, từ năm 2001, xã Xuân Tiến đã xây dựng CCN. Đến nay, CCN Xuân Tiến đã lấp đầy với 23 doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, song mới đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu của các cơ sở sản xuất. Ngoài CCN, làng nghề cơ khí Xuân Tiến hiện có hơn 300 cơ sở sản xuất trong khu dân cư, quy mô nhỏ, tận dụng diện tích nhà ở làm xưởng nên chật hẹp, gây tiếng ồn, bụi, khí thải độc hại, ảnh hưởng đến môi trường sống. Để đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động, xã Xuân Tiến thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, phân công cán bộ đến từng hộ sản xuất nhắc nhở, hướng dẫn chủ cơ sở và người lao động thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động - PCCN, an toàn sử dụng điện, sử dụng trang thiết bị bảo hộ lao động trong quá trình sản xuất, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Qua đó, nhận thức và ý thức tự giác của các chủ cơ sở sản xuất cũng như người lao động trong việc thực hiện an toàn, vệ sinh lao động đã từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế tại các cơ sở sản xuất, vẫn còn không ít người lao động chưa thực sự quan tâm đến việc sử dụng bảo hộ lao động trong quá trình sản xuất. Tình trạng người lao động không sử dụng kính khi hàn điện, không đeo găng tay khi cắt gọt kim loại, không đeo khẩu trang… vẫn còn khá phổ biến. Tai nạn lao động thường xảy ra là bị máy cán dập vào tay, mạt sắt bắn vào mắt, cưa vào tay… Môi trường lao động ô nhiễm nặng do nhiều bụi, khí thải độc hại. Một số xưởng sản xuất còn để nguyên vật liệu, sản phẩm bừa bãi, lộn xộn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn, thương tích trong lúc làm việc. Đặc biệt môi trường sống bị ô nhiễm đang trở thành vấn đề bức xúc đối với làng nghề Xuân Tiến do chất thải công nghiệp. Kết quả kiểm tra của các ngành chức năng cho thấy, nồng độ các loại hóa chất độc hại trong nước thải, khí thải, bụi, tiếng ồn đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là những người trực tiếp lao động sản xuất. Nguyên nhân là do phần lớn các cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ không có khả năng tài chính để đầu tư xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn. Các cơ sở sản xuất mới chỉ thực hiện được việc thu gom chất thải rắn đưa đi chôn lấp; các khâu sản xuất gây tiếng ồn, bụi, khí thải độc hại chưa được bố trí khu riêng và trang bị hệ thống chống ồn, giảm bụi để giảm ảnh hưởng đến khâu khác.  

Để làng nghề cơ khí truyền thống Xuân Tiến phát triển bền vững, cấp uỷ, chính quyền địa phương cần chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các cơ sở sản xuất và người lao động về công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động - PCCN và bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phòng ngừa bệnh nghề nghiệp và những tai nạn lao động. Có kế hoạch, giải pháp cụ thể, thiết thực hơn, đề xuất, phối hợp với ngành chức năng và thực hiện xã hội hóa đầu tư xử lý phế thải công nghiệp, tiếp tục quy hoạch vùng tập trung, đưa sản xuất ra ngoài khu dân cư./.

Bài và ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com