Tân Thịnh mở rộng ngành nghề

08:05, 27/05/2013

Thực hiện mục tiêu tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ -  thương mại trong cơ cấu kinh tế của địa phương, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Tân Thịnh (Nam Trực) đã tập trung chỉ đạo, ban hành cơ chế hỗ trợ nhân dân mở rộng phát triển ngành nghề, tổ chức truyền nghề và du nhập nghề mới.

Chăm sóc cây cảnh tại gia đình ông Phạm Ngọc An, xóm Tân Thành, xã Tân Thịnh.
Chăm sóc cây cảnh tại gia đình ông Phạm Ngọc An, xóm Tân Thành, xã Tân Thịnh.

Từ lâu thôn Vũ Lao đã nổi tiếng với nghề xây dựng các công trình thờ tự đình, đền, chùa, miếu có kiến trúc và hoa văn truyền thống. Nhiều công trình lớn có giá trị văn hóa do bàn tay tài hoa của người thợ Vũ Lao thi công như chùa Vọng Cung, chùa Cả (TP Nam Định); chùa Bà Đá (Hà Nội)... Để làng nghề phát triển, cùng với việc giữ gìn những nét tinh tế trong kỹ thuật xây tường, trát phào, chỉ, trang trí nghệ thuật theo các họa tiết, hoa văn cổ, người thợ làng nghề Vũ Lao còn năng động sáng tạo học hỏi kiến thức, kỹ thuật mới trong xây dựng trang trí nội thất hiện đại. Do đó, ngoài việc xây mới, phục chế các công trình đình, chùa, người thợ làng nghề Vũ Lao ngày nay còn đảm nhận xây dựng các công trình hiện đại bảo đảm kỹ, mỹ thuật. Hiện tại, làng nghề xây dựng Vũ Lao có hơn 10 nhóm thợ, mỗi nhóm đều có đội kỹ thuật, thợ chính, thợ phụ… chuyên nhận thi công các công trình xây dựng dân dụng. Từ vài trăm lao động ban đầu, đến nay, nghề xây dựng của thôn Vũ Lao đã phát triển ở tất cả các thôn trong xã với tổng số gần 2.500 lao động, phạm vi hoạt động rộng khắp cả nước. Với mức thu nhập ổn định, bình quân 3-4 triệu đồng/người/tháng, nghề xây dựng trở thành nguồn thu nhập chính của phần lớn các hộ dân trong xã. Năm 2012, nghề xây dựng thôn Vũ Lao đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống. Ngoài nghề xây dựng, nhiều hộ dân ở các xóm Nam Dương, Tân Thành, Ngọc Thỏ, Cao Lộng còn phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh. Mặc dù đây là nghề mới song bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao nên các hộ dân trong xã đã thành lập CLB sinh vật cảnh để sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật làm nghề và tổ chức giới thiệu, quảng bá sản phẩm cho các hội viên. Chủ động học hỏi kỹ thuật chăm, tỉa cây cảnh qua sách báo, tạp chí chuyên ngành và các làng nghề nổi tiếng khác nên từ nhiều năm nay, gia đình các ông: Bùi Văn Tịnh, Trần Văn Việt, Trần Văn Thiệu xóm Nam Dương; Phạm Ngọc An, xóm Tân Thành dành 3-5 sào đất vườn trồng cây thế kết hợp với trồng đào, quất đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm và tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động. Đến nay, tổng diện tích trồng hoa, cây cảnh của xã có trên 10ha, tạo việc làm cho hơn 200 lao động với thu nhập bình quân 50 triệu đồng/người/năm. Trong đó hầu hết các hộ dân ở xóm Tân Thành đã chuyển đổi diện tích thùng đào, thùng đấu cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây cảnh. Anh Phạm Ngọc An đã đầu tư hàng trăm triệu đồng cải tạo 1ha ruộng trũng sang trồng hoa, cây cảnh. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, anh trồng xen canh cây cảnh với trồng cau và cây lá màu vừa tạo cảnh quan cho khu vườn hấp dẫn khách hàng đến chọn cây, vừa có thu nhập quanh năm. Trong vườn cây cảnh của anh luôn có nhiều thế hệ cây với giá trị kinh tế cao. Mỗi năm, gia đình anh có thu nhập vài trăm triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5-10 lao động. Đồng chí Trần Văn Viển, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh cho biết: Để khuyến khích và tạo điều kiện hỗ trợ ngành nghề phát triển, UBND xã đã tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và tín chấp cho các hộ dân vay vốn của các ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất. Trong năm 2012 đã có hơn 1.000 hộ dân trong xã được vay vốn từ Ngân hàng NN và PTNT và Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ đạt gần 22 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn vay, trên địa bàn xã có thêm nhiều mô hình kinh tế, dịch vụ hoạt động hiệu quả. Đến nay, toàn xã đã có 800 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Toàn xã có 15% hộ giàu, 78% hộ khá, hộ nghèo chỉ còn 7%; thu nhập bình quân đạt 17 triệu đồng/người/năm.

Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về cơ cấu lao động, bình quân thu nhập đầu người theo tiêu chí NTM, thời gian tới, xã Tân Thịnh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân trong xã được hưởng các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất theo hướng bền vững. Trong quy hoạch sản xuất nông nghiệp, xã quy hoạch vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung ở vùng đất bãi ven sông để các hộ dân yên tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất lâu dài. Đồng thời khuyến khích và tổ chức tư vấn kỹ thuật cho các hộ dân đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, linh hoạt trong sản xuất để thích ứng với diễn biến thị trường như chuyển từ trồng cây phôi sang làm cây thế và cung ứng sản phẩm cây bóng mát, cây lá màu trang trí... Với việc thực hiện các biện pháp chỉ đạo, hỗ trợ đồng bộ để phát triển mạnh kinh tế ngành nghề phi nông nghiệp là điều kiện quan trọng để năm 2013, xã Tân Thịnh phấn đấu thực hiện mục tiêu tỷ lệ lao động trong độ tuổi của địa phương có việc làm thường xuyên đạt từ 90% trở lên, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và thương mại, dịch vụ./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com